Tổng cục Hải quan họp báo giới thiệu hoạt động trong năm APEC 2017

Chiều ngày 19-1, tại Hà Nội, Tổng cục Hải quan tổ chức Họp báo chuyên đề giới thiệu các hoạt động của Hải quan Việt Nam trong năm diễn đàn hợp tác kinh tế khu vực Châu Á- Thái Bình Dương (APEC) 2017. Ông Dương Văn Tâm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế chủ trì cuộc họp báo.

Để chuẩn bị nội dung cho tuần lễ cấp cao APEC vào tháng 11 năm nay tại Đà Nẵng sẽ có các hoạt động từ cấp làm việc của các Nhóm công tác, các Tiểu ban chuyên ngành đến cấp Hội nghị các Quan chức cấp cao (SOM), các Hội nghị Bộ trưởng, liên Bộ trưởng.

Thông tin đến báo chí, ông Dương Văn Tâm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho biết, từ 2016, Hải quan Việt Nam đã chuẩn bị bước đi cho năm APEC 2017. Trên cơ sở các chuỗi hoạt động của APEC 2017 tại Việt Nam, Tổng cục Hải quan sẽ triển khai một số hoạt động trong khuôn khổ Cuộc họp Ủy ban Thương mại và Đầu tư (CTI). Hải quan Việt Nam sẽ chủ trì tổ chức Cuộc họp Nhóm Tiêu ban Thủ tục Hải quan (SCCP) lần một bên lề Hội nghị Quan chức cấp cao lần thứ nhất (SOM1) và SCCP lần hai bên lề SOM3 và một số các hoạt động liên quan được diễn ra lần lượt tại Nha Trang vào 20 đến 23-2-2017 và tại thành phố Hồ Chí Minh vào 15 đến 28-8-2017.

Ngoài việc chủ trì tổ chức Cuộc họp SCCP, Hải quan Việt Nam sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị Đối thoại Hải quan- DN và đồng chủ trì tổ chức cuộc họp Nhóm chuyên gia về Buôn bán gỗ bất hợp pháp (EGILAT) cùng Bộ NN&PTNT, Cuộc họp Liên minh An ninh Chuỗi cung ứng (A2C2) cùng Bộ Công Thương cùng một số Hội thảo chuyên đề bên lề SCCP như: Hội thảo về Cơ chế một cửa, Hội thảo về Tạo thuận lợi thương mại…

Với chủ đề chủ đề “Tạo thêm động lực mới, cùng vun đắp tương lai” (“Creating New Dynamism, Fostering A Shared Future”), APEC 2017 tập trung vào các ưu tiên chính như: Đẩy mạnh tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; tăng cường liên kết kinh tế và hội nhập khu vực sâu rộng; tạo thuận lợi cho DN siêu nhỏ, vừa và nhỏ thông qua việc hỗ trợ để tăng cường tính cạnh tranh, sáng tạo và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong chuỗi nội dung ưu tiên quốc gia, Ủy ban Thương mại và Đầu tư cũng xác định các vấn đề chính được tập trung nhấn mạnh tại Cuộc họp CTI nhằm thực hiện một trong các nội dung ưu tiên quốc gia nêu trên.

Cụ thể: Hướng tới đạt các Mục tiêu Bogor về tạo thuận lợi thương mại và xây dựng các trụ cột trong chương trình nghị sự APEC 2020; tiếp tục thúc đẩy triển khai các cam kết FTA trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương; thúc đẩy kết nối APEC và kết nối chuỗi cung ứng; tạo thuận lợi cho các DN siêu nhỏ, vừa và nhỏ; đẩy mạnh các ngành công nghiệp phụ trợ cũng như thúc đẩy các chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực; và thúc đẩy tự do hóa dịch vụ thương mại.

Để góp phần hoàn thành các mục tiêu trên của CTI, cuộc họp SCCP, trong 7 nội dung khung liên quan đến triển khai thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi thương mại trong khuôn khổ WTO; triển khai kết nối cơ chế một cửa; phát triển chương trình DN ưu tiên; ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý rủi ro trong quản lý hải quan; quản lý thực thi quyền sở hữu trí tuệ qua biên giới; thúc đẩy thương mại điện tử qua biên giới và tăng cường khung kết nối chuỗi cung ứng.

Hải quan Việt Nam đã lựa chọn 2 vấn đề ưu tiên trong năm APEC 2017 bao gồm: Đảm bảo an ninh thương mại trong kết nối chuỗi cung ứng trong đó nhấn mạnh việc triển khai các biện pháp phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống hàng giả hàng nhái và tạo thuận lợi thương mại thông qua tăng cường triển khai và hoàn thiện kết nối cơ chế một cửa.

Với nội dung ưu tiên này, Hải quan Việt Nam mong muốn các nền kinh tế thành viên cùng trao đổi và đưa ra các đề xuất, khuyến nghị và sáng kiến trong thực hiện kết nối cơ chế một cửa và phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại nhằm thực hiện tốt vai trò quan trọng của cơ quan Hải quan trong hợp tác tạo thuận lợi thương mại và bảo đảm an ninh thương mại trong kết nối chuỗi cung ứng khu vực. Đây cũng chính là mục tiêu quan trọng mà Chương trình hành động tập thể (CAP) của SCCP hướng tới thông qua 9 nội dung cụ thể đã được các thành viên SCCP đệ trình lên Ban Thư ký APEC thông qua trong năm 2016.

Với việc chủ trì các hoạt động SCCP APEC 2017, Hải quan Việt Nam mong muốn góp phần tạo ra sự kết nối và hợp tác khu vực trong lĩnh vực hải quan trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về an ninh trong chống khủng bố, kiểm soát vận chuyển hàng hóa trong tình hình buôn lậu và vận chuyển trái phép các chất ma túy ngày càng phức tạp, tinh vi và manh động với khối lượng lớn; những thách thức về an ninh thương mại trong kỷ nguyên số; hay áp lực về duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh nhiệm vụ đạt được các thỏa thuận về nội dung trong SCCP và các Cuộc họp liên quan, Hải quan Việt Nam cũng đang đẩy mạnh triển khai công tác chuẩn bị về mặt lễ tân hậu cần trong chỉ đạo chung của Ban Thư ký Quốc gia APEC 2017 nhằm góp phần quảng bá văn hóa và đất nước Việt Nam đến bạn bè khu vực và quốc tế.

Phóng viên Báo Lao động hỏi, với vai trò chủ trì các hoạt động liên quan đến thủ tục hải quan thì Hải quan Việt Nam đã chuẩn bị được gì để có những kinh nghiệm chi sẻ với các nước về vấn đề chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Trả lời về vấn đề này, ông Dương văn Tâm cho biết, từ năm 2016, Hải quan Việt Nam rất tích cực trong việc chuẩn bị các nội dung. Trong đó, Tổng cục Hải quan đã cử Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh làm Trưởng ban Chỉ đạo APEC SCCP 2017 và Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Dương Văn Tam là Trưởng nhóm nội dung APEC SCCP 2017. Bên cạnh đó, Hải quan Việt Nam cũng đã thành lập các nhóm nội dung, trong đó thành viên bao gồm các CBCC từ Tổng cục đến địa phương để tham gia. Đến thời điểm này, các nhóm nội dung cũng đã lên kế hoạch chi tiết nhằm hoàn thành các công việc phải làm trong khuôn khổ APEC. Cụ thể, như Báo Hải quan tham gia nhóm tuyên truyền sẽ xây dựng cuốn sách giới thiệu về Hải quan Việt Nam. Văn phòng Tổng cục tổ chức các hoạt động liên quan đến tuyên truyền cho phóng viên báo chí.

Đồng thời, Tổng cục Hải quan còn yêu cầu các Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang… có phương án trong tạo điều kiện, tổ chức các hoạt động liên quan đến APEC.

Về nội dung ưu tiên, vừa qua Hải quan Việt Nam đã tổ chức 2 hội thảo liên quan đến việc xác định nội dung ưu tiên cho APEC 2017. Theo đó, dự kiến, có 2 nội dung ưu tiên được đưa ra tại APEC là Cơ chế một cửa quốc gia và đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm hàng giả, hàng nhái. Đây cũng là 2 nội dung mà Hải quan Việt Nam muốn chia sẻ và ghi nhận những đóng góp của các nước trong khối APEC.

Báo Vietnamnet đặt vấn đề xung quanh mối lo ngại chủ nghĩa bảo hộ quay trở lại thì sẽ tác động như thế nào đến công tác thu ngân sách của ngành Hải quan.

Ông Dương Văn Tâm cho biết, ở nước ngoài, nhà nước thường đứng ra mua sản phẩm mà nông dân sản xuất với giá cao hơn để XK. Theo đó, người nông dân có trợ cấp trong lĩnh vực nông nghiệp. Việt Nam cũng đang có xu hướng dư thừa hàng hóa. Do đó, các cơ quan Chính phủ luôn mong muốn bảo hộ hàng hóa trong nước nhằm tạo ra hàng rào ngăn hàng hóa của nước khác nhập vào.

Theo báo Hải quan