(HQ Online) – Với vị trí địa lý chiến lược và sự phát triển mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng, Bình Dương được coi là mảnh đất “màu mỡ” cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, khai thác dịch vụ logistics.

Đi đầu về dịch vụ logistics

Thông tin tại Hội thảo “Bình Dương – hệ sinh thái logistics và thương mại điện tử hướng đến chuỗi cung ứng toàn cầu” diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế Horasis Trung Quốc 2024 (từ ngày 14-16/4), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành khẳng định, Bình Dương đã tận dụng tốt lợi thế về vị trí địa lý, đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ và ngày càng hoàn thiện, cộng với sự phát triển nhanh của ngành công nghiệp và thương mại dịch vụ đã và đang tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy Bình Dương vươn lên thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển dịch vụ logistics.

Đến nay, hệ thống trung tâm logistics, phương tiện vận chuyển liên tục được nâng cấp, mở rộng và đầu tư mới về quy mô lẫn chất lượng dịch vụ; đáp ứng được nhu cầu lưu trữ, trung chuyển phục vụ thương mại nội địa và xuất khẩu hàng hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh và khu vực.

Với mục tiêu và định hướng phát triển ngành dịch vụ logistics, ông Nguyễn Văn Dành khẳng định Bình Dương cam kết luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp dịch vụ logistics trong nước và quốc tế đến tìm hiểu, nghiên cứu và đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Bình Dương rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các bộ, ngành có liên quan và nhất là ý kiến đóng góp của các chuyên gia, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp đang trực tiếp kinh doanh lĩnh vực logistics trong và ngoài tỉnh, kinh nghiệm hữu ích, quý báu cùng những sáng kiến, giải pháp ưu việt, phù hợp giúp giải quyết vấn đề và áp dụng vào thực tế một cách hiệu quả.

Qua đó giúp Bình Dương xây dựng các kế hoạch, giải pháp cụ thể nhằm phát triển ngành logistics một cách hiệu quả, bền vững, nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh, sớm hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics xuyên biên giới, hiện đại với các dịch vụ chất lượng cao.

Chia sẻ tại hội thảo, bà Huỳnh Đinh Thái Linh, Giám đốc Trung tâm Thương mại thế giới Bình Dương (WTC Bình Dương) – thành viên Hiệp hội Logistics Bình Dương cho biết, Bình Dương đã hình thành được chuỗi liên kết dịch vụ logistics cấp vùng với hệ thống hạ tầng gồm 15 trung tâm logistics quy mô lớn, trong đó có 3 ICD và 1 ga đường sắt quốc tế phục vụ xuất – nhập khẩu hàng hóa; hình thành 10 cảng sông, 21 kho hàng, 19 kho ngoại quan, 2 kho CFS đang hoạt động phục vụ tốt cho hoạt động sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp và thực hiện chức năng phân phối hàng hóa đến các tỉnh, thành trong khu vực và xuất khẩu.

Trong đó, Bình Dương chú trọng đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ logistics, nâng cao chất lượng các dịch vụ hiện có, nghiên cứu phát triển các dịch vụ chất lượng cao trên nền tảng số, trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật tạo thành chuỗi logistics liên hoàn.

Hoạt động kho ngoại quan tại KCN Việt Nam – Singapore II, Bình Dương. Ảnh: T.D

Phát triển nguồn nhân lực theo hướng số hóa

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để thích ứng với sự phát triển và đổi mới ngành logistics trong tương lai, việc phát triển nguồn nhân lực trở thành một yếu tố quan trọng trên con đường kiến tạo đưa ngành logistics Việt Nam nói chung và logistics Bình Dương nói riêng ngày càng vươn xa.

PGS-TS Hồ Thị Thu Hòa, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Logistics Việt Nam khẳng định, Bình Dương hoàn toàn có đủ điều kiện thuận lợi để phát triển, trở thành trung tâm dịch vụ, hỗ trợ công nghiệp và khoa học – công nghệ của vùng Đông Nam bộ và khu vực phía Nam. Trong đó, ngành logistics có đầy đủ tiềm năng nội tại để trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn của tỉnh, là yếu tố động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của Bình Dương trong tương lai.

Để đạt được mục tiêu này, trong thời gian tới, Bình Dương cần ưu tiên phát triển nguồn nhân lực logistics theo hướng chú trọng kỹ năng số hóa, quản lý chuỗi cung ứng, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của các nhà đầu tư logistics đến Bình Dương.

Đây cũng là giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp dịch vụ logistics đổi mới, sáng tạo, cung ứng chuỗi dịch vụ ở mức độ 3 (3PL), 4 (4PL), hướng đến mức độ 5PL – Logistics điện tử trên cơ sở phát triển thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiện đại, hiệu quả, chuyên nghiệp.

Song đại diện một số doanh nghiệp cho biết, điểm nghẽn lớn nhất cản trở sự phát triển của ngành logistics nói chung, các hoạt động dịch vụ logistics nói riêng, chính là nguồn nhân lực và nhân lực chuyên nghiệp, chất lượng cao. Hiện nay trên địa bàn Bình Dương có 2 trường đại học đã triển khai đào tạo ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, nhìn chung trình độ tay nghề và tính chuyên nghiệp trong ngành logistics vẫn ở mức trung bình khá, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng nhiều của các doanh nghiệp dịch vụ logistics của tỉnh trong dài hạn.

Trước yêu cầu cấp bách trên, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết, hiện tỉnh đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ, kết nối với doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, xúc tiến thương mại dịch vụ logistics…

Bình Dương cũng hỗ trợ, bảo đảm cho sự luân chuyển hàng hóa và hoạt động logistics một cách thuận lợi, giảm chi phí cho doanh nghiệp, giúp ngành dịch vụ logistics thành trụ cột tăng trưởng chính của ngành thương mại – dịch vụ và sớm đạt được mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang dịch vụ chất lượng cao.

Theo: Hải quan Online