XK của Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 2016 đã có bước chuyển đáng kể khi tăng trưởng trên 30%. Dù là dấu hiệu tích cực song chưa thể khẳng định đây sẽ là xu hướng trong thời gian tới.
Hầu hết mặt hàng XK sang Trung Quốc đều tăng
Nhiều năm qua, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Hai năm trở lại đây, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản trở thành thị trường XK lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ. Năm 2016 chứng kiến sự thay đổi đáng kể trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2016, tổng giá trị hàng hoá trao đổi giữa Việt Nam – Trung Quốc lên tới 71,9 tỷ USD, tăng 8,8% so với năm 2015. Điểm đáng chú ý trong năm 2016 là XK của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng rất mạnh, đạt 21,95 tỷ USD, tăng 32,5% so với năm trước. Ở chiều ngược lại, NK hàng hoá từ thị trường này tiếp tục dẫn đầu với kim ngạch đạt 49,96 tỷ USD, chỉ tăng nhẹ 0,9% nhưng vẫn chiếm gần 1/3 tổng kim ngạch NK của cả nước.
Xét trên xu thế chung của nhiều năm, sự thay lớn nhất trong năm 2016 là XK của Việt Nam tăng trưởng khá tốt, tốc độ XK tăng nhanh hơn NK, đã phần nào làm “giảm nhiệt” gánh nặng nhập siêu từ Trung Quốc. Xu hướng tăng này vẫn tiếp tục được duy trì trong tháng 1/2017. Cụ thể, XK sang Trung Quốc tháng 1 đạt 1,807 tỷ USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng mặt hàng XK sang thị trường này vẫn được duy trì ở con số 40, trong đó chủ yếu là hàng nông sản như thủy sản, rau quả, hạt tiêu, chè, cà phê…, một số mặt hàng công nghiệp (như xơ sợi dệt các loại; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy ảnh máy quay phim và linh kiện…) và than đá. Trong khi đó, Việt Nam NK từ Trung Quốc chủ yếu là máy móc, nguyên phụ liệu.
Có thể thấy, XK sang Trung Quốc có sự tăng trưởng tốt xuất phát từ những điều kiện thuận lợi như: Chính sách khuyến khích NK của Trung Quốc (tăng cường ký kết các thỏa thuận về kiểm nghiệm kiểm dịch với các nước XK thủy sản, trái cây, thịt gia súc…), Trung Quốc có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm XK mà Việt Nam có thế mạnh là nông sản, thủy sản…
Hầu hết các mặt hàng XK sang Trung Quốc đều tăng. Ví dụ dễ thấy nhất là mặt hàng rau quả và xơ sợi. Trong 2,6 tỷ USD XK rau quả năm 2016, có đến 70% kim ngạch là XK sang thị trường Trung Quốc. Tương tự, mặt hàng xơ sợi cũng vậy, XK xơ sợi mặt hàng xơ sợi chiếm hơn 50% tổng kim ngạch XK. Với mặt hàng thủy sản, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) nhìn nhận, Trung Quốc được coi là thị trường thay thế đầy tiềm năng trong bối cảnh XK sang các thị trường truyền thống sụt giảm. Đây được coi là mảng sáng nhất trong bức tranh XK tôm của Việt Nam. Trung Quốc chủ yếu là NK tôm sú sống/tươi/đông lạnh của Việt Nam với sản phẩm này gấp 63 lần tôm sú chế biến. Với dân số lớn, nhu cầu tiêu thụ thủy sản cao, đặc biệt là xu hướng tiêu dùng các sản phẩm có chất lượng cao của người dân Trung Quốc trong những năm gần đây, XK tôm sang thị trường này có nhiều cơ hội tăng trưởng.
Theo đuổi?
Đánh giá về sự tăng trưởng này, ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) cho hay: “Tôi cho rằng đây là tín hiệu đáng mừng, đánh dấu lần đầu tiên tốc độ XK sang Trung Quốc tăng. Điều này cũng cho thấy, hàng hóa Việt Nam đã có sự cạnh tranh nhất định”. Tuy nhiên, đây có phải là xu hướng lâu dài hay không thì ông Phương nói rằng “chưa thể kết luận”. Bởi lẽ, ngành công nghiệp hỗ trợ của chúng ta chưa tạo ra nền tảng, chưa đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh để không NK từ Trung Quốc và tăng XK vào Trung Quốc.
Hơn nữa, theo ông Đào Việt Anh, Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh, Trung Quốc, DN khi XK sang thị trường này cũng gặp phải nhiều rào cản. Cụ thể, hàng Việt Nam khi NK sang Trung Quốc được hưởng thuế suất ưu đãi trong khuôn khổ Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc – ASEAN (CAFTA). Tuy nhiên, Trung Quốc hiện áp dụng thuế suất thuế Giá trị gia tăng từ 13-17%, điều này vô hình trung làm giảm mức độ cạnh tranh về giá của sản phẩm NK khi tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc. Với mặt hàng nông thủy sản khi XK sang Trung Quốc còn chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm cùng loại của các nước ASEAN. Thêm vào đó, trao đổi, mua bán hàng hóa theo hình thức thương mại biên giới với Trung Quốc còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Dù vậy, Trung Quốc vẫn được đánh giá là thị trường có nhiều tiềm năng đối với Việt Nam như có thuận lợi trong giao thương, Trung Quốc còn có nhu cầu rất lớn đối với hàng hóa của Việt Nam. Khi các nước đang tăng cường kiểm soát chặt chẽ về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật, gia tăng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại thì việc tận dụng lợi thế này là cần thiết. Song, việc XK sang Trung Quốc cũng cần phải có sự chuyển biến nhất định bởi lẽ chúng ta vẫn chủ yếu XK nguyên liệu thô sang Trung Quốc nên phần giá trị gia tăng mang lại chưa nhiều. Ông Đào Việt Anh khuyến cáo thêm, DN nên tìm hiểu sâu về các quy định NK của Chính phủ Trung Quốc với các hàng hóa để có kế hoạch hợp tác, giao dịch với đối tác Trung Quốc nhất là những sản phẩm như thực phẩm, nông sản, thủy sản vì đây là những sản phẩm chịu kiểm soát ngặt nghèo về kiểm dịch.