Để hướng dẫn cho DN và cơ quan Hải quan trong việc kiểm tra, xác định xuất xứ đối với hàng hóa XNK, Tổng cục Hải quan đang xây dựng dự thảo thông tư quy định cụ thể về nội dung này.

Thông tư này sẽ quy định cụ thể các trường hợp phải nộp chứng nhận xuất xứ, kiểm tra xuất xứ hàng hóa XNK. Ảnh: N.Linh.

Các trường hợp phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ

Theo ông Âu Anh Tuấn-Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), nội dung thông tư này được tách ra từ Điều 26 Thông tư 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, đồng thời cụ thể hóa nội dung tại Nghị định 19/2006/NĐ-CP và các thông tư hướng dẫn về xuất xứ của Bộ Công Thương. Hiện nay, theo từng hiệp định thương mại có các quy định xuất xứ riêng biệt. Để hướng dẫn thực hiện chung, thông tư này sẽ quy định cụ thể các trường hợp phải nộp chứng nhận xuất xứ, kiểm tra xuất xứ hàng hóa dựa trên giấy chứng nhận xuất xứ và nội dung khai báo của người khai hải quan; phân biệt trách nhiệm giữa cơ quan Hải quan với Bộ Công Thương và cơ quan cấp giấy chứng nhận xuất xứ, chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Theo đó, cơ quan Hải quan là cơ quan thực thi, kiểm tra nội dung liên quan đến chứng nhận xuất xứ mà DN khai báo, cũng như chứng từ mà DN phải nộp cho cơ quan Hải quan trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, để được áp dụng chính sách thuế ưu đãi đặc biệt cũng như để áp dụng các biện pháp kiểm soát.

Dự thảo quy định các trường hợp phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ như: Hàng hóa áp dụng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do; hàng hóa áp dụng mức thuế suất MFN; hàng hóa thuộc diện phải tuân thủ các chế độ quản lý NK; hàng hóa thuộc diện có nguy cơ gây hại đến an toàn xã hội, sức khỏe của cộng đồng hoặc vệ sinh môi trường cần được kiểm soát; hàng hóa NK thuộc diện Việt Nam thông báo đang trong thời điểm áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ giá, các biện pháp tự vệ, biện pháp hạn ngạch thuế quan, biện pháp hạn chế số lượng. Trong từng trường hợp, dự thảo sẽ quy định về C/O và các chứng từ đi kèm.

Theo đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan, các quy định này sẽ cụ thể hóa các quy định tại Nghị định 19/2006/NĐ-CP, đồng thời khắc phục những bất cập hiện nay. Chẳng hạn đối với hàng hóa thuộc diện phải tuân thủ theo các chế độ quản lý NK, hiện nay chưa có văn bản chuyên ngành nào hướng dẫn hàng hóa phải có chứng nhận xuất xứ, chỉ có một số hàng muốn NK có quy định về giấy chứng nhận lưu hành tự do. Để tránh tình trạng xuất xứ hàng hóa không rõ ràng, DN NK hàng hóa của một nước nhưng khai một nước khác, Tổng cục Hải quan dự kiến sẽ quy định hàng hóa thuộc diện này phải nộp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của nước sản xuất hoặc nước XK; hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ của người sản xuất, người XK được xác nhận bởi cơ quan có thẩm quyền của nước sản xuất hoặc nước XK. Dự kiến sẽ quy định một danh mục hàng hóa gồm: Hàng hóa có ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người…

Đối với hàng hóa thuộc diện nguy cơ gây hại cũng cần phải cung cấp C/O được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của nước XK, nước sản xuất. Quy định như vậy để DN chứng minh được xuất xứ hàng hóa. Chẳng hạn như nếu Bộ Công Thương cấm NK ngô ở Ấn Độ, DN phải chứng minh được mặt hàng đó NK ở nước không bị cấm.

Thời điểm nộp C/O

Một nội dung quan trọng của dự thảo thông tư là thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ. Theo ban soạn thảo, hiện nay một số hiệp định quy định rõ thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ nhưng có hiệp định không nêu rõ thời điểm nộp. Trong thời gian qua, Bộ Tài chính cũng đã có một số văn bản hướng dẫn về thời điểm nộp C/O, cơ quan Hải quan cũng đã ghi nhận được một số vướng mắc của DN về quy đinh này. Chính vì vậy, để hướng dẫn thực hiện thống nhất, dự thảo thông tư quy định: Thời điểm nộp C/O mẫu D, E, AK, AANZ, AI, AJ, VJ, VC, EAV và chứng từ tự chứng nhận xuất xứ mẫu D là: Tại thời điểm làm thủ tục hải quan, tính từ thời điểm đăng ký tờ khai hải quan đến thời điểm giải phóng hàng, thông quan hàng hóa. Trường hợp chưa nộp tại thời điểm làm thủ tục hải quan, người khai hải quan khai báo việc nộp bổ sung trên tờ khai hải quan và nộp trong vòng 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan. Ngoài thời hạn nêu trên, người khai hải quan có thể đề nghị nộp bổ sung trong 2 trường hợp có sự thay đổi mã số HS hoặc từ đối tượng theo diện ưu đãi đầu tư được miễn thuế NK chuyển sang thuộc diện chịu thuế.

Về thời điểm nộp C/O mẫu KV, VK: Tại thời điểm làm thủ tục hải quan để được hưởng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt. Trường hợp không nộp tại thời điểm làm thủ tục hải quan, người khai hải quan phải khai báo việc nộp bổ sung trên tờ khai hải quan và nộp C/O trong vòng 1 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.

Dự thảo thông tư cũng quy định chứng từ chứng nhận xuất xứ đối với DN ưu tiên. Theo đó, đối với trường hợp người khai hải quan là DN ưu tiên, người khai hải quan sẽ khai báo số tham chiếu và ngày cấp chứng từ chứng nhận xuất xứ trên tờ khai hải quan và được miễn kiểm tra chứng từ chứng nhận xuất xứ tại thời điểm làm thủ tục NK. Cơ quan Hải quan tiến hàng kiểm tra sau thông quan để kiểm tra xác định xuất xứ hàng hóa NK…

Hiện tại những nội dung tại dự thảo Thông tư kiểm tra, xác định xuất xứ đối với hàng hóa XNK đang được lấy ý kiến cộng đồng DN và cơ quan quản lý có liên quan. Đã có một số ý kiến đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định rõ để tránh chồng chéo với những quy định tại các văn bản hướng dẫn của Bộ Công Thương. Đồng thời, với quy định về nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa áp dụng mức thuế suất MFN không cần quy định DN phải có cam kết xuất xứ hàng hóa NK của người khai hải quan trong trường hợp không có các chứng từ như: C/O được cấp bởi co quan có thẩm quyền của nước sản xuất, XK hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa do người sản xuất, người XK của nước XK cấp.

Nội dung dự thảo thông tư kiểm tra, xác định xuất xứ đối với hàng hóa XNK gồm: 6 chương, 24 điều. Các nội dung chính gồm: các trường hợp phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ; thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ; thông tin tối thiểu trên chứng từ chứng nhận xuất xứ; chứng từ chứng nhận xuất xứ cấp cho lô hàng tổng nhập kho ngoại quan và NK nhiều lần vào nội địa; chứng từ chứng minh vận tải trực tiếp; chứng từ chứng nhận xuất xứ đối với các tờ khai chuyển loại hình và DN ưu tiên.

Theo báo Hải quan