Thực hiện kiểm tra đột xuất tình trạng hàng hóa gửi kho, kiểm tra khi có dấu hiệu nghi vấn hàng hóa gửi kho không đúng hoặc tự ý tiêu thụ nội địa là một trong những chỉ đạo đáng chú ý mới đây của Tổng cục Hải quan.

Nhằm tăng cường biện pháp quản lý, đảm bảo công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan đối với hoạt động của doanh nghiệp chế xuất nói chung và hoạt động thuê kho ngoài của doanh nghiệp chế xuất nói riêng, mới đây, Tổng cục Hải quan đã có chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện một số nội dung sau:

Với Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi quản lý doanh nghiệp chế xuất:

Thứ nhất, thực hiện giám sát hàng hoá đưa vào, đưa ra kho thuê ngoài doanh nghiệp chế xuất thông qua hệ thống ca-mê-ra theo hướng dẫn tại Quyết định số 247/QĐ-TCHQ ngày 02/3/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

Thứ hai, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa đưa vào, đưa ra tại kho thuê bên ngoài doanh nghiệp chế xuất để kịp thời phát hiện các dấu hiệu nghi vấn, rủi ro cần áp dụng biện pháp quản lý phù hợp. Phối hợp với đơn vị hải quan liên quan trong việc kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hoá tại kho thuê;

Thứ ba, thực hiện kiểm tra đột xuất tình trạng hàng hóa gửi kho, kiểm tra khi có dấu hiệu nghi vấn hàng hóa gửi kho không đúng hoặc tự ý tiêu thụ nội địa.

Thứ tư, việc kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật của kho thuê bên ngoài doanh nghiệp chế xuất đảm bảo tất cả các kho doanh nghiệp chế xuất thuê ngoài được kiểm tra tối thiểu 1 lần/năm.

Thứ năm, báo cáo, đánh giá khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý hàng hoá đưa vào, đưa ra giữa doanh nghiệp chế xuất với kho thuê bên ngoài; đề xuất giải pháp quản lý có hiệu quả.

Với Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi có kho thuê của doanh nghiệp chế xuất:

Thứ nhất, xây dựng phương án, phân công cụ thể công chức theo dõi, quản lý hàng hoá đưa vào, đưa ra kho thuê bên ngoài doanh nghiệp chế xuất.

Thứ hai, tăng cường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ giám sát, kiểm soát đối với kho thuê bên ngoài doanh nghiệp chế xuất để kịp thời phát hiện các dấu hiệu nghi vấn, rủi ro. Trường hợp phát hiện dấu hiệu thì phối hợp với Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi quản lý doanh nghiệp chế xuất kiểm tra đột xuất tình trạng hàng hóa gửi kho hoặc kiểm tra tình hình sử dụng, tồn kho nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị và hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp theo quy định.

Thứ ba, chủ động trao đổi, cung cấp thông tin về hoạt động của doanh nghiệp chế xuất tại kho thuê với Chi cục Hải quan nơi quản lý doanh nghiệp chế xuất.

Thứ tư, báo cáo, đánh giá khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý hàng hoá đưa vào, đưa ra giữa doanh nghiệp chế xuất với kho thuê bên ngoài; đề xuất giải pháp quản lý có hiệu quả./.

Điều 60 Luật Hải quan, khoản 10 Điều 26 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ, Điều 80 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, doanh nghiệp chế xuất được thuê kho bên ngoài để lưu giữ nguyên liệu, vật tư, thành phẩm phục vụ cho hoạt động sản xuất của chính doanh nghiệp chế xuất.