Anh Tuấn, nhân viên có 12 năm kinh nghiệm làm thủ tục hải quan cho biết chúng tôi thấy quy trình thông quan hàng hóa vẫn hết sức nhiêu khê, mất thời gian. “Chỉ có thủ tục khai báo luồng xanh (luồng ưu tiên miễn kiểm tra thực tế) thay đổi chút chút, thời gian làm thủ tục trước đây 1 ngày rưỡi, nay giảm xuống hơn 1 ngày. Còn thủ tục khai báo hàng hóa tại hai luồng đỏ và vàng vẫn giữ nguyên như trước, chẳng có gì thay đổi cả. Các chi phí phát sinh không có biên lai hóa đơn thì vẫn như cũ, không giảm đồng nào cả”
Thực tế, các thủ tục hàng hóa phân luồng xanh vẫn phải trải qua các bước gồm khai tên trên hệ thống mạng, phân luồng tự động, đăng ký mở tờ khai tại chi cục, nộp thuế, thông quan, thanh lý. Theo anh Tuấn, khi hàng hóa đã thanh lý xong, với luồng xanh, anh vẫn phải quay về công ty in tờ khai để nộp, muốn in tại chỗ trả phí “nhờ in” khoảng 20.000 đồng/phiếu. Mỗi lần làm thủ tục, in không dưới 10 tờ khai như vậy. Nhưng kể cả khi đã hoàn tất các thủ tục, nếu chẳng may nhân viên quên bấm nút hoàn tất hồ sơ, thông tin không được truyền lên mạng thì dù đã chạy xuống cảng cũng phải quay ngược lại hải quan… nhờ bấm nút “OK” rồi mới tiếp tục được.
Không chỉ thủ công hóa một thủ tục điện tử mà có nhiều khâu thừa song hải quan vẫn “miệt mài” áp dụng. Chẳng hạn, với hàng thanh lý có phiếu xuất kho (hàng lẻ) và phiếu E (hàng container) đầy đủ thông tin song khi ra cảng mang theo tờ xuất kho này rồi vẫn phải làm thêm khâu “ghi vào sổ tàu” các thông tin “y chang” đã đăng ký tờ khai trước đó. Theo các DN, khâu “vào sổ tàu” là không cần thiết bởi thông tin đã được điện tử hóa và duyệt qua bảng điện tử, thêm bước thủ công này chỉ khiến quy trình tự động qua mạng vô nghĩa và tiêu cực cũng từ đó mà ra.
Đại diện một DN chuyên nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất giấy tại TP.HCM cho biết, hàng nhập khẩu của công ty hiện chủ yếu là giấy phế liệu nên 100% lô hàng bị phân luồng đỏ, tức là kiểm tra thực tế hàng hóa trước khi thông quan, thì đến nay “công cuộc cải cách thủ tục hành chính chưa gõ cửa”. Tuy nhiên, vấn đề khiến ông bức xúc hơn là hiện nhập khẩu giấy phế liệu đang chịu sự quản lý chồng chéo giữa hai cơ quan là hải quan và Cục Quản lý ô nhiễm trực thuộc Bộ Tài nguyên – Môi trường. Có quá nhiều quy định bổ sung trong thời gian qua về nhập khẩu hàng này đã thực sự gây khó khăn gấp bội cho DN. Đơn cử như quy định ký quỹ trước khi nhập 15 ngày theo Nghị định 38 với mức 15 – 20% trị giá lô hàng gây áp lực về tài chính rất lớn cho DN. Hàng nhập mỗi tuần mấy chục container, tiền ký quỹ “dồn” cả mấy tỉ đồng. Trong khi hàng hóa thường nhập tại các nước châu Á, tàu đi 7 ngày là đến, nhưng tiền ký quỹ bị “giam” đến 15 ngày.
Chưa hết, cùng mặt hàng, nhưng lô hàng nào cũng phải chi phí kiểm hóa và giám định mất 1 – 1,2 triệu đồng/container, mỗi tháng DN chi 200 – 600 triệu đồng cho phí này. Ngoài ra, cứ mỗi lô hàng lại phải gửi thông báo nhập khẩu đến cơ quan kiểm soát ô nhiễm, trong khi giấy phép cấp trước đó nói rõ hạn mức số lượng phế liệu được nhập. Đó là chưa kể cuối năm DN phải có báo cáo tình trạng sử dụng phế liệu của DN trong năm qua. “Riêng khâu gửi đi gửi lại thông báo này, thậm chí phải đi ra tận T.Ư để làm đã tốn không biết bao nhiêu tiền bạc và thời gian của DN”, vị này bức xúc.
Bà Thanh Ngọc, DN chuyên nhập khẩu nguyên liệu sản xuất các mặt hàng về nhựa, đang làm thủ tục tại cảng Cát Lái (TP.HCM) bổ sung, Thông tư 41 của Bộ Tài nguyên – Môi trường yêu cầu DN phải có cam kết về tài chính và xuất trả hàng khi không đạt chất lượng cũng không hợp lý. “DN nhập khẩu phế liệu đã phải ký quỹ trước khi làm thủ tục tới 20% trị giá lô hàng. Khoản ký quỹ này để phòng khi hàng nhập không đúng chất lượng, hải quan có thể xử lý. Nghĩa là cơ quan quản lý đã nắm đầu cán rồi, hà cớ gì thêm cam kết mang tính thủ tục và không có hiệu quả thế này?”, bà Ngọc thắc mắc.
(Nguồn:thanhnien.vn)