Căn cứ vào Quyết định số 11039/QĐ-BCT ngày 03 tháng 12 năm 2014 của Bộ Công Thương thì mặt hàng là thực phẩm (Mì, bún, miến, phở,…) khi xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện phải kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm (không phải kiểm tra chất lượng).

Căn cứ Điều 41 Luật an toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 quy định: “Điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm xuất khẩu

  1. Đáp ứng các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của Việt Nam.
  2. Phù hợp với quy định về an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu theo hợp đồng hoặc điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp với quốc gia, vùng lãnh thổ có liên quan.”

Căn cứ khoản 1 Điều 9 Thông tư số 28 /2013/TT-BCT ngày 06/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định: “Hồ sơ đăng ký kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu gồm:

  1. a) Giấy đăng ký kiểm tra thực phẩm nhập khẩu theo Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;
  2. b) Bản sao có chứng thực Giấy tiếp nhận công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định về an toàn thực phẩm do Bộ Y tế hoặc cơ quan có thẩm quyền được Bộ Y tế ủy quyền cấp;
  3. c) Bản sao công chứng Hợp đồng nhập khẩu hàng hóa (Contract), danh mục hàng hóa kèm theo (Packing list);
  4. d) Bản sao có chứng thực và có xác nhận của tổ chức, cá nhân nhập khẩu: Vận đơn (Bill of Lading); hóa đơn (Invoice); tờ khai hàng hóa nhập khẩu.”

Căn cứ khoản 1 Điều 10 Thông tư trên quy định: “Cơ quan kiểm tra là cơ sở kiểm nghiệm được Bộ Công Thương chỉ định thực hiện chức năng kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương (sau đây gọi là cơ quan kiểm tra).”

Căn cứ khoản 2 Điều 14 Thông tư trên quy định: “Thời hạn thực hiện

  1. a) Cấp Giấy xác nhận lô hàng đạt yêu cầu nhập khẩu:

– Đối với các thực phẩm thuộc phương thức kiểm tra chặt: Không quá năm (05) ngày làm việc kể từ ngày lấy được mẫu đăng ký kiểm tra cộng với thời gian thử nghiệm theo quy định của phương pháp thử;

– Đối với thực phẩm thuộc phương thức kiểm tra thông thường và kiểm tra giảm: Không quá ba (03) ngày làm việc kể từ ngày lấy được mẫu đăng ký kiểm tra cộng với thời gian thử nghiệm theo quy định của phương pháp thử;

  1. b) Cấp thông báo thực phẩm chỉ kiểm tra hồ sơ đối với thực phẩm thuộc phương thức kiểm tra giảm chỉ kiểm tra hồ sơ: Không quá hai (02) ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đăng ký kiểm tra đầy đủ, hợp lệ;
  2. c) Thông báo kết quả kiểm tra thuộc phương thức kiểm tra chặt và thông báo lô hàng không đạt yêu cầu nhập khẩu kèm theo phiếu kết quả thử nghiệm đối với từng lô sản phẩm khi giao cho chủ hàng nhập khẩu và báo cáo về Bộ Công Thương không quá năm (05) ngày sau khi có kết quả kiểm tra.

Trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo của cơ quan kiểm tra đối với lô hàng kiểm tra không đạt yêu cầu nhập khẩu, Bộ Công Thương sẽ quyết định xử lý lô hàng theo quy định.”

Trường hợp của Công ty là hàng xuất khẩu thì áp dụng tương tự như hàng nhập khẩu. Đề nghị Công ty tham khảo các quy định nêu trên và liên hệ trực tiếp với các cơ quan chức năng để được hướng dẫn thực hiện.

(Nguồn:dncustoms.gov.vn)