Số lượng thông điệp gửi đến hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan không tuân thủ các quy định về gửi/nhận/phản hồi thông điệp dữ liệu là nguyên nhân chính khiến hệ thống VNACCS/VCIS bị quá tải tại nhiều thời điểm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tiếp nhận, xử lý tờ khai của hệ thống.

Trong quá trình giám sát, vận hành Hệ thống VNACCS/VCIS, Tổng cục Hải quan đã nhận được phản hồi của các đơn vị liên quan đến Hệ thống VNACCS/VCIS. Qua kiểm tra hệ thống, Tổng cục Hải quan xác định nguyên nhân chính là do số lượng thông điệp gửi đến Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan không tuân thủ các quy định về gửi/nhận/phản hồi thông điệp dữ liệu. Vấn đề này chủ yếu phát sinh với các tờ khai hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu đường bộ là hàng hóa nhóm 2 quy định tại khoản 5 Điều 2 Thông tư số 56/2019/TT-BTC ngày 23/8/2019 gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh. Đây là nguyên nhân chính khiến Hệ thống VNACCS/VCIS bị quá tải tại nhiều thời điểm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tiếp nhận, xử lý tờ khai của hệ thống.

Nhằm đảm bảo hoạt động ổn định của Hệ thống VNACCS/VCIS, đồng thời tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan đã tổ chức làm việc với các doanh nghiệp đang kinh doanh dịch vụ với các loại hình nói trên. Theo đó, Lãnh đạo Tổng cục Hải quan yêu cầu các Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nhóm 2 gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế như sau:

Đối với hàng hóa gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế vận chuyển qua đường hàng không, đường biển, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp chuyển phát nhanh thực hiện thủ tục hải quan trên Hệ thống VNACCS/VCIS theo quy định hiện hành.

Đối với hàng hóa gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế vận chuyển bằng đường bộ, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp chuyển phát nhanh thực hiện thủ tục hải quan như sau:

Thứ nhất, doanh nghiệp làm thủ tục hải quan giấy theo quy định tại khoản 6 và khoản 8, Điều 2 Thông tư số 56/2019/TT-BTC ngày 23/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Thứ hai, Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư số 191/2015/TT-BTC ngày 24/11/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8 Điều 2, Thông tư số 56/2019/TT-BTC ngày 23/8/2019 và quy định tại Điều 45, Điều 51 quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ban hành kèm theo Quyết định số 1966/QĐ-TCHQ ngày 10/7/2015 của Tổng cục Hải quan. Ngoài ra, Tổng cục Hải quan đã lưu ý Cục Hải quan các tỉnh, thành phố một số nội dung cụ thể về khai bảng kê chi tiết hàng hóa, khai tờ khai hải quan, tiếp nhận và xử lý tờ khai giấy, khi đưa hàng qua khu vực giám sát.

Đáng chú ý, Chi cục trưởng lựa chọn ngẫu nhiên một số lô hàng để kiểm tra thực tế hàng hóa, tỷ lệ kiểm tra không vượt quá 0,2% tổng số lô hàng/vận đơn thuộc Bản kê chi tiết khai kèm tờ khai giấy. Thông báo cho người khai hải quan danh sách các lô hàng phải kiểm tra thực tế theo Phụ lục III ban hành kèm Công văn hướng dẫn của Tổng cục Hải quan.

Khi thực hiện thủ tục hải quan giấy đối với hàng hóa nhóm 2, Lãnh đạo Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố cần ưu tiên bố trí cán bộ, công chức đảm bảo tốc độ thông quan hàng hóa tránh xảy ra ùn tắc tại cửa khẩu nhập và các địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát tập trung đối với hàng bưu chính, chuyển phát nhanh./.

Theo: Hải quan Việt Nam