Việc Bộ Công Thương bãi bỏ Quy hoạch thương nhân kinh doanh và xuất khẩu gạo đang đem lại sự lạc quan cho các DN trong bối cảnh sản xuất, tiêu thụ liên tục gặp khó thời gian qua.
Hoạt động kinh doanh, xuất khẩu gạo có nhiều thuận lợi trong thời gian tới |
Ông Phạm Hưng Lâm- Tổng giám đốc Công ty CP Hưng Lâm (An Giang) – cho biết, mấy năm nay, xuất khẩu gạo phải cạnh tranh rất khó khăn nên nhiều công ty dù sản xuất tốt nhưng lại không tìm được thị trường xuất khẩu. Do đó, quyết định của Bộ Công Thương là hoàn toàn phù hợp, tạo thuận cho DN. “Trong điều kiện hội nhập hiện nay, nếu DN đủ điều kiện thì cho xuất khẩu chứ không nên hạn chế. Tôi thấy rằng, nhiều DN có giấy phép nhưng không có hợp đồng, thị trường, còn các đơn vị có hợp đồng, có thị trường thì lại không cấp phép. Bãi bỏ quy định này giống như “cởi trói” cho các DN, tạo điều kiện, động lực cho DN mở rộng thị trường” – ông Lâm khẳng định.
Ông Lâm chia sẻ, năm 2016 do có nhiều yếu tố cả chủ quan lẫn khách quan nên hoạt động xuất khẩu gạo của Hưng Lâm không thuận lợi. Dù vậy, năm 2017, công ty vẫn có kế hoạch xây dựng thêm nhà máy mới, hiện đại, đạt chuẩn quốc tế để đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường. Hiện tại, kế hoạch cụ thể chi tiết của dự án đã được trình lên UBND tỉnh An Giang để xin phép.
Là DN xuất khẩu không nhiều nhưng khá ổn định qua thị trường Hoa Kỳ, bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH SXTM Phước Thành Bảy Mập (TP. Hồ Chí Minh) – phấn khởi cho biết, thời gian qua, chúng tôi không mở rộng thêm thị trường vì phải làm qua trung gian, tốn chi phí, lại phiền hà. Nay thủ tục “thông thoáng” hơn nên có thể chúng tôi sẽ đầu tư mạnh hơn nhằm tăng xuất khẩu trong thời gian tới.
Bãi bỏ Quy hoạch thương nhân kinh doanh và xuất khẩu gạo tạo thuận lợi cho tiêu thụ lúa gạo |
Ông Nguyễn Xuân Hồng – Phó giám đốc Sở Công Thương Long An – đánh giá, việc Bộ Công Thương ký quyết định bãi bỏ Quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo sẽ kịp thời tháo gỡ rào cản, giúp DN xuất khẩu gạo có điều kiện kinh doanh trong thời gian tới. Việc làm này sẽ giúp DN tập trung tìm kiếm thị trường để đủ điều kiện là được cấp phép.
“Trên thực tế, rất nhiều DN tại Long An khi đầu tư vào ngành lúa gạo là xác định đầu tư bài bản, đáp ứng các quy định đưa ra nên chúng tôi tin rằng, thời gian tới DN sẽ có thêm động lực và việc xuất khẩu sẽ khả quan hơn năm 2016” – ông Hồng cho biết thêm.
Theo ông Phan Kim Sa – Phó giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp – tỉnh hiện có 11 DN xuất khẩu gạo và 13 DN có chi nhánh đóng trên địa bàn. Trước đây, tỉnh có nhiều đơn vị xuất khẩu gạo nhưng theo quy định cũ là chỉ cấp phép cho 150 đầu mối nên nhiều DN đã không được cấp phép xuất khẩu nữa (do không đủ điều kiện theo tiêu chí cũ). Những DN này sau đó đã buộc phải xuất khẩu qua ủy thác của một DN khác gây khó khăn cho DN. Đơn cử, Đồng Tháp có DN tư nhân Cỏ May làm gạo đặc sản tốt, nhưng lại không đủ điều kiện về kho chứa, vùng nguyên liệu… nên thời điểm đó, Cỏ May đã phải xuất khẩu qua trung gian tại Singapore. “Nay không còn hạn chế nữa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các DN nhỏ có sản phẩm tốt, có thị trường, có cơ hội xuất khẩu trực tiếp”, ông Phan Kim Sa vui mừng nói.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, quyết định của Bộ Công Thương sẽ tạo thuận lợi cho DN yên tâm đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh, xuất khẩu gạo, góp phần thúc đẩy xuất khẩu gạo và tăng cường tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân. |
Theo báo Công thương