Thực hiện chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương (Cục Xúc tiến thương mại) phối hợp với Chính quyền nhân dân tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) tổ chức “Hội nghị Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và kết nối giao thương Việt Nam – Trung Quốc (Sơn Đông)” bằng hình thức trực tiếp vào ngày 13/3/2024 tại thành phố Hà Nội.

Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại phát biểu

Thông qua Hội nghị này, doanh nghiệp Việt Nam và tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) có cơ hội trao đổi, kết nối và đẩy mạnh hợp tác nhằm thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm nông sản, thủy sản và các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam sang tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) trong bối cảnh Trung Quốc đã chính thức mở cửa cho phép nhiều loại nông, thủy sản có thế mạnh của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Hội nghị do Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương Vũ Bá Phú và Phó Tỉnh trưởng Chính quyền nhân dân tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) Tống Quân Kế đồng chủ trì. Tham dự Hội nghị, về phía đại biểu Việt Nam có Lãnh đạo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện các Đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương và đại diện các Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Du lịch của các địa phương. Về phía đại biểu Trung Quốc có Lãnh đạo Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, Lãnh đạo các cơ quan ban ngành và một số địa phương của tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc). Về phía doanh nghiệp có 86 doanh nghiệp của tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) và 130 doanh nghiệp Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất, xuất, nhập khẩu, nông sản, thực phẩm chế biên, logistics, xây dựng, đầu tư tham dự và kết nối giao thương tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, đại diện Bộ Công Thương và đại diện Lãnh đạo tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) giới thiệu về các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư, kinh doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc. Các đại biểu tham dự Hội nghị đã chứng kiến Lễ ký kết 12 Thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Sơn Đông trong lĩnh vực thương mại và hợp tác đầu tư tại Việt Nam.

Ông Tô Ngọc Sơn – Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi phát biểu

Điểm nhấn của Hội nghị là chương trình giao thương doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) với sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp của hai bên trong 5 lĩnh vực chính: nông sản– thực phẩm, thiết bị máy móc,  cao su, xây dựng – vật liệu xây dựng và các ngành công nghiệp khác. Thông qua chương trình kết nối giao thương, các doanh nghiệp Việt Nam và tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) có cơ hội gặp gỡ, trao đổi trực tiếp về các vấn đề doanh nghiệp quan tâm, nhu cầu xuất – nhập khẩu từng mặt hàng cụ thể, qua đó tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư và góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam – Trung Quốc (Sơn Đông) ngày càng phát triển.

Hội nghị Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Kết nối giao thương Việt Nam– Trung Quốc (Sơn Đông) là dịp mở ra những cơ hội mới, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam và tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) tăng cường giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực thương mại, đầu tư góp phần tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam – Trung Quốc ổn định, cân bằng, tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ song phương./.

Sơn Đông là một tỉnh ven biển phía Đông của Trung Quốc, phía Tây Bắc giáp tỉnh Hà Bắc, phía Tây Nam giáp tỉnh Hà Nam, phía Nam giáp tỉnh An Huy và Giang Tô. Sơn Đông là một tỉnh có vị trí vai trò quan trọng của Trung Quốc (GRDP xếp thứ 03, dân số xếp thứ 02 Trung Quốc (101,62 triệu dân năm 2023), đồng thời là địa phương giữ vai trò nền tảng về công nghiệp (có 41 ngành công nghiệp lớn) và là điểm kết nối quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực phía Bắc của Trung Quốc.

Sơn Đông có diện tích 157.900 km2 (chiếm 1,64% diện tích Trung Quốc), chiều dài từ Bắc tới Nam khoảng hơn 420 km, từ Đông sang Tây khoảng hơn 700 km. Sơn Đông gồm 16 thành phố (Tế Nam, Thanh Đảo, Tân Châu, Đức Châu, Đông Dinh, Hà Trạch, Tế Ninh, Liêu Thành, Lâm Nghi, Nhật Chiếu, Thái An, Duy Phường, Uy Hải, Yên Đài, Tảo Trang và Truy Bác).

Năm 2023, GDP của Sơn Đông đạt 9.200 tỷ NDT (NDT ~ 1278,1 tỷ USD), tăng 6% so với năm 2022. Trong đó, giá trị gia tăng của các ngành nông nghiệp công nghiệp và dịch vụ lần lượt đạt 650,6 tỷ USD (tăng 4,5%), 3598,8 tỷ USD (tăng 6,5%), 4957,5 tỷ USD (tăng 5,8%).

Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Sơn Đông với các nước đạt khoảng 464 tỷ USD, giảm 3,6% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu đạt 276 tỷ USD, giảm 4,1%; nhập khẩu đạt 187,9 tỷ USD, giảm 2,7%. Các đối tác thương mại chính của Sơn Đông theo thứ tự bao gồm: Mỹ, Ma-lai-xi-a, Hàn Quốc, Nhật Bản, Braxin, Úc, Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan.

Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, năm 2023 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Sơn Đông – Việt Nam đạt 10,75 tỷ USD (chiếm 2,3% tổng kim ngạch XNK của Sơn Đông với thế giới và chiếm 11,8% kim ngạch XNK của Sơn Đông với ASEAN), giảm 9% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu của Sơn Đông sang Việt Nam đạt 8,2 tỷ USD, giảm 5,1% (chiếm 3% xuất khẩu của Sơn Đông ra thế giới và 19,8% xuất khẩu tới ASEAN), nhập khẩu của Sơn Đông từ Việt Nam đạt 2,5 tỷ USD, giảm 19,6% (chiếm 1,4% nhập khẩu của Sơn Đông từ thế giới và 5,1% nhập khẩu từ ASEAN).

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Sơn Đông sang Việt Nam năm 2023 bao gồm: máy móc thiết bị cơ khí đạt 1,08 tỷ USD; máy điện và thiết bị điện đạt 1,06 tỷ USD, nhựa và sản phẩm bằng nhựa 568 triệu USD; ô tô và linh phụ kiện ô tô đạt 373 triệu USD, sản phẩm hóa chất hữu cơ đạt 345 triệu USD.

Các mặt hàng nhập khẩu chính của Sơn Đông từ Việt Nam: gỗ và sản phẩm gỗ đạt 783,9 triệu USD; cao su và các sản phẩm bằng cao su 470 triệu USD; máy điện và thiết bị điện đạt 279,2 triệu USD, máy móc thiết bị cơ khí đạt 273,8 triệu USD, cá và động vật giáp xác, động vật thân mềm đạt 90,8 triệu USD, quả và quả hạch đạt 75,6 triệu USD./.

Theo: Bộ công thương Việt Nam