Nội dung câu hỏi:
Xin gởi lời chào và lời chúc sức khỏe đến Bộ phận hỗ trợ
Công ty chúng tôi có nhập khẩu một lô hàng bồn tank ( Ecobulk mx 1000l) bằng nhựa có khung sắt bảo vệ từ Châu Âu từ công ty A theo hình thức mua bán. Lô hàng này được nhập khẩu về để chứa rượu xuất khẩu sáng Châu Âu cho công ty B, và không được sử dụng trong nước
1/ Vậy lô hàng này chúng tôi có được nhập khẩu theo hình tạm nhập tái xuất phương tiện quay vòng không, hay phải nhập khẩu theo loại hình nào khác?
2/ Nếu nhập khẩu theo hình thức tạm nhập tái xuất thì chúng tôi có phải nộp thuế nhập khẩu và thuế VAT không?
3/ Lô hàng nhập khẩu chúng tôi có được miễn kiểm tra an toàn thực phẩm và tự công bố theo nghị định 15/2018/NĐ-CP không?
Mong sớm nhận được sự hỗ trợ từ Quý Bộ phận hỗ trợ.
Trân trọng kính chào và xin cảm ơn!
Nội dung câu trả lời:
Trả lời câu hỏi của Công ty, Bộ phận tư vấn của Ban biên tập có ý kiến trao đổi như sau:
1. Về thủ tục tạm nhập tái xuất phương tiện quay vòng:
– Điều 49 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 22 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý ngoại thương quy định:
“1. Phương tiện quay vòng theo phương thức tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập để chứa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bao gồm:
a) Container rỗng có hoặc không có móc treo;
b) Bồn mềm lót trong container để chứa hàng lỏng;
c) Phương tiện (bồn) chứa khí, chất lỏng có kết cấu ổn định, bền chắc, được sử dụng chuyên dùng chứa và vận chuyển khí, có số ký hiệu in cố định trên vỏ mặt bồn, và chuyên chở bằng xe ô tô chuyên dùng;
d) Các phương tiện khác có thể sử dụng nhiều lần để chứa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
2. Thời hạn tạm nhập – tái xuất, tạm xuất – tái nhập thực hiện theo thỏa thuận của thương nhân với bên đối tác và đăng ký với Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục. Trường hợp thương nhân với bên đối tác thỏa thuận kéo dài thời hạn tạm nhập, tạm xuất thì trước khi hết thời hạn đã đăng ký, người khai hải quan có văn bản thông báo và nộp kèm văn bản thỏa thuận gia hạn tạm nhập, tạm xuất cho Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục. Quá thời hạn tạm nhập, tạm xuất đã đăng ký, nếu thương nhân chưa tái xuất, tái nhập hàng hóa thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Hồ sơ hải quan:
a) Tờ khai hải quan theo mẫu do Bộ Tài chính ban hành đối với phương tiện quay vòng quy định tại điểm d Khoản 1 Điều này;
b) Bảng kê tạm nhập hoặc tạm xuất theo mẫu do Bộ Tài chính ban hành đối với phương tiện quay vòng quy định tại điểm a, điểm b, điểm c Khoản 1 Điều này;
c) Chứng từ vận tải đối với hàng hóa tạm nhập vận chuyển bằng đường biển, đường hàng không, đường sắt: 01 bản chụp;
d) Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu; văn bản thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật có liên quan: 01 bản chính.
4. Thủ tục hải quan
a) Đối với phương tiện quay vòng quy định tại điểm a, điểm b, điểm c Khoản 1 Điều này:
Khi nhập khẩu, xuất khẩu người khai hải quan khai trên Bảng kê tạm nhập hoặc tạm xuất và nộp các chứng từ quy định tại điểm c, điểm d Khoản 3 Điều này.
Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập hoặc tạm xuất theo dõi, đối chiếu, xác nhận về số lượng phương tiện tạm nhập, tạm xuất; kiểm tra thực tế khi có nghi vấn.
b) Đối với phương tiện quay vòng quy định tại điểm d khoản 1 Điều này thủ tục hải quan thực hiện theo quy định tại Mục 5 Chương này.”
2. Về việc miễn kiểm tra an toàn thực phẩm và tự công bố:
Đề nghị Công ty liên hệ với cơ quan chuyên ngành để được giải đáp theo chức năng, nhiệm vụ.
Tổng cục Hải quan trả lời về nguyên tắc nêu trên. Trong quá trình làm thủ tục hải quan nếu phát sinh vướng mắc thì Công ty liên hệ với Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục hải quan để được hướng dẫn cụ thể.
Công ty có thể tham khảo văn bản nêu trên tại mục VĂN BẢN PHÁP LUẬT trên Cổng thông tin điện tử Hải quan theo địa chỉ http://www.customs.gov.vn.
Bộ phận tư vấn của Ban biên tập thông báo để Công ty biết./.
Trân trọng!