Sự lao dốc của xuất khẩu tôm cũng phần nào phản ánh bức tranh kinh doanh ảm đạm của các doanh nghiệp trong 2 tháng đầu năm. Giữa cơn bão lạm phát, các doanh nghiệp tôm có xu hướng giảm tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ, tăng xuất khẩu sang Nhật Bản.

Xuất khẩu tôm giảm tháng thứ 5 liên tiếp

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) tháng 2/2023, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 194 triệu USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp, xuất khẩu tôm tăng trưởng âm.

(Nguồn: Phạm Mơ tổng hợp từ VASEP, Cục Xuất nhập khẩu)

Lũy kế 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm đạt 335 triệu USD, giảm 40% do nhu cầu của các thị trường chững, lạm phát thế giới ở mức cao, tồn kho tại Mỹ nhiều, tiêu dùng tại EU thắt chặt do khó khăn kinh tế.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn chung, một yếu tố khác khiến xuất khẩu tôm tăng trưởng âm là mức nền cùng kỳ năm 2022 ở mức cao, khoảng 558 triệu USD.

(Nguồn: Phạm Mơ tổng hợp từ VASEP, Cục Xuất nhập khẩu)

Sự lao dốc của kim ngạch xuất khẩu tôm cũng phần nào phản ánh bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp trong 2 tháng đầu năm.

Trong báo cáo hoạt động tháng 2, CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) cho biết sản lượng sản xuất tôm thành phẩm 1.015 tấn, bằng 78% so cùng kỳ năm trước; lượng tiêu thụ tôm thành phẩm là 1.081 tấn, tăng gần 15%.

Doanh số kinh doanh trong tháng này đạt 13,4 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ, nguyên nhân chủ yếu là tháng 2/2022 rơi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên so với tháng 1/2023, kết quả tháng này lại giảm 12%. Lũy kế 2 tháng đầu năm, doanh số kinh doanh của Sao Ta đạt 28,6 triệu USD, giảm 29% so với cùng kỳ năm 2022.

(Nguồn: Phạm Mơ tổng hợp báo cáo của Sao Ta)

Trước thềm ĐHĐCĐ năm 2023, lãnh đạo công ty Sao Ta cho biết những hệ lụy từ dịch COVID-19 vừa bớt căng thẳng, xung đột chính trị ở Đông Âu đã thổi bùng lên cơn bão lạm phát, khiến nền kinh tế toàn cầu suy thoái, sức tiêu thụ tôm không đạt được như kỳ vọng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực.

Mặt khác, thời tiết thất thường và dịch bệnh tác động kết quả nuôi tôm cả vùng không như ý, trong khi đó các cường quốc tôm như Ecuador, Ấn Độ lại thúc đẩy tăng trưởng sản lượng quá mạnh, giá bán rẻ khiến việc tiêu thụ khó khăn, nhất là ở thị trường Mỹ.

Tương tự như Sao Ta,  CTCP Thủy sản Thuận Phước (Mã: THP) cũng ghi nhận tình trạng kinh doanh ảm đạm, doanh số giảm. Trao đổi với người viết, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Thủy sản Thuận Phước doanh thu 2 tháng đầu năm của doanh nghiệp này chỉ bằng 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái, sản xuất cầm cự để chờ cơ hội phục hồi.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đi xuống nghiêm trọng, lạm phát cao, vốn dĩ các đơn hàng nhập khẩu tôm đã sụt giảm mạnh, nay thêm tâm lý lo lắng từ những vụ khủng hoảng ngân hàng quốc tế lại khiến tốc độ đơn hàng được ký càng chậm hơn.

Ông Trần Văn Lĩnh cho biết chỉ trong 11 ngày của tháng 3 đã có tới 4 ngân hàng sụp đổ đã tạo ra tâm lý lo sợ cho các đối tác nhập khẩu, tất cả giao dịch đều chững lại, trong đó có việc ký kết các đơn hàng mới.

“Doanh nghiệp năm nay chỉ có thể sống bằng niềm tin. Cho đến thời điểm này, không ai có thể biết được khi nào căng thẳng Nga – Ukraine sẽ kết thúc, tất cả dự định mua hàng, bán hàng, dự trữ của đối tác đều khá mông lung. Họ chỉ ký các đơn hàng cho tiêu dùng tức thời, còn các hợp đồng dài hạn thì không có nhiều”, ông Lĩnh nói.

Thị trường có lúc lên lúc xuống là điều bình thường, còn giá thành sản xuất của nước ta luôn cao hơn các đối thủ 20-30%, đây mới là điều ông Lĩnh lo lắng từ trước đến nay.

Trước đây, các sản phẩm tôm xuất khẩu Việt Nam có giá cao hơn nhờ lợi thế về chế biến, mảng này đang bù lỗ cho mảng nuôi. Tuy nhiên ở thời điểm này, đơn hàng của doanh nghiệp không nhiều, giá tôm xuất khẩu cũng đi xuống khiến biên lợi nhuận doanh nghiệp có thể tiếp tục giảm so với các quý trước.

(Nguồn: Phạm Mơ tổng hợp từ báo cáo tài chính của Thủy sản Thuận Phước)

Giữa cơn bão lạm phát, Nhật Bản là thị trường ‘an toàn’ của doanh nghiệp tôm

Theo thống kê của VASEP, xuất khẩu tôm sang Mỹ, EU giảm mạnh, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản, Hàn Quốc cũng giảm nhưng tốc độ giảm ít hơn.

Giữa cơn bão lạm phát toàn cầu, Nhật Bản được coi là điểm đến an toàn cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm nhờ sự ổn định của đồng Yên và khả năng kiểm soát lạm phát của nước này.

Lãnh đạo Sao Ta cho biết doanh nghiệp này đã giảm thị phần ở Mỹ và tăng thị phần ở Nhật Bản, tập trung cung ứng hàng chế biến sâu cho tỷ suất lợi nhuận cao hơn.

“Trong bối cảnh còn đầy khó khăn vì lạm phát và chi phí logistics, nhất là tôm giá rẻ của Ecuador có thuận lợi là gần Mỹ, chi phí vận chuyển thấp, Sao Ta vẫn sẽ duy trì thị trường này, nhưng tiếp tục tập trung phát huy thế mạnh thông qua hướng vào Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và từng bước mở rộng thị trường EU”, lãnh đạo Sao Ta cho biết.

Ngoài ra, Sao Ta xác định rằng những khó khăn về lạm phát, sự tăng trưởng tôm các nước đối thủ sẽ tác động dài hạn, do vậy doanh nghiệp cũng sẽ tập trung vào việc cải thiện giá thành sản phẩm thông qua việc xem xét lại các chi phí, định mức; cơ giới hóa, tự động hóa một số khâu trong dây chuyền chế biến; tinh giản bộ máy…

Tương tự như Sao Ta, Thủy sản Thuận Phước cũng đang dần cân đối lại tỷ trọng các thị trường xuất khẩu phù hợp với thực tế.

Ông Trần Văn Lĩnh cho biết trước đây, châu Âu là thị trường xuất khẩu chính của Thuận Phước, tuy nhiên lạm phát khu vực này đang ở mức cao, đồng EUR mất giá khiến đối tác hạn chế nhập khẩu những sản phẩm có giá thành cao như tôm.

Trong khi đó, đồng Yên của Nhật có phần ổn định hơn. Do vậy doanh nghiệp này phải dựa trên các mối quan hệ làm ăn lâu năm, thuyết phục đối tác Nhật chia sẻ khó khăn, tăng nhập khẩu tôm để doanh nghiệp duy trì sản xuất ở mức cầm chừng.

Về thị trường Nhật Bản, VASEP cho biết sau khi tăng trưởng 16% trong năm 2022, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản trong năm 2023 dự kiến vẫn ổn định. Mặt khác, tôm Việt xuất khẩu sang Nhật Bản có ưu thế hơn các thị trường khác nhờ kỹ thuật chế biến tinh tế, tỉ mỉ, phù hợp với thị hiếu của người Nhật.

Còn về xuất khẩu tôm năm 2023, VASEP xác định năm nay sẽ là năm khó khăn với doanh nghiệp. Hiệp hội khuyến cáo các doanh nghiệp cải thiện tình hình bằng cách giảm chi phí, tập trung vào giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, doanh nghiệp có thể chuyển hướng xuất khẩu các sản phẩm đặc thù như tôm-rừng, tôm-lúa hay tôm sú với lợi thế từ thị trường Trung Quốc. Đồng thời, doanh nghiệp cần chú trọng thay đổi cơ cấu sản phẩm để chủ động đáp ứng nhu cầu theo từng phân khúc thị trường…

Liên quan đến vấn đề giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao, VASEP đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT xem xét, điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu khô đậu tương từ mức 2% về mức 0%, nhằm hỗ trợ ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, để ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam tiếp tục củng cố vị thế là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản lớn trên thế giới.

Theo: Doanh nghiệp & Kinh doanh