Đơn hàng quý II giảm 20-30%, cao điểm quý III vẫn chưa ký
Kể từ quý IV/2022 đến nay, các doanh nghiệp dệt may luôn trong tình trạng thiếu đơn hàng, nhà máy hoạt động dưới công suất, điều này khiến kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này giảm mạnh
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu dệt may trong quý I/2023 đạt 7,1 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức giảm sâu nhất trong quý I, xét trong giai đoạn 2009 đến nay.
Trước tác động của lạm phát toàn cầu, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu với các sản phẩm không thiết yếu khiến xuất khẩu dệt may sang các thị trường trong điểm như Mỹ, EU giảm mạnh, nhiều dự báo cho rằng ngành dệt may năm nay sẽ kém khả quan.
Chia sẻ với báo chí bên lề diễn đàn “Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững”, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết nhu cầu hàng dệt may năm 2023 vốn đã bị thu hẹp bởi tác động của lạm phát, dịch bệnh, căng thẳng địa chính trị giữa Nga – Ukraine, nay càng sụt giảm hơn trước những lo ngại về bất ổn của thị trường tài chính, khủng hoảng ngân hàng.
“Dự báo quý I năm nay, tăng trưởng xuất khẩu của May 10 giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Còn quý II, quý III là thời điểm cao điểm, nhưng năm nay có vẻ không mấy khả quan.
Hiện, lượng hàng quý II ước tính giảm 20-30%, còn quý III, đến nay May 10 vẫn chưa nhận được thông tin đặt hàng mới từ khách hàng”, ông Việt nói.
Không riêng May 10, một doanh nghiệp lớn khác là Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean) cũng ngậm ngùi giảm công suất nhà máy, “tạm đóng” dây chuyền hàng chất lượng cao vì thiếu đơn hàng.
Trao đổi với người viết, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT VitaJean, Phó Chủ tịch Hiệp hội May Thêu Đan TP HCM cho biết sức mua của các thị trường Nhật Bản, Mỹ, EU chưa phục hồi, còn thị trường nội địa trong tháng 2 vừa qua cũng ghi nhận giảm khoảng 20-30%.
“Các nhà máy của chúng tôi giảm công suất xuống 80%, những dây chuyền sản xuất sản phẩm cao cấp bị đình trệ, công nhân bị giảm giờ làm việc. ”, ông Việt nói.
Ông Việt cho rằng triển vọng của ngành dệt may nửa đầu năm 2023 vẫn ảm đạm, ít nhất phải từ quý III/2023, thị trường mới dần hồi phục, giá nguyên liệu đầu vào giảm, hạ bớt áp lực cho doanh nghiệp. Tia hy vọng này vẫn khá mong manh khi căng thẳng Nga – Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt, mọi dự báo đều khó có độ chính xác cao.
Doanh nghiệp tái cấu trúc, cơ cấu lại thị trường xuất khẩu
Trong bối cảnh khó khăn chung, các doanh nghiệp dệt may phải thực hiện nhiều giải pháp như tái cấu trúc, cơ cấu lại thị trường, sản phẩm… nhằm duy trì sản xuất, giữ chân công nhân, chờ khi thị trường ấm lại.
Chủ tịch VitaJean cho biết ngoài các thị trường như Mỹ, EU… doanh nghiệp này đang cố gắng đẩy mạnh xuất khẩu sang Australia, Canada, đồng thời tăng cường tiêu thụ nội để phần nào bù đắp cho sự sụt giảm ở các thị trường truyền thống.
Ngoài việc cơ cấu lại thị trường như VitaJean, May 10 còn thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp và xác định chiến lược phát triển bền vững. Ông Thân Đức Việt nhận thức rằng: “May 10 có vị thế ở thị trường xuất khẩu, điều này đúng trong quá khứ, nhưng có thể không đúng trong tương lai”.
Khi thị trường khó khăn nhất cũng là lúc lập lại trật tự của các doanh nghiệp, nhà cung cấp. Do vậy, nếu muốn tồn tại, May 10 cần phải đánh giá và rà soát lại, thông qua định vị về sản phẩm, thị trường, quản trị, công nghệ, mô hình sản xuất để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Ông Thân Đức Việt dẫn chứng ở thị trường trong nước, doanh nghiệp này đang tính toán sản xuất ra sản phẩm nào để đáp ứng nhu cầu, túi tiền của khách hàng trong bối cảnh suy thoái. Còn với xuất khẩu, May 10 tìm kiếm thị trường mới như Nam Phi, Trung Quốc…
“Về khách hàng lâu năm, May 10 có Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Song, chúng tôi vẫn luôn tìm kiếm những thị trường mới, tiềm năng.
Việt Nam đã có 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết nên được mở rộng rất nhiều, như Nam Phi, châu Phi, Trung Đông, Trung Quốc, đều là những thị trường rất lớn trong tương lai”, Tổng giám đốc May 10 nói.
Ngoài ra, ông Thân Đức Việt cho rằng giai đoạn này cũng là thời điểm chín muồi cho doanh nghiệp này phát triển bền vững, gắn với sản xuất xanh.
Theo lãnh đạo May 10, thế giới đang khuyến khích tăng trưởng xanh, đồng thời Việt Nam đã cam kết tại COP26 về giảm phát thải CO2. Do vậy, May 10 đã chuyển sang sử dụng nguyên liệu xanh, năng lượng xanh. Ông Việt nhấn mạnh khi nâng được tỷ trọng các sản phẩm xanh, doanh nghiệp này sẽ có nhiều cơ hội trong tương lai.
Theo Doanh nghiệp và Kinh doanh