Cơ chế một cửa quốc gia – Mục tiêu lớn trên chặng đường ngắn

247 là số lượng thủ tục hành chính mà các bộ, ngành phải đưa lên Cổng thông tin một cửa quốc gia với mốc hạn định là năm 2020, để đạt mục tiêu 100%thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu của các bộ, ngành được thực hiện qua Cơ chế một cửa quốc gia (NSW).

Đây là mục tiêu được Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), NSW và tạo thuận lợi thương mại (sau đây gọi tắt là Ủy ban chỉ đạo) đặt ra trong Kế hoạch tổng thể triển khai NSW và ASW giai đoạn 2016-2020.

Với quyết tâm cải cách, đơn giản hóa để tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, góp phần thực hiện tốt chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ, Ủy ban chỉ đạo đặt mục tiêu: Đến năm 2018, hoàn thành triển khai mở rộng NSW ra phạm vi toàn quốc các thủ tục đối với phương tiện, hàng hóa vận tải vào, rời cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng dầu khí ngoài khơi; các thủ tục đối với phương tiện vận tải vào, rời cảng hàng không thông qua NSW.

Phấn đấu triển khai 80% thủ tục hành chính có số lượng giao dịch nhiều, tác động lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức và người dân. Đến năm 2020, hoàn thành triển khai tất cả các thủ tục hành chính của các bộ, ngành tham gia quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua NSW.

Mục tiêu trên được xem là hết sức tham vọng, bởi kể từ khi NSW được thực hiện lần đầu tiên vào ngày 12-11-2014 tại cảng Hải Phòng, đến nay đã hơn 2 năm, dù đã kết nối với 10 bộ, ngành nhưng số lượng thủ tục tham gia mới dừng ở con số 36. Như vậy, trong 4 năm tới, số lượng thủ tục phải thực hiện lớn gấp gần 7 lần kết quả thực hiện thời gian vừa qua. Đáng chú ý, số thủ tục được triển khai mới trong năm 2016 chỉ có 4 thủ tục.

Trong phiên họp thứ nhất của Ủy ban chỉ đạo (tháng 12-2016), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ – Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia ASW, NSW và tạo thuận lợi thương mại đã yêu cầu các bộ, ngành sau khi đưa thủ tục kết nối NSW theo lộ trình, phải chú trọng chất lượng thực hiện. Các thủ tục đưa lên phải thực sự đột phá trong tạo thuận lợi khi thực hiện thủ tục hành chính cho cộng đồng doanh nghiệp.

Chia sẻ về những mục tiêu về NSW thời gian tới, một lãnh đạo Phòng Quản lý, vận hành NSW và ASW, Cục CNTT và Thống kê Hải quan (Tổng cục Hải quan) cho rằng, nếu chỉ nhìn vào những số liệu về kết quả thực hiện hơn 2 năm vừa qua và mục tiêu sắp tới thì chưa thể đánh giá được chính xác. Bởi năm 2016 trở về trước, các bộ, ngành tập trung thực hiện một số thủ tục có nhiều doanh nghiệp, hồ sơ liên quan đến hàng hóa XNK như lĩnh vực Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương…

Mặt khác, Việt Nam tập trung hoàn thiện về pháp lý, nhất là  ký kết Nghị định thư về khung pháp lý thực hiện ASW. Đồng thời tập trung thực hiện trao đổi thông tin về ATIGA C/O mẫu D với các nước thành viên để đảm bảo khi chính thức vận hành Nghị định thư liên quan đến khung pháp lý để thực hiện Cơ chế này được đủ 10 nước thành viên phê chuẩn.

“Như vậy, thời gian vừa qua, dù số lượng thủ tục kết nối chưa nhiều nhưng các bộ, ngành đã tạo lập được nền tảng vững chắc cả về mặt pháp lý và thực tiễn để có thể hoàn thành các mục tiêu đặt ra trong lộ trình thực hiện NSW giai đoạn tới. Nhưng một yếu tố quan trọng khác có thể quyết định được tiến độ thực hiện NSW chính là quyết tâm chính trị của các bộ, ngành”- lãnh đạo Phòng Quản lý, vận hành NSW và ASEAN chia sẻ thêm.

Theo báo Hải quan