Ngày 23/01/2024, Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch số 118/QĐ-TCHQ về việc ban hành Kế hoạch phát triển quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp và các bên liên quan năm 2024.

Theo đó, mục đích của kế hoạch triển khai công tác là để cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan ủng hộ và tích cực tham gia vào tiến trình cải cách, hiện đại hóa hải quan; góp phẩn nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về hải quan và thực thi công vụ trong ngành Hải quan. Bên cạnh đó, giải quyết kịp thời và hiệu quả các khó khăn, vướng mắc nhằm chia sẻ, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình làm thủ tục hải quan cho cộng đồng doanh nghiệp; góp phần nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng ngày càng lành mạnh, thuận lợi, minh bạch và hiệu quả.

Để thực hiện mục tiêu trên, các yêu cầu tại kế hoạch bao gồm: Tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan nắm bắt được đầy đủ, kịp thời các chính sách, quy định pháp luật về hải quan, về thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu mới được ban hành; qua đó đồng hành cùng cơ quan hải quan trong quá trình tồ chức thực hiện; Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan tham gia hoàn thiện chính sách, pháp luật về hải quan, phương thức quản lý, chất lượng phục vụ của cơ quan hải quan các cấp; tham gia thực hiện các chương trình, đề án về cải cách, hiện đại hóa hải quan, kế hoạch cải cách hành chính và chuyển đối số của ngành Hải quan liên quan đến người dân, doanh nghiệp; và tăng cường hợp tác Hải quan – Doanh nghiệp để góp phần nâng cao năng lực quản lý và thực thi pháp luật của mỗi bên, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu dể đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan Hải quan.

Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về chính sách, thủ tục hành chính thuế, hải quan được tổ chức thường niên nhằm hỗ trợ giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp. Ảnh: Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2023 tại Hà Nội.

Để triển khai theo các yêu cầu trên, Tổng cục Hải quan đã đề ra các nội dung và 5 hoạt động triển khai gồm thông tin; hỗ trợ doanh nghiệp; tham vấn doanh nghiệp và các bên liên quan; hợp tác Hải quan-Doanh nghiệp; giám sát thực thi pháp luật; hợp tác Hải quan – Doanh nghiệp.

Các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục và Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện các nội dung, hoạt động triển khai theo phân công tại Kế hoạch; cụ thể hóa công việc phát triển quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp và các bên liên quan trong kế hoạch công tác năm của từng đơn vị.

Đối với hoạt động thông tin, cơ quan hải quan các cấp tổ chức cung cấp thông tin đến cộng đồng doanh nghiệp về các quy định pháp luật, quy trình thủ tục hải quan, thủ tục thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu mới được ban hành và các chương trình, đề án cải cách hiện đại hóa trọng điểm của ngành Hải quan trong năm 2024; các điều ước, cam kết quốc tế trong lĩnh vực hải quan và tạo thuận lợi thương mại mà Việt Nam tham gia; Kế hoạch chuyển đổi số tới năm 2025 và Kế hoạch cải cách hành chính năm 2024 của Tổng cục Hải quan.

Trong đó tại cơ quan Tổng cục, Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan thông tin tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử Hải quan các bài viết mang tính chuyên đề, chuyên sâu để nâng cao nhận thức cho người dân và doanh nghiệp các nội dung về chính sách, pháp luật hải quan; dịch vụ công trực tuyến của ngành Hải quan; các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch chuyển đổi số tới năm 2025, nhất là các nội dung hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đổi số của các doanh nghiệp và các bên liên quan để đảm bảo sự đồng bộ với quá trình chuyển đổi số của ngành Hải quan.

Về hoạt động thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử Hải quan, trong năm 2023, tổng số văn bản được đăng tải lên Hệ thống Cổng tập trung toàn ngành là hơn 4.500 văn bản.

Cổng TTĐT Tổng cục Hải quan cũng tiếp nhận và chuyển đến các đơn vị nghiệp vụ 428 câu hỏi của bạn đọc và cập nhật trên Cổng TTĐT Tổng cục Hải quan 375 câu trả lời từ các đơn vị nghiệp vụ. 

Ngoài ra, Bộ phận hỗ trợ (Helpdesk) đã tiếp nhận 79.37 nghìn lượt tư vấn, hỗ trợ qua điện thoại và thư điện tử. Phần lớn, các vướng mắc tiếp nhận qua bộ phận Helpdesk luôn được giải đáp kịp thời, một số vướng mắc do liên quan đến lỗi/sự cố hệ thống vì vậy cần các bộ phận chuyên trách kiểm tra, xử lý trước khi phản hồi cho doanh nghiệp.