Từ ngày 05/4/2021 chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí hải quan mới đối với hàng hóa, phương tiện vận tải quá cảnh được áp dụng theo quy định tại Thông tư số 14/2021/TT-BTC.
Việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí hải quan đang được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 274/2016/TT-BTC. Tuy nhiên, từ ngày 20/7/2020 Nghị định số 64/2020/NĐ-CP ngày 10/6/2020 của Chính phủ hướng dẫn việc thực hiện cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul có hiệu lực thi hành, theo đó Bộ Tài chính chịu trách nhiệm quy định mức thu, chế độ thu, nộp, kê khai, quản lý và sử dụng phí hải quan cấp sổ ATA theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí (Điều 26 Nghị định).
Để triển khai quy định nêu trên, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành soạn thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 274/2016/TT-BTC. Sau nhiều lần lấy ý kiến các Bộ, UBND, KBNN, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Phòng Thương mại & Công nghiệp VN đối với dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 274/2016/TT-BTC, ngày 18/01/2021 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 14/2021/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí hải quan và lệ phí hàng hóa, phương tiện vận tải quá cảnh.
Thông tư số 14/2021/TT-BTC với những quy định mới đã giải quyết được những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Thông tư số 274/2016/TT-BTC và những thay đổi về chế độ quản lý hang hóa khi Việt Nam chính thức là thành viên Công ước Istanbul.
Thêm đối tượng nộp phí hải quan
Theo quy định tại Thông tư số 274/2016/TT-BTC trước đây, các đối tượng cần nộp phí, lệ phí hải quan, bao gồm 05 nhóm sau: phí hải quan đăng ký tờ khai; Phí hải quan kiểm tra, giám sát hoặc tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; Lệ phí quá cảnh đối với hàng hóa; Lệ phí đối với phương tiện quá cảnh đường bộ (gồm: ô tô, đầu kéo, máy kéo); Lệ phí đối với phương tiện quá cảnh đường thủy (gồm: tàu, ca nô, đầu kéo, xà lan).
Tuy nhiên, từ ngày 05/4/2021, ngoài 05 nhóm đối tượng nêu trên, Thông tư số 14/2021/TT-BTC đã bổ sung thêm đối tượng nộp phí hải quan là: phí hải quan cấp, cấp lại sổ tạm quản (sổ ATA) đối với hàng hóa tạm xuất tái nhập theo Nghị định số 64/2020/NĐ-CP và phí hải quan phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh.
Cụ thể, mức thu phí hải quan cấp sổ ATA là một triệu đồng/ một sổ và phí hải quan cấp lại sổ ATA là năm trăm nghìn đồng cho một sổ; phí hải quan đối với phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh là hai mươi nghìn đồng/ một tờ khai. Mức phí, lệ phí với 05 nhóm đối tượng còn lại không thay đổi so với quy định hiện hành.
Tạm quản hàng hóa là chế độ quản lý đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập vào quốc gia hoặc vùng lãnh thổ là thành viên của Công ước ATA (1961), Công ước Istanbul (1990) của Tổ chức Hải quan Thế giới về tạm quản hàng hóa.
Công ước Istanbul về tạm quản hàng hóa được ký kết ngày 26/6/1990, có hiệu lực từ ngày 27/11/1993 dưới sự quản lý của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO). Công ước hướng tới mục tiêu là tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế và hài hòa hoá các thủ tục tạm quản, giúp cơ quan quản lý kiểm soát tốt hàng hóa tạm nhập, tái xuất và tạm xuất, tái nhập. Theo thông báo số 27/2019/TB-LPQT ngày 4/7/2019 của Bộ Ngoại giao, Việt Nam chính thức là thành viên Công ước Istanbul từ ngày 3/7/2019. Sổ tạm quản (sổ ATA) là chứng từ để thực hiện tạm quản hàng hóa, được chấp nhận thay thế tờ khai hải quan để làm thủ tục hải quan và đảm bảo thanh toán tiền thuế nhập khẩu, các khoản thuế khác, tiền chậm nộp, tiền phạt và phí, lệ phí (nếu có) đối với hàng hóa tạm quản.
|
---|
Người nộp phí hải quan bao gồm: Tổ chức, cá nhân thực hiện khai và nộp tờ khai hải quan hoặc chứng từ thay thế tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh; Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp sổ tạm quản (sổ ATA) đối với hàng hóa tạm xuất tái nhập; Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ đã được bảo hộ hoặc người được ủy quyền hợp pháp.
Người nộp lệ phí hàng hóa, phương tiện vận tải quá cảnh gồm; tổ chức, cá nhân khai và nộp tờ khai đối với hàng hóa, phương tiện quá cảnh Việt Nam.
Bãi bỏ quy định việc chỉ thu phí, lệ phí một lần
Cụ thể, Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 274/2016/TT-BTC quy định hàng tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập chỉ thu phí, lệ phí 01 (một) lần khi làm thủ tục nhập khẩu hoặc xuất khẩu; hàng gửi kho ngoại quan chỉ thu phí làm thủ tục hải quan 01 (một) lần khi làm thủ tục nhập kho, khi xuất kho không thu. Đối với hàng hóa, phương tiện vận tải quá cảnh chỉ thực hiện thu lệ phí tờ khai 01 (một) lần khi làm thủ tục nhập cảnh tại cửa khẩu nhập, không thu lệ phí khi làm thủ tục xuất cảnh. Tuy nhiên, Thông tư 14/2021/TT-BTC đã bỏ quy định tại này.
Bên cạnh những quy định mới nêu trên, nhiều hướng dẫn, quy định cơ bản khác tại Thông tư số 274/2016/TT-BTC được giữ nguyên tại Thông tư 14/2021/TT-BTC, cụ thể như sau:
Có 06 trường hợp được miễn thu phí hải quan và lệ phí hàng hóa, phương tiện vận tải quá cảnh đối với tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải bao gồm:
Thứ nhất, hàng viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại; quà tặng cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, cá nhân (được miễn thuế trong định mức theo quy định); quà biếu, quà tặng vì mục đích nhân đạo, từ thiện; đồ dùng của tổ chức, cá nhân nước ngoài theo quy chế miễn trừ ngoại giao; hành lý mang theo người; hàng bưu phẩm, bưu kiện được miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật hiện hành.
Thứ hai, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có trị giá từ 1 triệu đồng Việt Nam trở xuống hoặc có số tiền thuế (các khoản thuế theo quy định) phải nộp dưới 100.000 đồng Việt Nam.
Thứ ba, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có trị giá hải quan dưới 500.000 đồng hoặc có tổng số tiền thuế (các khoản thuế theo quy định) phải nộp dưới mức 50.000 đồng cho một lần xuất khẩu, nhập khẩu.
Thứ tư, hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới trong định mức theo quy định.
Thứ năm, hàng hóa, phương tiện quá cảnh được miễn theo quy định tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc cam kết của Chính phủ Việt Nam.
Thứ sáu, phương tiện vận tải thường xuyên qua lại biên giới được quản lý theo phương thức mở sổ theo dõi, không quản lý bằng tờ khai.
Như vậy, năm nhóm hàng hóa nhập khẩu đầu (từ nhóm thứ nhất đến nhóm thứ năm) nêu trên, song song với việc được miễn thuế theo chế độ quy định còn được miễn các khoản thu phí, lệ phí hải quan.
Phí, lệ phí nộp bằng tiền mặt hoặc nộp bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định. Lệ phí nộp vào ngân sách nhà nước hoặc tài khoản của tổ chức được ủy nhiệm thu phí, lệ phí. Phí nộp vào tài khoản tiền gửi thu phí của cơ quan hải quan mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc tài khoản của tổ chức được ủy nhiệm thu phí, lệ phí.
Trường hợp đăng ký tờ khai nhiều lần trong tháng, người nộp phí, lệ phí đăng ký với tổ chức thu phí, lệ phí thực hiện nộp phí, lệ phí theo tháng.
Căn cứ danh sách các tờ khai phải nộp phí, lệ phí do cơ quan hải quan thông báo. Chậm nhất trong thời gian 10 ngày đầu của tháng tiếp theo, người nộp phí, lệ phí phải nộp phí, lệ phí theo trình tự, thủ tục quy định hoặc yêu cầu trích chuyển tiền nộp phí, lệ phí theo quy định.
Cơ quan thực hiện thu phí, lệ phí hải quan bao gồm: Cơ quan hải quan nơi đăng ký tờ khai đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; cơ quan hải quan nơi làm thủ tục đối với phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; cơ quan hải quan nơi tiếp nhận đơn đề nghị kiểm tra, giám sát, tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc cơ quan được ủy nhiệm thực hiện thu phí hải quan và lệ phí.
Cơ quan hải quan thực hiện thu phí, lệ phí trực tiếp của người nộp và tổ chức được ủy nhiệm thu phí, lệ phí; và được phép để lại toàn bộ số tiền phí thu được để trang trải cho các hoạt động tổ chức cung cấp dịch vụ, thu phí (các khoản chi khác phục vụ thu phí bao gồm: Chi trả chi phí ủy nhiệm thu phí, lệ phí được trích từ nguồn thu phí hải quan của cơ quan hải quan). Số tiền trên được sử dụng và quản lý theo quy định tại Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ban hành ngày 23/8/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí.
Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện lập dự toán số thu từ phí, lệ phí và nhu cầu chi đảm bảo thực hiện nhiệm vụ; tổng hợp chung trong dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm của đơn vị và gửi Tổng cục Hải quan để thẩm định và tổng hợp gửi Bộ Tài chính.
Quy định mới về thu, nộp, quản lý và sử dụng phí hải quan có hiệu lực từ ngày 05/4/2021 tuân thủ và đảm bảo theo nguyên tắc quản lý và sử dụng phí, lệ phí chung của Chính phủ.