Những trường hợp không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan

Những trường hợp không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan đã được Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể tại Thông tư 155/2016/TT-BTC (gọi tắt là Thông tư 155) quy định chi tiết thi hành Nghị định 127/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan và Nghị định 45/2016/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2013/NĐ-CP (gọi tắt Nghị định 45).

thu-tuc-h_635947746691194391_hasthumb

Theo đó, quy định tại Khoản 2, Điều 1 Nghị định 45 sửa đổi, bổ sung Điều 5 của Nghị định 127/2013/NĐ-CP thì các trường hợp không xử phạt được quy định tại Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Trong đó, trường hợp hàng hóa, phương tiện vận tải được đưa vào lãnh thổ Việt Nam do sự kiện bất ngờ, sự kiện bất khả kháng; nhầm lẫn trong quá trình NK, gửi hàng hóa vào Việt Nam; các trường hợp được khai bổ sung hồ sơ hải quan trong thời hạn theo quy định của pháp luật; Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định tại Điều 8, Điều 13 Nghị định này nhưng số tiền thuế chênh lệch không quá 500.000 đồng đối cá nhân hoặc 2 triệu đồng đối với tổ chức; XK, NK hàng hóa không đúng với khai hải quan về số lượng, trọng lượng; khai đúng tên hàng hóa thực XK, NK nhưng khai sai mã số, thuế suất, mức thuế lần đầu; Vi phạm quy định về ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam bằng tiền mặt, vàng của người XNC mà tang vật vi phạm có trị giá dưới 5 triệu đồng…

Để hướng dẫn cụ thể các quy định tại Nghị định 45, Điều 4 Thông tư 155 của Bộ Tài chính nêu rõ, việc áp dụng các trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính về hải quan theo Điều 5 Nghị định được thực hiện như sau: Hàng hoá, phương tiện vận tải được đưa vào lãnh thổ Việt Nam do sự kiện bất ngờ, sự kiện bất khả kháng thì phải thực hiện việc thông báo với Chi cục Hải quan hoặc Đội Kiểm soát hoặc Hải đội kiểm soát trên biển hoặc Cục Hải quan tỉnh, thành phố, chính quyền địa phương nơi gần nhất hoặc cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật chậm nhất không quá 3 ngày, kể từ ngày đưa hàng hoá, phương tiện vận tải vào lãnh thổ Việt Nam.

Trường hợp không thông báo thì tùy theo từng hồ sơ vụ việc cụ thể để xem xét xử phạt theo quy định tại Nghị định 45 hoặc xử lý theo các quy định khác của pháp luật có liên quan. Việc xác định sự kiện bất ngờ, sự kiện bất khả kháng thực hiện theo quy định tại khoản 13, khoản 14 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Việc thông báo nhầm lẫn quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 45 phải được người gửi hàng, người nhận hàng hoặc người đại diện hợp pháp của người gửi hàng, người nhận hàng thực hiện bằng văn bản, nêu rõ lý do gửi Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi lưu giữ hàng hóa kèm theo các chứng từ liên quan đến việc nhầm lẫn khi chưa đăng ký tờ khai hải quan.

Trường hợp có căn cứ xác định có sự thông đồng giữa người gửi hàng, người nhận hàng và/hoặc người vận chuyển để trốn thuế, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới hoặc buôn lậu thì cơ quan hải quan có quyền từ chối chấp nhận nhầm lẫn và xử lý theo quy định của pháp luật. Việc từ chối chấp nhận nhầm lẫn của cơ quan Hải quan phải được thực hiện bằng văn bản trong đó nêu rõ lý do.

Quy định tại Khoản 3 Điều 5 Nghị định 45 được áp dụng đối với các trường hợp sửa chữa tờ khai, khai bổ sung hồ sơ hải quan được quy định tại Điểm a,  Điểm b Khoản 1 Điều  20 Thông tư 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế XK, thuế NK và quản lý thuế đối với hàng hóa XNK.

Đối với các trường hợp quy định tại Khoản 4, 5 và 7 Điều 5 Nghị định 45 thì tại thời điểm phát hiện hành vi vi phạm đã đủ cơ sở xác định thuộc trường hợp không xử phạt thì người có thẩm quyền xử phạt chỉ lập biên bản chứng nhận lưu hồ sơ; nếu chưa đủ cơ sở xác định hành vi vi phạm có thuộc trường hợp xử phạt hay không xử phạt thì công chức Hải quan đang thi hành công vụ lập biên bản vi phạm hành chính về hải quan; trên cơ sở hồ sơ hải quan, tài liệu có liên quan, biên bản vi phạm hành chính về hải quan, người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Khoản 2, 3, 4, 5 Điều 19 Nghị định 45 căn cứ theo quy định hiện hành quyết định về việc xử phạt hoặc không xử phạt.

Hành vi vi phạm pháp luật về thuế đối với hàng hóa XK, NK quy định tại Khoản 4 Điều 5 Nghị định 45 bao gồm các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 8; Khoản 1, Khoản 2 Điều 13 Nghị định 45.

Thông tư 155 cũng hướng dẫn quy định tại Khoản 6 Điều 5 Nghị định 45 được áp dụng đối với trường hợp người khai hải quan lần đầu làm thủ tục XK, NK hàng hoá đó đã khai đúng tên hàng hoá thực XK, NK theo quy định về khai hải quan nhưng khai sai mã số hàng hoá theo Danh mục hàng hoá XK, NK Việt Nam; khai sai thuế suất, mức thuế đối với hàng hoá đó theo Biểu thuế XK, Biểu thuế NK có hiệu lực tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan.

Trường hợp NK hàng hoá, vật phẩm vi phạm quy định về khai hải quan, vi phạm quy định tại Điều 14 Nghị định 45 nhưng do DN bưu chính, chuyển phát nhanh thay mặt chủ hàng làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật, nếu không có căn cứ xác định có sự thông đồng giữa người gửi hàng, người nhận hàng, người làm thủ tục hải quan nhằm mục đích gian lận thì không xử phạt.

Theo www.baohaiquan.vn