Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 846 triệu USD, giảm 15% so với tháng 8/2022. Tuy nhiên, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong tháng này đã ở mức thấp nhất trong 6 tháng qua, doanh số xuất khẩu cũng cao hơn hẳn so với các tháng trước.
Lũy kế 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản dự kiến đạt 5,8 tỷ USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022.
Riêng mảng cá tra, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 167 triệu USD trong tháng 8, đây cũng là mức sụt giảm thấp nhất trong 6 tháng. Tính đến hết tháng 8, xuất khẩu cá tra đạt gần 1,2 tỷ USD, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2022.
VASEP cho biết Cơ quan Kiểm dịch và An toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa kết thúc chương trình thanh tra một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra nhằm đánh giá hệ thống kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cá tra xuất khẩu sang Mỹ. Kết quả thanh tra khá tích cực, đây sẽ là động lực thúc đẩy xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong những tháng tới.
Trong khi đó, xuất khẩu tôm trong tháng 8 giảm 19% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng này mang về lượng ngoại tệ gần 2,2 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ.
Tương tự, xuất khẩu hải sản cũng có thể có chiều hướng khả quan hơn nếu sau chương trình thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) vào tháng 10 đối với hải sản khai thác có kết quả đánh giá tích cực.
Về góc độ tiêu thụ, VASEP kỳ vọng tôm và hải sản cũng có hy vọng lạc quan về sự hồi phục của các thị trường, cũng những biến động khác.
Sau tin Nhật Bản xả nước thải nhiễm hạt nhân, người tiêu dùng Nhật sẽ thận trọng với tiêu thụ thủy sản nội địa, do vậy sẽ tìm đến thủy sản nhập khẩu nhiều hơn. Các thị trường khác cũng cân nhắc việc nhập khẩu từ Nhật Bản và các nước láng giềng của Nhật, tạo cơ hội cho thủy sản Việt Nam.
Dựa trên những thông tin trên, VASEP dự báo kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả năm 2023 có thể đạt hơn 9 tỷ USD, giảm 18% so với năm 2022.
Theo: Vietnambiz