Nhằm thúc đẩy công nghệ và đổi mới, Hải quan Trung Quốc chủ trì thực hiện và Hải quan Việt Nam đồng tài trợ tổ chức hội thảo APEC về “Hải quan thông minh – Tăng cường phát triển khu vực thương mại tự do/ khu vực cảng biển tự do” diễn ra trong 2 ngày từ ngày 19 – 20/12/2023 tại Trung Quốc theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Những đóng góp tích cực

Với tư cách là nước đồng chủ trì, Phó Tổng cục trường Hải quan Việt Nam Nguyễn Văn Thọ đánh giá cao tầm quan trọng của quan hệ hợp tác với các đối tác Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và vai trò chủ động, tích cực của Hải quan Việt Nam trong việc đóng góp tích cực vào các mục tiêu hành động của Diễn đàn thông qua tiến trình cải cách, hiện đại hoá và tích cực ứng dụng công nghệ hỗ trợ tạo thuận lợi cho thương mại hợp pháp và kiểm soát chống buôn lậu. Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Thọ cho biếtAPEC hiện là khu vực đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Việt Nam với 65,6% tổng số vốn đầu tư, 10/14 đối tác đầu tư lớn nhất (trên 1 tỷ USD) vào Việt Nam là từ các nước thuộc APEC với tổng vốn 39,5 tỷ USD, chiếm 95,6% tổng số vốn đầu tư trực tiếp của APEC.

Hội thảo cũng ghi nhận vai trò quan trọng của Văn phòng Xây dựng năng lực khu vực châu Á -Thái Bình Dương của Tổ chức Hải quan thế giới (ROCB A/P) là đơn vị chỉ đạo trong việc xây dựng năng lực, hỗ trợ, kết nối và hợp tác các nước thành viên trong khu vực nhằm tiếp tục đẩy mạnh an ninh và tạo thuận lợi thương mại. Chiến lược của ROCB A/P gồm 4 trụ cột chính: Hỗ trợ thực hiện cam kết, công cụ và hướng dẫn của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO)tăng cường hơn nữa sự hợp tác với các đối tác phát triển; cải thiện việc phân tích nhu cầu, lập kế hoạch, thực hiện và quản lý các hoạt động xây dựng năng lực của hải quan các nước trong khu vực; tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các nước thành viên trong khu vực. Nhiệm vụ trọng tâm của ROCB A/P theo kế hoạch thường niên (2023-2024) tập trung vào hải quan thông minh, hướng dẫn thực thi tại khu thương mại tự do (FZ) và khảo sát đối với các nước thành viên nhằm nắm bắt nhu cầu hỗ trợ kỹ năng cần thiết cho công cuộc cải cách, hiện đại hóa và đạt được mục tiêu chiến lược phát triển trong giai đoạn tới từ 2024-2025.

Trong các phiên thảo luận tiếp theo, hải quan các nước cũng chia sẻ về sự kết nối dữ liệu đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển hải quan thông minh. Bên cạnh đó phát triển các FZ/ khu vực cảng biển tự do là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giữa các nước thành viên trong khu vực. Đặc biệt trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ thì việc phát triển công nghệ trong các khu vực này sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhấn mạnh tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Thọ cho biết, không nằm ngoài xu hướng phát triển chung của APEC, Việt Nam cũng đã nhận thức tầm quan trọng và tiềm năng phát triển nền kinh tế biển. Trong đó, Hải quan Việt Nam đã xác định mục tiêu: “Xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính Phủ số, với mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh” tại Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030.

Ngoài ra, việc tăng cường phát triển FZ/khu vực cảng biển tự do là xu thế tất yếu của hợp tác, hội nhập; là chiến lược nhằm hỗ trợ quá trình phát triển, phát huy lợi thế so sánh của các vùng kinh tế. Mục đích tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hải quan cũng như công tác quản lý giám sát thông minh tại các cảng biển không chỉ đẩy mạnh hợp tác về kinh tế giữa các nước trong khu vực châu Á– Thái Bình Dương mà còn là cơ hội hợp tác, giao lưu nhiều nền kinh tế quốc tế. Đặc biệt, Hải quan Việt Nam cùng các DN và UBND một số tỉnh, thành phố đang tích cực nghiên cứu triển khai một số FZs các khu vực cảng biển quan trọng nhằm thúc đẩy tạo thuận lợi cho phát triển đầu tư, sản xuất và kinh doanh. Hoạt động này kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam trở thành điểm sáng đầu tư toàn cầu trong những năm tới, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Thọ cho biết thêm.

Chia sẻ về kinh nghiệm tại các nước

Tại hội thảo đại diện lãnh đạo cơ quan Hải quan các nước như: Trung Quốc, Việt Nam, Úc, Nhật, Peru, bộ phận hỗ trợ chính sách APEC, Hồng Kông, Hàn Quốc, Singapore, Trung tâm vận hành hệ thống cảng điện tử khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Thái Lan, Indonesia và WCO và các công ty công nghệ đã chia sẻ kinh nghiệm về thúc đẩy hải quan thông minh thông qua công nghệ và đổi mới, phục vụ phát triển các FZ/cảng biển tự do.

Nguồn: Cảng thương mại tự do Hainan, Trung Quốc – Nơi Hội nghị đề cập đến

Theo đó, Hải quan Úc chia sẻ về đơn giản hóa môi trường thương mại xuyên biên giới. Hải quan Úc nhấn mạnh, sự thành công đến từ đơn giản hóa thương mại xuyên biên giới bằng việc phối hợp với 28 cơ quan chính phủ quốc gia (gồm các bộ ngành, hải quan…), quy tắc thương mại đơn giản và nhất quán, số hóa và chia sẻ dữ liệu, quy trình hiện đại hơn và lực lượng cán bộ có tay nghề, chuyên môn phù hợp, mô hình chức năng ổn định và công bằng, tiếp tục đẩy mạnh phát triển các cửa khẩu, an ninh và bảo vệ cộng đồng.

Hải quan Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm triển khai Hải quan thông minh để nỗ lực hướng tới cơ quan Hải quan hàng đầu thế giới với tầm nhìn trung và dài hạn về quản lý hải quan hiện đại. Hải quan Nhật Bản cũng nhấn mạnh việc chuyển đổi kỹ thuật số là một xu hướng tất yếu của sự thay đổi dòng chảy thương mại trên toàn thế giới sau dịch Covid-19 và kỳ vọng giải quyết các mối đe dọa an ninh kinh tế trong nước. Hải quan Nhật Bản cho biết sẽ tiếp tục nỗ lực hiện thực hóa Hải quan thông minh bằng cách tích hợp những thay đổi và nhu cầu về môi trường đồng thời xem xét và sửa đổi các biện pháp triển khai kịp thời.

Còn Hải quan Peru đã chia sẻ kinh nghiệm số hóa quy trình thủ tục hải quan tại Peru. Theo đó, năm 1992, Hải quan Peru lần đầu ứng dụng công nghệ thông tin thông qua việc tạo Hệ thống quản lý hải quan tích hợp (SIGAD). Hệ thống SIGAD phát triển trên nền tảng FoxPro 2.0 và được cập nhật phiên bản mới với Visual Fox. Các giao dịch điện tử đầu tiên bắt đầu với công cụ Teledespacho –cho phép thông tin hải quan được truyền qua phương thức điện tử (e-mail). Năm 2010, Hải quan Peru phát triển tiếp nhận thông tin manifest hàng hóa áp dụng cho 6 cục hải quan tỉnh, thành phố, tập trung dữ liệu về trị giá và kết nối với hệ thống xử lý dữ liệu hải quan. Năm 2011, ứng dụng hệ thống kiểm tra không xâm nhập, máy soi phân tích hình ảnh. Chiến lược phát triển trong giai đoạn tới là áp dụng chuyển đổi số và mô hình điều hành mới và chuỗi an ninh cung ứng toàn cầu (SAFE) nhằm hướng tới mục tiêu chứng từ điện tử, quy trình điện tử 100%, hiệu quả vận chuyển, tăng cường kết nối, phát triển môi trường bền vững.

Đối với Hải quan Trung Quốc, cơ quan Hải quan đã phát triển 3S (gồm Hải quan thông minh – Smart customs, Biên giới thông minh – Smart Borders, Kết nối thông minh – Smart connectivity) thông qua các dự án ứng dụng công nghệ mới, thiết bị hiện đại. Theo đó, Hải quan thông minh được ứng dụng trong các lĩnh vực như thương mại điện tử xuyên biên giới, đánh giá hình ảnh thông minh, kiểm tra sức khỏe và kiểm dịch thông minh. Biên giới thông minh là kết nối giữa các cơ quan quản lý biên giới với các nước láng giềng nhằm giám sát biên giới thông minh. Kết nối thông minh được thực hiện nhằm kết nối các hệ thống thông tin hải quan, chuẩn hóa các mô hình quản lý hải quan hiện đại, hợp tác với các chủ thể trong chuỗi cung ứng.

Theo: Hải quan Việt Nam