Trước nhiều vướng mắc của cộng đồng DN liên quan đến quy định lập báo cáo quyết toán, vật tư dư thừa và kho ngoại quan, Tổng cục Hải quan đã kịp thời tháo gỡ nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, XK của các DN.
Văn phòng KCH chi nhánh Hà Nội thắc mắc từ 1/2016 đến nay, đơn vị không phát sinh các tờ khai nhập sản xuất XK, vậy năm 2016 có phải làm báo cáo quyết toán hay không? Với tờ khai nhập sản xuất XK chưa chuyển đổi và chốt lượng tồn trước 31/12/2016 thì có bị xử phạt vi phạm hành chính hay không? Tờ khai gia công, khi kết thúc hợp đồng gia công, không còn tồn sản phẩm, nguyên phụ liệu, DN có phải thông báo với cơ quan Hải quan không?
Giải quyết thắc mắc của DN, Tổng cục Hải quan cho biết, theo hướng dẫn tại công văn số 16120/BTC-TCHQ của Bộ Tài chính và Điểm 1 Công văn 1501/TCHQ-GSQL của Tổng cục Hải quan thì đối với trường hợp của DN NK nguyên liệu để sản xuất hàng hóa XK (loại hình E31, đã nộp thuế NK) không phải thực hiện báo cáo quyết toán, cơ quan Hải quan thực hiện quản lý nguyên liệu xuất – nhập – tồn trên cơ sở hồ sơ hoàn thuế của DN.
Quy định tại Nghị định 127/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 45/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016) đối với trường hợp tờ khai nhập sản xuất XK chưa chuyển đổi và chốt lượng tồn trước 31/12/2016 thì không xem xét xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.
Tại Điều 64 Thông tư 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định chậm nhất 15 ngày kể từ ngày hợp đồng gia công kết thúc hoặc hết hiệu lực tổ chức, cá nhân có văn bản thông báo cho chi cục hải quan nơi làm thủ tục quyết toán phương án giải quyết nguyên liệu, vật tư dư thừa, máy móc thiết bị theo mẫu 17/XL-HĐGC/GSQL, do đó, Tổng cục Hải quan đề nghị DN thực hiện đúng quy định.
n Công ty TNHH Kohsei Multipack Việt Nam hỏi, số liệu báo cáo tồn kho của kế toán là số của nguồn nguyên liệu nhập sản xuất XK; nguồn nguyên liệu nhập theo kinh doanh và nguồn nguyên liệu trong nước, vậy số liệu DN lấy để báo cáo cơ quan Hải quan là tính theo tỷ lệ hay phương pháp nào?
Về vấn đề này, theo Tổng cục Hải quan, đối với báo cáo quyết toán của loại hình sản xuất XK, đề nghị DN thực hiện theo quy định tại Điểm b, c Khoản 3 Điều 60 Thông tư 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính; hướng dẫn tại mẫu 15/BCQT-NVL/GSQL phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư 38/2015/TT-BTC và Điểm 2.2 Mục 2 công văn 1501/TCHQ-GSQL của Tổng cục Hải quan. DN thực hiện tổng hợp số liệu của nguyên liệu, vật tư, thành phẩm sản xuất từ nguồn NK, do đó DN căn cứ vào các nguồn nguyên liệu cấu thành sản phẩm và tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư thực tế sản xuất ra sản phẩm XK để tổ chức theo dõi và báo cáo theo quy định.
n Công ty CP xây dựng thương mại dịch vụ cảng Sài Gòn kiến nghị, năm 2009, DN hoạt động doanh kho bãi theo Quyết định số 339/QĐ-TCHQ của Tổng cục Hải Quan. Hiện tại hệ thống kho, bãi của DN có diện tích tổng thể 26.127,7 m2, nằm tách biệt với bên ngoài bằng tường rào bảo vệ bao quanh, trong đó có 1 kho chứa hàng ngoại quan là 2.000 m2 (kho ngoại quan được gắn camera giám sát cả bên trong và bên ngoài). Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh có yêu cầu DN phải mở rộng kho chứa hàng ngoại quan lên 5.000 m2 theo quy định thì mới được công nhận. Do đó, DN đề nghị cơ quan Hải quan giải thích và hướng dẫn cụ thể cho DN về quy định “Kho ngoại quan phải có diện tích tối thiểu 5.000 m2 (bao gồm nhà kho, bãi và các công trình phụ trợ), trong đó khu vực kho chứa hàng phải có diện tích từ 1.000 m2 trở lên…” và cho biết đối với trường hợp của DN thì dự án kho bãi của DN đã thỏa điều kiện về diện tích tối thiểu chưa hoặc phải làm như thế nào để có thể đáp ứng theo quy định tại Nghị định 68/2016/NĐ-CP và được tiếp tục kinh doanh kho bãi ngoại quan một cách linh hoạt, hiệu quả.
Liên quan đến vấn đề này, Tổng cục Hải quan đã được công văn số 47/CV-SPTS đề ngày 6/10/2016 (dấu đến văn thư ngày 10/10/2016) về việc giải trình lý do và đề nghị công nhận đủ điều kiện về diện tích hoạt động kho ngoại quan theo Nghị định 68/2016/NĐ-CP, theo đó, DN đã được Tổng cục Hải quan ra Quyết định số 339/QĐ-TCHQ ngày 23/2/2009 có diện tích 2.000 m². Việc DN cho rằng tổng diện tích thực tế kho ngoại quan của DN là 26.127,7 m² là chưa có cơ sở. Do vậy, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 1385/GSQL-TH ngày 17/10/2016 hướng dẫn DN về điều kiện, trình tự mở rộng kho ngoại quan quy định tại Điều 10, 12 và 13 Nghị định 68/2016/NĐ-CP và đề nghị DN gửi hồ sơ theo quy định tại Điều 11 Nghị định 68/2016/NĐ-CP đến Tổng cục Hải quan để được xem xét giải quyết theo quy định. Tuy nhiên, đến nay Tổng cục Hải quan vẫn chưa nhận được hồ sơ đề nghị mở rộng kho ngoại quan của DN.
n Công ty CP xây dựng thương mại dịch vụ cảng Sài Gòn nêu, Điều 10, Nghị định 68/2016/NĐ-CP có nêu: “Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành chuẩn trao đổi dữ liệu giữa cơ quan Hải quan và DN kinh doanh kho ngoại quan về phần mềm quản lý hàng hóa đưa vào, đưa ra, hệ thống camera giám sát”. DN thắc mắc, đến thời điểm hiện tại, DN chưa nhận được thông tin gì về chuẩn trao đổi dữ liệu cũng như phần mềm quản lý hàng hóa kho ngoại quan từ Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh. Vậy chủ trương của Tổng cục Hải quan về việc quản lý kho ngoại quan bằng phần mềm thống nhất theo chuẩn trao đổi dữ liệu giữa cơ quan Hải quan và DN kho ngoại quan khi nào mới được triển khai thực hiện?
Về thắc mắc này của DN, Tổng cục Hải quan cho biết, đang dự thảo thông tư quy định về điều kiện làm việc, chuẩn trao đổi dữ liệu giữa các bên liên quan, dự kiến ban hành trước ngày 1/7/2017. Hiện tại, DN sử dụng các phần mềm của các công ty phát triển phần mềm như Công ty Thái Sơn, Công ty FPT… hoặc sử dụng phần mềm do DN tự phát triển nhưng phải đảm bảo cơ quan Hải quan kiểm tra, khai thác số liệu hàng hóa xuất – nhập – tồn gửi kho ngoại quan theo quy định.
Ghi nhận và sẽ triển khai trong thời gian tới nội dung về quản lý kho ngoại quan, Tổng cục Hải quan nhấn mạnh, đây cũng là một thành phần nằm trong bài toán thiết kế tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Hải quan.
n Công ty CP xây dựng thương mại dịch vụ cảng Sài Gòn cho rằng, để các DN kinh doanh đạt hiệu quả, lưu chuyển hàng hóa XNK của khách hàng được thuận tiện, hàng hóa thông quan nhanh chóng, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước, Bộ Tài chính nên xem xét gỡ bỏ hình thức chế tài không cho hàng có thuế suất trên 10% vào kho ngoại quan vì điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả khai thác nguồn hàng gửi kho ngoại quan đối với DN.
Về kiến nghị này của DN, Tổng cục Hải quan đề nghị DN thực hiện theo hướng dẫn tại công văn số 8079/TCHQ-GSQL ngày 4/9/2015 của Tổng cục Hải quan. Theo đó, đối với trường hợp kho ngoại quan chưa đáp ứng quy định về diện tích tối thiểu tại điểm c Khoản 1 Điều 82 Nghị định 08/2015/NĐ-CP không được lưu trữ các loại hàng hóa XNK có mức thuế suất từ 10% trở lên.