Nội dung câu hỏi:
Chúng tôi có nhập khẩu Xơ 100% polyester 1.4DX38MM chưa qua chải thô chải kỹ theo loại hình sản xuất xuất khẩu (E31) để sản xuất sợi thành phẩm. Trong quá trình thực hiện Báo cáo quyết toán và xử lý phế liệu, phế phẩm chúng tôi có một số vướng mắc như sau:
1. Về lập Báo cáo quyết toán:
Do đặc thù sản phẩm được cấu thành từ hai nguồn nguyên liệu: bao gồm Xơ 100% polyester 1.4DX38MM chưa qua chải thô chải kỹ nhập khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu (E31) và Bông thiên nhiên chưa qua sơ chế (chưa qua chải thô chải kỹ, chỉ bỏ vỏ bỏ hạt) theo loại hình kinh doanh sản xuất (A12) và định mức thực tế sản phẩm xuất khẩu, mỗi NL, VT đầu vào sẽ có định mức sử dụng khác nhau, mặt khác do đặc thù sản phẩm xuất khẩu (được sản xuất từ Xơ nhập khẩu loại hình SXXK và Bông nhập khẩu loại hình kinh doanh) nên mỗi sản phẩm xuất khẩu Công ty chúng tôi sản xuất ra sẽ có định mức thực tế khác nhau:
– Vậy khi thực hiện báo cáo quyết toán theo biểu mẫu nhập – xuất – tồn kho NL, VT nhập khẩu loại hình Sản xuất xuất khẩu Công ty chúng tôi lập là lượng NL, VT nhập khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu (mã loại hình E31) hay bao gồm là lượng NL, VT nhập khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu (mã loại hình E31) và lượng NL, VT nhập khẩu theo loại hình kinh doanh (mã loại hình A12)?
– Về phần khai báo định mức thực tế sản phẩm xuất khẩu trên báo cáo quyết toán của mỗi mã sản phẩm thành phần sản xuất xuất khẩu Công ty chúng tôi phải lập như thế nào?
2. Về xử lý phế liệu, phế phẩm:
Do Công ty chúng tôi không theo dõi tách biệt được lượng phế liệu, phế phẩm phát sinh trong quá trình sản xuất giữa nguồn nguyên liệu nhập khẩu loại hình sản xuất xuất khẩu và nguồn nguyên liệu nhập loại hình kinh doanh nên Doanh nghiệp gặp vướng mắc khi thực hiện xử lý phế liệu, phế phẩm.
Nội dung câu trả lời:
Trả lời câu hỏi của Công ty, Bộ phận tư vấn của Ban biên tập có ý kiến trao đổi như sau:
1. Về lập báo cáo quyết toán
– Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 60 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 sửa đổi, bổ sung tại khoản 39 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính quy định:
“b) Tổ chức, cá nhân lập và nộp báo cáo quyết toán về tình hình xuất – nhập – tồn kho nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu (bao gồm cả nhập khẩu của DNCX) cho Chi cục Hải quan nơi đã thông báo cơ sở sản xuất theo các chỉ tiêu thông tin quy định tại mẫu số 25 Phụ lục II ban hành kèm Thông tư này qua Hệ thống hoặc theo mẫu số 15/BCQT-NVL/GSQL Phụ lục số V ban hành kèm Thông tư này; báo cáo quyết toán về tình hình nhập – xuất – tồn kho thành phẩm được sản xuất từ nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu theo các chỉ tiêu thông tin quy định tại mẫu số 26 Phụ lục II ban hành kèm Thông tư này qua Hệ thống hoặc theo mẫu số 15a/BCQTSP-GSQL Phụ lục số V ban hành kèm Thông tư này và định mức thực tế sản xuất sản phẩm xuất khẩu theo các chỉ tiêu thông tin quy định tại mẫu số 27 Phụ lục II ban hành kèm Thông tư này qua Hệ thống hoặc theo mẫu số 16/ĐMTT-GSQL Phụ lục số V ban hành kèm Thông tư này;”
Như vậy, Công ty thực hiện báo cáo quyết toán đối với lượng NL,VVT nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu (mã loại hình E31).
– Đối với nguyên liệu nhập khẩu theo loại hình kinh doanh (A12), Công ty thực hiện theo dõi trong hệ thống sổ kế toán theo các quy định về chế độ kế toán của Bộ Tài chính, hướng dẫn tại điểm a khoản 2 Điều 60 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 sửa đổi, bổ sung tại khoản 39 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính. Nguyên liệu, vật tư có nguồn gốc nhập khẩu được theo dõi chi tiết theo từng loại hình trong kỳ (nhập gia công, nhập sản xuất xuất khẩu, nhập kinh doanh, nhập lại nguyên vật liệu sau sản xuất…) đã khai trên tờ khai hải quan và chứng từ nhập kho trong kỳ.
– Căn cứ hướng dẫn tại Mẫu số 16/ĐMTT/GSQL Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính về báo cáo định mức thực tế sản xuất sản phẩm xuất khẩu, Công ty thực hiện khai báo định mức với tất cả nguyên liệu, vật tư (bao gồm cả nhập khẩu, mua trong nước) để sản xuất ra 01 đơn vị sản phẩm. Trường hợp nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu thì phải thống nhất với mã nguyên liệu, vật tư đã khai trên tờ khai hải quan.
2. Về xử lý phế liệu, phế phẩm
Thủ tục xử lý phế liệu, phế phẩm đối với hàng hóa là nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu thực hiện theo quy định tại Điều 71 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 sửa đổi, bổ sung tại khoản 49 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính, cụ thể:
“Điều 71. Thủ tục xử lý phế liệu, phế phẩm tiêu thụ nội địa, phế thải
Phế liệu, phế phẩm thu được trong quá trình sản xuất hàng xuất khẩu khi bán, tiêu thụ nội địa được miễn thuế nhập khẩu nhưng phải kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có), thuế bảo vệ môi trường (nếu có) và gửi đến cơ quan hải quan thông qua Hệ thống theo chỉ tiêu thông tin quy định tại mẫu số 04 Phụ lục IIa ban hành kèm Thông tư này. Trường hợp thực hiện trên hồ sơ giấy, người khai hải quan khai theo mẫu số 06/BKKTT/TXNK Phụ lục VI ban hành kèm Thông tư này.
Đối với xử lý phế thải, tổ chức, cá nhân thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ghi chép sổ sách chi tiết, xuất trình cho cơ quan hải quan khi kiểm tra.”
Trường hợp có vướng mắc đề nghị Công ty liên hệ trực tiếp với Chi cục Hải quan quản lý để được hướng dẫn cụ thể.
Công ty có thể tham khảo văn bản nêu trên tại mục VĂN BẢN PHÁP LUẬT trên Cổng thông tin điện tử Hải quan theo địa chỉ http://www.customs.gov.vn.
Bộ phận tư vấn của Ban biên tập thông báo để Công ty biết./.
Trân trọng!