Nội dung câu hỏi:

Kính gửi Ban Tư vấn

Doanh nghiệp chúng tôi là DN FDI thông thường có hoạt động SXXK. Doanh nghiệp đã mở tờ khai xuất loại hình E62 cho DNCX.

Do có một số hàng bị lỗi nên DNCX trả lại cho chúng tôi để sửa chữa, sau khi sửa chữa xong chúng tôi sẽ xuất lại hàng đó cho DNCX trên. Hai DN chúng tôi đã thỏa thuận như sau:
– DNCX mở tờ khai xuất khẩu loại hình B13, có thanh toán.
– DN chúng tôi mở tờ khai nhập khẩu loại hình A31, có thanh toán. Đối ứng của tờ khai xuất khẩu B13 của DNCX trên.

Trong quá trình làm thủ tục hải quan xuất lại hàng sau khi sửa chữa, hai DN chúng tôi phát sinh một số vướng mắc như sau:

1. Do DNCX đã trả lại hàng lỗi và chúng tôi cũng sẽ trả lại cho DNCX số tiền tương ứng với lượng hàng lỗi trả về đó. Vậy loại hình xuất sau khi sửa chữa xong chúng tôi sẽ xuất theo loại hình E62 (như xuất một lô hàng mới có thanh toán) hay xuất theo loại hình B13 có thanh toán để thanh khoản cho tờ khai tái nhập về theo loại hình A31 của chúng tôi?

2. DNCX nhập số hàng đã sửa chữa này về để làm nguyên vật liệu sx đầu vào thì nhập theo loại hình E15 hay nhập theo lọaị hình tái nhập A31-đối ứng với tờ khai xuất B13 của DNCX khi xuất trả lại hàng cho chúng tôi trước đó?

3. Về điều kiện thanh toán “KC” hoặc “KHONGTT” giữa hai DN thì có ảnh hưởng gì đến các loại hình xuất nhập khẩu A31 và B13 như trên không?

Trân trọng cảm ơn và mong nhận được hồi âm của Ban Tư vấn.

Nội dung câu trả lời:

​Trả lời câu hỏi của Công ty, Bộ phận tư vấn của Ban biên tập có ý kiến trao đổi như sau:

– Căn cứ Điều 47 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định:

“Điều 47. Thủ tục hải quan tái nhập đối với hàng hóa đã xuất khẩu

1. Các hình thức tái nhập hàng hóa đã xuất khẩu nhưng bị trả lại (sau đây gọi tắt là tái nhập hàng trả lại) bao gồm:

a) Tái nhập hàng trả lại để sửa chữa, tái chế (gọi chung là tái chế) sau đó tái xuất;

…5. Đối với hàng hóa tái nhập để tái chế thì thời hạn tái chế do doanh nghiệp đăng ký với cơ quan hải quan nhưng không quá 275 ngày kể từ ngày tái nhập; Người khai hải quan chưa phải nộp thuế trong thời hạn tái chế, nếu quá thời hạn tái chế đã đăng ký mà chưa tái xuất thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế.

6. Thủ tục tái xuất hàng đã tái chế thực hiện theo quy định tại Mục 5 Chương này.

– Về mã loại hình tờ khai: Căn cứ hướng dẫn tại công văn số 2765/TCHQ-GSQL ngày 01/04/2015 của Tổng cục Hải quan. Theo đó, khi tái nhập để sửa chữa, tái chế (sau đó tái xuất cho người mua ban đầu) Công ty sử dụng mã loại hình A31; khi xuất khẩu hàng đã sửa chữa, tái chế Công ty sử dụng mã loại hình B13. Trường hợp DNCX nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu từ nội địa thì sử dụng mã loại hình E15.

– Về việc thanh toán căn cứ quy định tại Điều 50 Luật Thương mại số 36/2005/QH11 ngày 14/06/2005.

– Về tiêu chí thanh toán: Quy định về tiêu chí phương thức thanh toán trên tờ khai hải quan hiện hành được quy định tại Phụ lục I Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/04/2018 thay thế Phụ lục II Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25 tháng 3 năm 2015 của Bộ Tài chính.

Công ty đối chiếu các quy định trên và tình hình thực tế của mình để thực hiện. Trường hợp phát sinh vướng mắc thì Công ty liên hệ trực tiếp Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai để được hướng dẫn cụ thể.

Công ty có thể tham khảo văn bản nêu trên tại mục VĂN BẢN PHÁP LUẬT trên Cổng thông tin điện tử Hải quan theo địa chỉ http://www.customs.gov.vn.

Bộ phận tư vấn của Ban biên tập thông báo để Công ty biết./.

Trân trọng!