​Ngày 18/5/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 721/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVTFA).

Hiệp định UKVFTA được ký kết vào ngày 29/12/2020 tại Vương quốc Anh, có hiệu lực tạm thời vào ngày 01/01/2021 và có hiệu lực chính thức kể từ ngày 01/5/2021. Hiệp định UKVFTA được đàm phán dựa trên nguyên tắc kế thừa các cam kết đã có trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) với những điều chỉnh cần thiết để đảm bảo phù hợp với khuôn khổ thương mại song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.

Hiệp định gồm 9 điều khoản; 1 phụ lục sửa đổi một số điều của EVFTA; 1 nghị định thư và 1 thư song phương trao đổi giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.

Nhằm triển khai thực hiện Hiệp định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 721/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định UKVTFA, Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ để thực hiện Hiệp định UKVTFA.

Xây dựng pháp luật, thể chế.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan tiếp tục thực hiện rà soát pháp luật trong quá trình thực thi Hiệp định và báo cáo Chính phủ nếu có đề xuất sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật khác để phù hợp với yêu cầu của Hiệp định;

Sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt ban hành theo đúng với lộ trình đã quy định của UKVFTA. Đồng thời tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các thiết chế cần thiết để thực thi Hiệp định.

Tuyên truyền, phổ biến thông tin về UKVFTA và thị trường Vương quốc Anh. 

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cần tăng cường phổ biến về UKVFTA cho các đối tượng có liên quan… nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về nội dung cam kết cũng như các công việc cần triển khai để thực thi hiệu quả UKVFTA.

Đồng thời, chú trọng tập huấn cho các cán bộ thuộc cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp về một số lĩnh vực như thuế, quy tắc xuất xứ, tiếp cận thị trường Vương quốc Anh, đầu tư, dịch vụ, hải quan, mua sắm của Chính phủ, phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường v.v. bảo đảm các doanh nghiệp và các cán bộ thuộc cơ quan quản lý nhà nước hiểu rõ, hiểu đúng, từ đó giúp việc tận dụng và thực thi Hiệp định được đầy đủ và hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần thiết lập đầu mối thông tin về UKVFTA tại Bộ Công Thương để cung cấp thông tin, hướng dẫn và làm rõ các nội dung cam kết và các vấn đề có liên quan đến Hiệp định; Củng cố mạng lưới, tăng cường năng lực và đẩy mạnh công tác cung cấp thông tin, dự báo về thị trường Vương quốc Anh và thị trường trong nước của các cơ quan nhà nước có chức năng cung cấp thông tin về thương mại – đầu tư để các doanh nghiệp Việt Nam có thể kịp thời nắm bắt các thông tin, yêu cầu về kỹ thuật, quy định về quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa của Vương quốc Anh.

Cùng với đó là đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại – đầu tư tại UK nhằm thông tin cho cộng đồng doanh nghiệp Vương quốc Anh về cơ hội và lợi thế môi trường kinh doanh đầu tư của Việt Nam, qua đó phát triển quan hệ thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực trọng điểm; tận dụng công nghệ nguồn, công nghệ hiện đại nhằm tháo gỡ những nút thắt có thể gây cản trở một số ngành của Việt Nam trong việc tận dụng UKVFTA.

Ngoài ra, kê hoạch cũng yêu cầu các bộ ngành cần nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực, chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) xây dựng Biểu thuế UKVFTA

Trên cơ sở kế thừa Hiệp định EVFTA, UKVFTA đưa ra cam kết về: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý-thể chế.

Theo đó, về thương mại hàng hóa, các cam kết cắt giảm và xóa bỏ thuế quan của Việt Nam và UK trong EVFTA, với lộ trình cắt giảm/xóa bỏ thuế quan được tiếp tục kế thừa.

Đối với thương mại dịch vụ, hai bên thống nhất về cơ bản kế thừa toàn bộ các cam kết trong EVFTA, cũng như cam kết các nghĩa vụ chung về thương mại dịch vụ và đầu tư.

Theo kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định UKVFTA tại Quyết định 721/QĐ-TTg , Bộ Tài chính được Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện UKVFTA.

Hiệp định UKVFTA được nhận định sẽ giúp giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu từ Anh vào Việt Nam. Về phía Việt Nam, Hiệp định UKVFTA được kỳ vọng sẽ tiếp nối động lực thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư của hai bên trong những năm tới.