Bộ Công Thương vạch nguyên nhân nhập siêu trong 5 tháng

Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu 5 tháng đầu năm duy trì mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2016. Kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2017 ước đạt 79,3 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ.

Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu 5 tháng 2017 ước đạt 82 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2016.

Bộ Công Thương vạch nguyên nhân nhập siêu trong 5 tháng - 1

Ảnh minh họa

Theo Bộ Công Thương, mặc dù nhập khẩu tăng nhưng tập trung chủ yếu ở các nhóm hàng cần nhập khẩu.

Cụ thể: Nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt khoảng 14,9 tỷ USD, tăng 38,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Thứ hai là nhóm máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 13,34 tỷ USD, tăng 27,5% và nhóm điện thoại các loại và linh kiện (trừ điện thoại di động) đạt 4,77 tỷ USD, tăng 31,5%.

Ngoài ra, nhập khẩu sắt thép phế liệu cũng tăng mạnh do nhiều nhà máy luyện sắt thép trong nước sử dụng công nghệ cũ vẫn sử dụng sắt thép phế liệu như thành phần chính để luyện gang, thép, thay cho việc luyện cốc và từ phôi thép đi lên.

Nhập khẩu xăng dầu và than đá tăng mạnh, chủ yếu do tăng giá nhập khẩu (giá xăng dầu nhập khẩu tăng 36,6%, giá than đá tăng 63,3%). Tổng cộng 2 mặt hàng này tăng khoảng 813 triệu USD.

Nhập khẩu nhóm các mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may, da giày cũng tăng khoảng 905 triệu USD do phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, một số mặt hàng nhập khẩu khác có mức tăng cao như hạt điều, chất dẻo nguyên liệu, hóa chất và sản phẩm hóa chất.

“Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu, nhập khẩu đều tăng trưởng mạnh, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu cao hơn nhiều, tăng tới 23,9% so với mức tăng 17,4% của xuất khẩu. Tính chung 5 tháng đầu năm 2017, cả nước nhập siêu khoảng 2,7 tỷ USD, bằng 3,4% kim ngạch xuất khẩu”, Bộ Công Thương cho hay.

Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân dẫn đến nhập siêu trong 5 tháng đầu năm do nhập khẩu phục vụ các dự án đầu tư tăng.

Dẫn số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Bộ Công Thương cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2017, ước tính tổng vốn FDI thực hiện đạt khoảng 6,15 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2016, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực chế biến, chế tạo.

Chủ yếu do tăng nhập khẩu của các Công ty thuộc Tập đoàn Samsung (trong đó có Samsung Display đẩy mạnh nhập khẩu máy móc thiết bị để phục vụ Dự án mới được điều chỉnh tăng vốn).

Ngoài ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Điện lực Vĩnh Tân 1, Nhiệt điện Thăng Long cũng tăng cường nhập khẩu máy móc thiết bị phục vụ một số dự án về năng lượng; Viettel tăng nhập khẩu thiết bị phục vụ dự án 4G,..

Thứ hai, theo thông lệ hàng năm, xuất khẩu từ tháng 6 trở đi bắt đầu vào chu kỳ tăng trưởng, đặc biệt là các mặt hàng có kim ngạch lớn như đồ gỗ, dệt may, giày dép,…. nên các doanh nghiệp gia tăng nhập khẩu để sản xuất các đơn hàng xuất khẩu.

Mặt khác, mặt bằng giá thế giới tăng. Giá dầu tăng hơn so với cùng kỳ năm trước, kéo theo đó là sự tăng giá nhập khẩu của nhiều mặt hàng nhiên liệu, nguyên liệu cho các ngành công nghiệp cơ bản như xăng dầu, khí đốt, hóa chất, chất dẻo nguyên liệu,… Đây là những mặt hàng có giá nhập khẩu phụ thuộc lớn vào giá dầu thô.

Hơn nữa, theo chu kỳ, xuất khẩu nông, thủy sản sẽ tăng vào giữa năm và đạt mức cao nhất vào thời điểm cuối năm; các mặt hàng công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may, giày dép, đồ gỗ đều bước vào mùa vụ xuất khẩu từ giữa Quý II.

Việc các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu trong những tháng đầu năm cũng là tiền đề để dự báo tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng tiếp theo.

Bộ Công Thương dự báo, trong các tháng tiếp theo, dự báo tăng trưởng nhập khẩu có khả năng giảm dần do: xu hướng giảm giá một số mặt hàng như giá thép, phân bón, xăng dầu; giải ngân của một loạt các dự án và sẽ giảm dần trong những tháng tiếp theo….

“Do vậy, dự báo nhập siêu cả năm sẽ được kiểm soát, tỷ lệ nhập siêu trên tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước ở mức khoảng dưới 3,5%”, Bộ Công Thương cho hay.

Theo Diệu Thùy (Infonet)