Nhiều thắc mắc của DN gửi đến cơ quan Hải quan liên quan đến xét hoàn thuế, ưu đãi thuế đối với Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) from D; tính hợp lệ của C/O from E… đã được Tổng cục Hải quan kịp thời giải đáp.
Công ty TNHH MTV thương mại dầu khí Đồng Tháp thắc mắc, việc hoàn thuế khi DN có nhu cầu chuyển loại hình từ tạm nhập sang nhập kinh doanh thì cơ quan Hải quan có xem xét hoàn thuế cho DN đã nộp C/O form D/KV cho cơ quan Hải quan trước đó hay không?
Theo Tổng cục Hải quan, hướng dẫn tại Điểm 2 công văn số 1317/GSQL-TH ngày 4/10/2016 của Tổng cục Hải quan liên quan đến vướng mắc C/O khi DN chuyển đổi loại hình NK từ đối tượng miễn thuế sang đối tượng chịu thuế thì DN phải xuất trình C/O vào thời điểm nộp hồ sơ hải quan đối với tờ khai hải quan mới. C/O phải được cấp hợp lệ và còn hiệu lực theo quy định tại các thông tư của Bộ Công Thương hướng dẫn Hiệp định.
Đối với trường hợp DN muốn sử dụng một C/O cho 2 tờ khai hải quan NK thì thực hiện trừ lùi C/O theo hướng dẫn tại Công văn số 6136/BTC-TCHQ ngày 9/5/2016 của Bộ Tài chính.
Công ty nội thất Hòa Phát và Công ty MTV thép Hòa Phát hỏi, DN NK một sản phẩm (được sản xuất và có C/O form E) từ Trung Quốc. Người bán trên hợp đồng là một Công ty ở Hồng Kông. Công ty này lại mua hàng hóa đó từ một Công ty TM ở Trung Quốc. Chính Công ty TM ở Trung Quốc người xin được C/O form E và cấp cho chúng tôi. Vậy C/O form E này hợp lệ không?
Trước câu hỏi của DN, Tổng cục Hải quan đề nghị DN nghiên cứu Điều 23 Phụ lục 2 Thông tư 36/2010/TT-BCT ngày 15/11/2010 của Bộ Công Thương về thực hiện Quy tắc thủ tục cấp và kiểm tra xuất xứ trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN – Trung Quốc. Cụ thể: Cơ quan Hải quan chấp nhận C/O mẫu E trong trường hợp hóa đơn thương mại được phát hành bởi một công ty có trụ sở tại một nước thứ 3. Số hóa đơn bên thứ 3 phải được ghi trên ô số 10 của C/O mẫu E. Nhà XK và người nhận hàng phải có trụ sở đặt tại các bên tham gia Hiệp định; bản sao của hóa đơn bên thứ ba phải được nộp cùng với C/O mẫu E cho cơ quan Hải quan bên NK.
Công ty TNHH Công nghệ Teco Việt Nam cho biết, trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, DN có NK từ Malaysia/Philippines một số nguyên vật liệu là các thiết bị, linh kiện riêng lẻ dùng để sản xuất ra các bộ biến trở, công tắc điện dùng trong ngành công nghiệp. Căn cứ theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, các nguyên liệu NK này có xuất xứ phù hợp với điều kiện được hưởng ưu đãi miễn thuế NK và đã xuất trình C/O mẫu D cùng bộ chứng từ NK tại thời điểm hàng hóa thông quan cho Chi cục Hải quan Long Thành (Cục Hải quan Đồng Nai) theo đúng quy định liên quan đến các thủ tục hải quan.
Tuy nhiên, sau quá trình kiểm tra sau thông quan, Chi cục Hải quan Long Thành đã ban hành quyết định truy thu thuế NK và thuế GTGT hàng NK với lý do C/O mẫu D của DN không hợp lệ. Một số mẫu C/O không được chấp nhận tính hợp lệ với lý do đây là C/O cấp lần đầu nhưng lại ghi nhầm là cấp sau (chỉ tiêu số 13 “issued retroachtively”).
Với lý do này, DN thắc mắc, đối với trường hợp các C/O bị lỗi hành chính không quan trọng từ phía nhà XK, DN thấy không gây hiểu nhầm về xác định xuất xứ của hàng hóa, C/O vẫn phù hợp với hàng hóa thực tế NK và tất cả các chỉ tiêu còn lại trên C/O đều đúng quy định thì có được chấp nhận không?
Cũng theo DN, tiêu chí xuất xứ hàng hóa không phù hợp phải là CTH thay vì CTSH, mặc dù hàng hóa thực tế đáp ứng đủ điều kiện về nguồn gốc xuất xứ. Bởi trên thực tế lô hàng trên có nguồn gốc xuất xứ từ Malaysia như đã thể hiện rõ tại bộ chứng từ NK và đã trải qua quá trình chuyển đổi mã số hàng hóa. Theo DN, việc thể hiện tại ô số 8 CTSH thay vì là CTH là lỗi của bên cấp C/O do ghi sai tiêu chí xuất xứ mặc dù hàng hóa đáp ứng đủ điều kiện xuất xứ và hàm lượng.
Đồng thời, ô số 7 ghi chung chung không ghi số lượng hàng được cấp C/O, không ghi chi tiết cụ thể mặt hàng, mã HS trên C/O, không phù hợp đáp ứng theo hướng dẫn tại điểm 5 mặt sau C/O. Ghi chung chỉ tiêu xuất xứ cho nhiều mặt hàng. Trên thực tế, mặc dù C/O không ghi chi tiết theo nhóm hàng/số lượng hàng nhưng nhìn vào C/O có thể xác định ngay được C/O này là của lô hàng nào/tờ khai NK nào.
Liên quan đến vấn đề này, theo Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) đã có Công văn số 25/GSQL-GQ4 ngày 9/1/2017 trả lời DN.
Theo đó, về việc khai báo tiêu chí xuất xứ hàng hóa trên C/O: Theo quy định tại Khoản 5, Điều 6 Phụ lục 7 Thủ tục cấp và kiểm tra C/O Thông tư số 21/2010/TT-BCT ngày 17/5/2010 của Bộ Công Thương được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 42/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương ngày 18/11/2014: “Nhiều mặt hàng có thể được khai trên cùng một C/O, với điều kiện từng mặt hàng phải đáp ứng các quy định về xuất xứ đối với từng mặt hàng đó”. Theo đó, từng mặt hàng phải thể hiện từng tiêu chí xuất xứ và mã HS của mặt hàng đó.
Về việc C/O cấp sau, tại Điều 10, Phụ lục 7 Thông tư số 42/2014/TT-BCT quy định: Trường hợp ngoại lệ khi C/O không được cấp vào thời điểm XK hoặc sau ba ngày tính từ ngày XK do sai sót, sự bỏ quên không cố ý hoặc có lý do chính đáng, C/O có thể được cấp sau nhưng không quá một năm kể từ ngày hàng được chất lên tàu và phải đánh dấu vào ô “Issued Retroactively”. Do đó, việc đánh dấu vào ô “issued retroactively” khi C/O được cấp vào ngày XK là chưa phù hợp với hướng dẫn trên
Đối với thắc mắc của DN liên quan đến tiêu chí xuất xứ hàng hóa, theo Tổng cục Hải quan, tại Điều 2 và Điều 4, Phụ lục 1, Thông tư số 42/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương hướng dẫn, để được hưởng mức thuế suất ưu đãi, hàng hóa phải đáp ứng quy định đối với hàng hóa là “hàm lượng giá trị gia tăng” (RVC) không dưới 40% hoặc “chuyển đổi mã hàng hóa ở cấp độ 04 số” (chuyển đổi nhóm-CTH), trong khi trên C/O thể hiện hàng hóa chỉ đáp ứng tiêu chí xuất xứ chuyển đổi ở cấp độ phân nhóm là CTSH, thì hàng hóa đó không thỏa mãn quy tắc xuất xứ để được xác định là hàng hóa có xuất xứ ASEAN.