Thu ngân sách tại cửa khẩu quốc tế đường bộ: Đối mặt khó khăn

Chịu tác động lớn từ chính sách mặt hàng, trong năm 2017, tình hình thu NSNN tại các cửa khẩu quốc tế đường bộ dự báo càng trở nên khó khăn trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều biến động.

Hoạt động XNK qua cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (Hà Giang) . Ảnh: T.Trang.

Vì vậy, để triển khai nhiệm thu thuế, bên cạnh việc tạo thuận lợi cho hoạt động XNK thì việc thu thập thông tin các mặt hàng thường xuyên làm thủ tục, đánh giá các yếu tố có thể tác động đến khả năng thu tại các cửa khẩu là một công đoạn rất quan trọng mà các đơn vị Hải quan cần phải thực hiện.

Theo phân tích tình hình số thu NSNN tại cửa khẩu quốc tế đường bộ trong năm 2016 cho thấy, có đến một nửa trong số các cửa khẩu quốc tế đường bộ không đạt chỉ tiêu thu Bộ Tài chính giao. Như tại Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (Cục Hải quan An Giang) chỉ đạt 49% chỉ tiêu thu được giao, giảm 47% so với cùng kỳ năm 2015. Tại Cục Hải quan Tây Ninh, số thu NSNN qua 2 cửa khẩu quốc tế đường bộ không đạt chỉ tiêu Bộ Tài chính giao, cụ thể là cửa khẩu quốc tế Mộc Bài đạt 81% chỉ tiêu giao và cửa khẩu quốc tế Xa Mát chỉ đạt 55% so với chỉ tiêu. Tại Cuc Hải quan Quảng Trị, tổng kim ngạch nhập khẩu qua các cửa khẩu quốc tế đường bộ trong năm 2016 đã giảm 62,7% so với cùng kỳ năm 2015, số thu NSNN qua 2 cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay đã giảm 69,77% so với thu thuế cùng kỳ năm 2015.

Tương tự, tại Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (Cục Hải quan Nghệ An) số thu thuế qua  giảm tới 75,42% so với năm 2015. Tình hình thu NSNN tại Chi cục Hải quan Cha Lo (Cục Hải quan Quảng Bình) cũng chỉ đạt 44,6% chỉ tiêu Bộ Tài chính giao, giảm 52% so với thu thu năm 2015. Số thu thuế tại Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Cục Hải quan Hà Tĩnh) năm 2016 chỉ đạt 47,8% chỉ tiêu Bộ Tài chính giao, giảm 48,5% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong số những cửa khẩu đạt chỉ tiêu thu mà Bộ Tài chính giao như: Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (Cục Hải quan Hà Giang) đạt 108% chỉ tiêu; Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Cục Hải quan Lạng Sơn) đạt 100,8% chỉ tiêu; Cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Cục Hải quan Gia Lai- Kon Tum) đạt  178% chỉ tiêu giao; Cửa khẩu quốc tế Lào Cai (Cục Hải quan Lào Cai) đạt 102,8% chỉ tiêu giao và Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Cục Hải quan Quảng Ninh) đạt 116% chỉ tiêu giao; Cửa khẩu quốc tế Tây Trang (Cục Hải quan Điện Biên) đạt 113,7% chỉ tiêu giao thì vẫn có những đơn vị số thu bị sụt giảm so với năm 2015.

Nguyên nhân chủ yếu được các đơn vị phân tích là do sự sụt giảm của các mặt hàng XNK chính qua các cửa khẩu đường bộ, cơ cấu NK hàng hóa trong thời gian vừa qua đã có nhiều sự thay đổi lớn do những chính sách điều hành mặt hàng của các nước có chung đường biên giới như Trung Quốc, Lào, Campuchia. Nhiều đơn vị, không phát sinh mặt hàng mới để tạo nguồn thu (như cửa khẩu quốc tế Cha Lo- Quảng Bình). Cùng với đó là tác động của việc giảm thuế theo lộ trình cắt giảm thuế quan trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam cam kết thực hiện. Bên cạnh đó còn kể đến một số yêu tố như: Hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ hoạt động XNK hàng hóa còn chưa ổn định, thiếu đồng bộ, nhất là hệ thống kho bãi đảm bảo an toàn cho hàng hóa, phương tiện của DN (như cửa khẩu quốc tế Cầu Treo- Hà Tĩnh)…

Trong năm 2017, việc phân bổ dự toán thu NSNN cho từng cửa khẩu quốc tế đường bộ tiếp tục được Bộ Tài chính thực hiện. Với tình hình thu của năm 2016 thì công tác thu NSNN của các cửa khẩu quốc tế đường bộ càng trở nên khó khăn trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều biến động. Vì vậy, để triển khai nhiệm vụ này, việc thu thập thông tin các mặt hàng thường xuyên làm thủ tục tại từng cửa khẩu, các yếu tố có thể tác động đến khả năng thu tại các cửa khẩu là một công đoạn rất quan trọng.

Nhận định các yếu tố sẽ ảnh hưởng tới việc thực hiện dự toán thu NSNN năm 2017 tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ninh Nguyễn Văn Hường phân tích: Theo lộ trình cắt giảm thuế quan trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam cam kết thực hiện, thuế suất thuế NK của nhiều dòng hàng tiếp tục bị cắt giảm. Trong đó, thị trường ô tô tải tự đổ, sơ mi romooc đã bão hòa, trong nước đang tồn một số lượng lớn nên lượng hàng hóa NK giảm, do vậy, số thu từ mặt hàng này tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái trong năm 2017 sẽ giảm đáng kể.

Cùng với đó, nhiều mặt hàng trong nước đã sản xuất được đã thay thế, hạn chế hàng NK cũng ảnh hưởng lớn đến số thu NSNN của đơn vị.

Phân tích về những biến động sẽ ảnh hưởng tới số thu của Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lào Cai- Phạm Ngọc Thạch cho rằng, số DN hoạt động kinh doanh XNK trong tỉnh Lào Cai ổn định. Các mặt hàng XNK truyền thống như: Phân bón, hoá chất các loại, than cốc, năng lượng điện, máy móc thiết bị NK tạo tài sản cố định… ổn định, hàng năm tăng giảm không lớn, số thu NSNN từ các mặt hàng này chủ yếu là thuế GTGT. Vì vậy, việc siết chặt XK khoáng sản, ngăn chặn tình trạng XK lậu và gian lận thương mại trong XK khoáng sản sẽ dẫn tới nguồn thu NSNN năm 2017 tại cửa khẩu của nhóm hàng này giảm mạnh.

Cùng phân tích những khó khăn sẽ ảnh hưởng tới tình hình thu NSNN tại cửa khẩu quốc tế đường bộ Hữu Nghị- Lạng Sơn, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn  Nguyễn Hữu Vượng nhận định, việc không cho ô tô các loại dưới 16 chỗ NK qua cửa khẩu Hữu Nghị và các tác động tăng/giảm thuế, hoàn thuế do thực hiện cắt giảm thuế quan theo lộ trình cắt giảm tại các Hiệp định thương mại tự do, và Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN- Trung Quốc (ACFTA), hàng hóa NK tại khẩu quốc tế đường bộ Hữu Nghị có rất nhiều mặt hàng thuộc đối tượng này, do vậy sẽ làm giảm mạnh số thu NSNN của cửa khẩu này.

Không chỉ riêng khu vực miền Bắc, miền Trung ngay cả các cửa khẩu quốc tế đường bộ của các tỉnh miền Trung và miền Nam cũng gặp phải đối mặt với những khó khăn trong việc thu nộp NSNN.

Cục Hải quan An Giang cho biết, tình hình thu NSNN tại cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên hầu hết phụ thuộc vào số thu hàng NK. Năm 2016 kim ngạch NK tại chi cục giảm đến 40% và năm 2017 đang bị đánh giá sẽ giảm hơn so với năm 2016 bởi các mặt hàng NK thường xuyên tại cửa khẩu này sẽ giảm do ảnh hưởng của biến động thị trường, hàng hoá tiêu thụ chậm. Mặt khác, các mặt hàng hoa quả NK có xuất xứ từ Thái Lan có thuế suất thuế NK ưu đãi đặc biệt 0%. Bên cạnh đó, qua nắm bắt tình hình hoạt động của các DN trên địa bàn cho thấy, tình hình NK các mặt hàng chính tại cửa khẩu cũng giảm so với năm 2016.

Tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay, Quảng Trị, theo phân tích của Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Trị Hoàng Văn Cừ, cơ cấu hàng hóa NK tại 2 cửa khẩu đã có sự thay đổi lớn, đặc biệt là mặt hàng gỗ- đây là mặt hàng NK có số thu thuế lớn chiếm từ 40% đến 60% tổng thu NSNN của đơn vị nay đã giảm rất nhiều. Bên cạnh đó, do thay đổi chính sách quản lý giá từ nước bạn Lào nên một số DN Việt Nam không thể đàm phán ký kết hợp đồng, một số khác tìm thị trường mới như Hàn Quốc, Nhật Bản. Mặt khác DN đã ưu tiên những tuyến đường ngắn hơn, vận chuyển nhanh và kịp thời đến thị trường tiêu thụ, giảm thiểu các chi phí phát sinh… Với tình hình này, năm 2017 số thu thuế qua cửa khẩu quốc tế nơi đây tiếp tục sẽ gặp những khó khăn.

Tương tự, tại cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn- Nghệ An, cửa khẩu quốc tế Bờ Y- Gia Lai- Kon Tum, cửa khẩu quốc tế Na Mèo- Thanh Hoá, … cũng đang trong tình trạng khó khăn.

Có thể thấy, việc thu NSNN tại các cửa khẩu quốc tế đường bộ sẽ chịu tác động không nhỏ của tình hình kinh tế- xã hội. Vì vậy, các đơn vị hải quan cần chủ động xây dựng chương trình công tác trọng tâm, tập trung vào các giải pháp, biện pháp, lộ trình thực hiện cụ thể. Cùng với đó, thu thập thông tin các mặt hàng thường xuyên làm thủ tục tại từng cửa khẩu, đánh giá các yếu tố có thể tác động đến khả năng thu tại các cửa khẩu là một công đoạn rất quan trọng, từ đó các đơn vị có những biện pháp triển khai nhiệm vụ của mình.

Theo báo Hải quan