Từ thực tiễn yêu cầu quản lý đối với loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất, Tổng cục Hải quan sẽ xây dựng giải pháp công nghệ, có khả năng kết nối, liên thông với các hệ thống, kết nối với doanh nghiệp, đảm bảo việc thực hiện việc kiểm tra, giám sát tự động trên hệ thống.
Trước đó, đầu tháng 11, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn đã chủ trì cuộc họp bàn với các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục để bàn về việc xây dựng yêu cầu, giải pháp công nghệ quản lý Nhà nước về hải quan đối với doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Tổng cục đã chỉ ra những bất cập trong công tác quản lý hải quan đối với doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý.
Theo quy định của Luật Hải quan, công tác quản lý hải quan đối với loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất đã thay đổi căn bản, theo đó, trách nhiệm của cơ quan Hải quan phải kiểm tra, giám sát hàng hóa theo loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất từ khi nhập khẩu, trong quá trình sản xuất ra sản phẩm cho đến khi sản phẩm được xuất khẩu hoặc thay đổi mục đích sử dụng.
Tuy nhiên, việc thực hiện theo phương thức quản lý mới vẫn còn nhiều lúng túng, chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp (cơ sở sản xuất, năng lực sản xuất, quy mô, ngành nghề…) để thực hiện trách nhiệm của cơ quan Hải quan cũng như quy định của pháp luật, chưa quy định cụ thể trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa từ khi nhập khẩu, lưu kho, sử dụng đến khi xuất khẩu sản phẩm.
Bên cạnh đó, quy trình nghiệp vụ và hệ thống công nghệ thông tin còn một số bất cập: Thiếu quy trình quản lý hàng hóa xuyên suốt từ khi xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng hàng hóa đúng mục đích đã đăng ký với cơ quan Hải quan; các quy trình nghiệp vụ, phần mềm do các đơn vị xây dựng còn thiếu tính liên thông, liên kết, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý…
Nhằm nâng cao công tác quản lý hải quan đối với doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất; với mục tiêu vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan, vừa đảm bảo công tác quản lý hải quan hiệu quả, lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã đặt ra yêu cầu cần rà soát, sửa đổi, bổ sung tổng thể yêu cầu quản lý hải quan dựa trên việc củng cố hệ thống công nghệ thông tin thông minh, xử lý tập trung trên nền tảng công nghệ hiện đại.
Theo đó, việc quản lý đối với doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất phải đáp ứng quy định của Luật Hải quan, đảm bảo yêu cầu quản lý từ khâu nhập khẩu nguyên phụ liệu, gia công, sản xuất, xuất khẩu thành phẩm. Cụ thể, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp (cơ sở sản xuất, năng lực sản xuất, quy mô, ngành nghề); thông tin, số liệu nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị nhập khẩu, mua trong nước phục vụ gia công, sản xuất; quy trình sản xuất (từ lúc nhập nguyên phụ liệu, máy móc, thiết bị, nhập kho, xuát kho nguyên phụ liệu, đưa nguyên phụ liệu, phế phẩm…); quy trình xuất khẩu, thông tin về sản phẩm xuất khẩu… đảm bảo giám sát chặt chẽ. Trên cơ sở đó xây dựng giải pháp công nghệ, có khả năng kết nối, liên thông với hệ thống, kết nối với doanh nghiệp giúp cơ quan Hải quan tiếp nhận thông tin do doanh nghiệp gửi đến, đảm bảo thực hiện việc kiểm tra, giám sát tự động vào hệ thống.
Hiện tại giải pháp công nghệ thông tin kết nối dữ liệu giữa doanh nghiệp và cơ quan Hải quan nhằm quản lý nhà nước về hải quan đối với hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất đang được Tổng cục Hải quan xây dựng.
Nguồn: baohaiquan.vn