Chào mừng các bạn trở lại với chuyên mục tài liệu của MBF. Hôm nay, chúng mình sẽ đưa ra một số điểm thay đổi quan trọng trong Incoterms 2020. Vậy trước tiên, chúng mình cùng hiểu qua về Incoterms nhé.
IncoTerms 2020 là gì?
Incoterms là một bộ quy tắc được công nhận trên toàn cầu với chức năng hướng dẫn bên bán và bên mua trong việc soạn thảo và thực hiệp hợp đồng vận chuyển hàng hóa. Lần đầu được giới thiệu vào năm 1936 bởi Phòng thương mại quốc tế (ICC), bộ quy tắc Incoterms 2020 đánh đấu lần cập nhật đầu tiên kể từ năm 2010 nhằm theo kịp với bối cảnh thương mại toàn cầu liên tục phát triển.
Phiên bản mới nhất của bộ quy tắc đi vào hiệu lực từ ngày 01/01/2020 và bao gồm 11 điều khoản riêng biệt, với một số điểm sửa đổi đáng lưu ý.
Bộ quy tắc Incoterms 2020 chính thức định nghĩa “vận chuyển hàng hóa” là thời điểm trong giao dịch khi rủi ro mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa chuyển giao từ bên bán sang bên mua, trong khi trước đây thuật ngữ này chỉ được giải thích một cách không chính thức. Bộ quy tắc Incoterms 2020 cũng đã được cập nhật nhằm chú trọng hơn vào an ninh thông qua việc liệt kê những yêu cầu về an ninh xuất-nhập khẩu và chỉ rõ rằng bên nào có trách nhiệm đáp ứng từng yêu cầu.
Incoterms 2010
Những thay đổi quan trọng nhất trong Bộ quy tắc Incoterms 2020?
Incoterms 2020
Điểm thay đổi đáng kể nhất chính là việc điều khoản FCA (Giao cho người chuyên chở) hiện nay cho phép bên mua chỉ thị cho trung gian vận chuyển hàng hóa cung cấp cho bên bán vận đơn đường biển cùng với phê chú đã chất hàng xuống tàu nhằm đáp ứng được điều khoản của Tín dụng thư. Trước đây, nhiều nhà xuất khẩu ưu thích áp dụng điều khoản FOB (Giao trên tàu) để có thể thực hiện thanh toán thông qua Tín dụng thư, cho dù điều khoản FCA thích hợp hơn rất nhiều cho việc vận chuyển nhóm hàng hóa đóng container bởi vì khoản chênh lệch chi phí vận chuyển giữa FCA và FOB.
Điểm thay đổi rõ rệt nhất chính là sự ra đời của điều khoản DPU (Giao tại địa điểm đã dỡ xuống) nhằm thay thế điều khoản DAT (Giao tại bến). Lý do của sự thay đổi này là vì thuật ngữ “Terminal” trong điều khoản cũ thường gây ra nhầm lẫn và điều khoản DPU bao gồm đa dạng tất cả các phương thức vận chuyển.
Theo điều khoản mới sửa đổi CIP (Cước phí và phí bảo hiểm trả tới), bên bán phải mua mức bảo hiểm cao hơn theo điều khoản Bảo hiểm hàng hóa A, lên tới 110% giá trị hóa đơn, một mức bảo hiểm phù hợp hơn đối với nhóm hàng hóa thành phẩm. Đối với điều khoản CIF (Tiền hàng, phí bảo hiểm và cước phí) áp dụng cho vận chuyển hàng hóa thô, mức bảo hiểm yêu cầu không thay đổi và được ghi rõ tại điều khoản Bảo hiểm hàng hóa C.
Ngoài ra, các điều khoản FCA (Giao cho người chuyên chở), DAP (Giao tại nơi đến), DPU (Giao tại địa điểm đã dỡ xuống) và DDP (Giao hàng đã nộp thuế) hiện nay tính đến việc bên mua và bên bán tự sắp xếp vận chuyển hàng hóa thay vì sử dụng một bên thứ ba.
Sự phân bổ chi phí giữa bên mua và bên bán hiện nay đã được liệt kê một cách chuẩn xác hơn nhằm tránh nhầm lẫn. Trong bộ quy tắc Incoterms 2010, các khoản chi phí đôi khi trở thành một vấn đề lớn khi trung gian vận chuyển hàng hóa thay đổi cấu trúc giá của họ thông qua việc cộng thêm phụ phí và do đó, bên bán sẽ phải chịu thêm những khoản phí xử lý hàng hóa tại bến.
Bộ quy tắc Incoterms 2020 là gì?
Các định nghĩa mới cập nhật được chia thành 2 nhóm riêng biệt bởi vì bộ quy tắc Incoterms xác định trách nhiệm của bên mua và bên bán tại các thời điểm khác nhau trong quá trình vận chuyển và tùy vào sự thích hợp của từng điều khoản đối với các phương thức vận tải khác nhau.
Mỗi điều khoản trong 11 điều khoản của bộ quy tắc Incoterms đều dựa trên phương thức vận tải, với 7 điều khoản được áp dụng cho mọi phương thức vận tải và 4 điều khoản chỉ áp dụng cho phương thức vận tải đường biển và đường thủy nội địa.
Các điều khoản trong bộ quy tắc Incoterms được áp dụng cho mọi phương thức vận tải
EXW – Ex Works (Giao tại xưởng)
Theo điều khoản EXW, bên bán có trách nhiệm chuẩn bị sẵn sàng hàng hóa tại địa điểm kinh doanh của mình hoặc một nơi chỉ định khác (nhà máy, văn phòng hoặc nhà kho). Quyền sở hữu sau đó sẽ được chuyển giao sang cho bên mua, bên mua sau đó sẽ có trách nhiệm chi trả tất cả chi phí và chịu toàn bộ rủi ro tính từ thời điểm nhận hàng hóa.
EXW là điều khoản thuận lợi nhất cho bên bán, họ sẽ không chịu trách nhiệm bốc xếp hàng hóa, chi trả cước phí một khi hàng hóa đã được chuyển giao quyền sở hữu hay thực hiện các thủ tục thông quan xuất khẩu hàng hóa. Điều khoản này có thể tạo ra rắc rối cho bên mua nếu như họ dự định xuất khẩu những hàng hóa đó.
FCA – Free Carrier (Giao cho người chuyên chở)
Với điều khoản FCA, bên bán có trách nhiệm vận chuyển hàng hóa tới địa điểm bên mua chỉ định, bốc xếp hàng hóa lên phương tiện vận tải và thu xếp vận chuyển bao gồm thông quan xuất khẩu và đáp ứng những yêu cầu về an ninh. Rủi ro được chuyển giao khi hàng hóa đã được bốc xếp lên phương tiện vận tải của bên mua.
Bên mua sẽ chi trả cước phí, phí vận đơn đường biển, phí bảo hiểm, chi phí bốc dỡ hàng và phương tiện vận tải tại địa phương để vận chuyển hàng hóa tới nơi giao hàng cuối cùng. Bên mua chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với bất kì tổn hại nào của hàng hóa trong khi vận chuyển.
FCA là điểu khoản được thay đổi đáng kể nhất trong bộ quy tắc Incoterms 2020. Trước đây, việc sử dụng trung gian vận chuyển hàng hóa có nghĩa rằng bên bán sẽ không thể nhận được vận đơn đường biển cùng với phê chú đã chất hàng xuống tàu bởi vì họ không trực tiếp xuất trình hàng hóa cho đơn vị giao hàng quốc tế. Nếu không có vận đơn đường biển, ngân hàng giao dịch sẽ không cho phép chuyển khoản thanh toán cho bên bán. Theo bộ quy tắc Incoterms 2020 mới, điều khoản FCA giải quyết vấn đề này bằng cách cho phép cả 2 bên ghi rõ trong hợp đồng mua bán rằng bên mua cần chỉ thị cho trung gian vận chuyển hàng hóa cung cấp cho bên bán vận đơn đường biển cùng với phê chú đã chất hàng xuống tàu.
CPT – Carriage Paid To (Cước phí trả tới)
Điều khoản CPT đi sâu hơn điều khoản FCA thông qua việc chỉ rõ rằng bên bán chịu chí phí vận chuyển hàng hóa tới nơi giao hàng cuối cùng của bên mua. Bên bán thông quan xuất khẩu cho hàng hóa và giao chúng cho trung gian vận chuyển hàng hóa hoặc một người do bên bán chỉ định tại địa điểm giao hàng chỉ định, tại thời điểm này rủi ro được chuyển giao cho bên mua. Bên bán có trách nhiệm chi trả các chi phí liên quan tới quy trình vận chuyển hàng hóa tới nơi giao hàng cuối cùng nhưng không có trách nhiệm mua bảo hiểm.
Theo điều khoản CPT, bên bán không có trách nhiệm mua bảo hiểm. Nếu bên mua yêu cầu bên bán phải có bảo hiểm, họ nên cân nhắc áp dụng điều khoản CIP.
CIP – Carriage and Insurance Paid To (Cước phí và phí bảo hiểm trả tới)
Nhìn chung, điều khoản CIP có khá nhiều điểm tương đồng với CPT, ngoại trừ việc bên bán có trách nhiệm thanh toán bảo hiểm cho hàng hóa vận chuyển cũng như chi phí cho việc vận chuyển.
Bên bán thông quan xuất khẩu cho hàng hóa và giao chúng cho trung gian vận chuyển hàng hóa hoặc một người do bên bán chỉ định tại địa điểm giao hàng chỉ định, tại thời điểm này rủi ro được chuyển giao cho bên mua. Bên bán có trách nhiệm chi trả các chi phí liên quan tới quy trình vận chuyển hàng hóa tới nơi giao hàng cuối cùng.
Một trong những thay đổi đáng kể nhất của bộ quy tắc Incoterms 2020, CIP yêu cầu bên bán mua mức bảo hiểm cao hơn, phù hợp hơn với nhóm hàng hóa đóng container: 110% giá trị hợp đồng theo điều khoản Bảo hiểm hàng hóa A của Hiệp Hội Các Nhà Bảo Hiểm Luân Đôn. Trước đây, mức bảo hiểm tối thiểu được áp dụng theo điều khoản Bảo hiểm hàng hóa C.
DPU – Delivered at Place Unloaded (Giao tại địa điểm đã dỡ xuống)
Trước đây được gọi là DAT (Giao tại bến), điều khoản này đã được đổi tên thành DPU bởi vì bên mua hoặc bên bán có thể sẽ muốn vận chuyển hàng hóa tới một địa điểm khác ngoài bến. Điều khoản này thường được áp dụng đối với những container hàng lẻ đóng chung với nhiều người nhận hàng. Đây là điều khoản duy nhất yêu cầu bên bán chịu trách nhiệm bốc dỡ hàng hóa.
Bên bán chịu mọi chi phí vận chuyển (phí xuất khẩu, cước phí, phí bốc dỡ hàng hóa tại cảng đích và các khoản phí khác tại cảng đích) và chịu toàn bộ rủi ro cho tới khi hàng hóa đến cảng đích hoặc bến. Bên mua chịu trách nhiệm cho tất cả các chi phí và rủi ro sau khi bốc dỡ hàng, bao gồm thuế nhập khẩu, các loại thuế khác, phí thông quan và chi phí phương tiện vận tải tại địa phương để vận chuyển hàng hóa tới nơi giao hàng cuối cùng. Nếu bên bán không thể thu xếp bốc dỡ hàng hóa thì thay vào đó nên cân nhắc áp dụng điều khoản DAP.
DAP – Delivered At Place (Giao tại nơi đến)
Bên bán vận chuyển hàng hóa tới nơi giao hàng chỉ định nhưng không có trách nhiệm bốc dỡ hàng hóa. Trách nhiệm của bên bán bao gồm đóng gói, thông quan xuất khẩu, chi trả cước phí và bất kì khoản phí bến bãi nào cho đến cảng đích như đã thỏa thuận.
Áp dụng điều khoản DAP có nghĩa rằng bên mua sẽ có trách nhiệm chi trả mọi chi phí và các loại thuế liên quan tới việc bốc dỡ hàng hóa và thông quan nhập khẩu hàng hóa vào quốc gia chỉ định. Rủi ro được chuyển giao cho bên mua tại nơi giao hàng cuối cùng.
DDP – Delivered Duty Paid (Giao hàng đã nộp thuế)
Áp dụng điều khoản DDP có nghĩa rằng bên bán chịu hoàn toàn chi phí và rủi ro liên quan tới việc vận chuyển hàng hóa tới nơi giao hàng chỉ định để được bốc dỡ và thông quan nhập khẩu.
Bên bán có trách nhiệm thông quan hàng hóa để nhập khẩu vào quốc gia của bên mua, bao gồm việc chi trả các khoản thuế liên quan và nhận được sự cho phép và phê duyệt cần thiết từ chính quyền tại quốc gia đó. Tuy nhiên, bên bán không có trách nhiệm bốc dỡ hàng hóa.
Điều khoản này đặt tối đa trách nhiệm lên bên bán và tối thiểu trách nhiệm lên bên mua. Rủi ro hoặc trách nhiệm sẽ không được chuyển giao sang bên mua cho tới khi hàng hóa đã được vận chuyển tới nơi giao hàng cuối cùng.
Trừ khi bên mua nắm rất rõ luật pháp và quy định tại quốc gia của bên bán, điều khoản DDP có thể trở thành một mối rủi ro rất lớn gây ra bởi những trở ngại và các khoản phụ phí không thể lường trước, và nên được áp dụng một cách thận trọng.
Điều khoản áp dụng cho phương thức vận tải đường biển và đường thủy nội địa?
Bốn điều khoản thương mại quốc tế dưới đây được áp dụng chỉ cho phương thức vận tải đường biển và đường thủy nội địa
Rủi ro và trách nhiệm với hàng hóa sẽ được chuyển giao từ bên bán sang bên mua khi hàng hóa đã được vận chuyển lên tàu (ngoại trừ điều khoản FAS). Do tình trạng của hàng hóa đến thời điểm này phải được xác minh, những điều khoản này chỉ phù hợp áp dụng với nhóm hàng hóa không đóng công-ten-nơ, ví dụ như hàng hóa thô.
Lưu ý: Trong những phiên bản trước của bộ quy tắc Incoterms, rủi ro được chuyển giao giữa bên bán và bên mua khi hàng hóa di chuyển qua lan can của boong tàu.
FAS – Free Alongside Ship (Giao dọc mạn tàu)
Bên bán giao hàng khi hàng hóa được đặt dọc mạn con tàu của bên mua tại cảng giao hàng chỉ định. Điều này có nghĩa rằng bên mua chịu tất cả chi phí và rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa tính kể từ thời điểm đó. Điều khoản FAS yêu cầu bên bán thông quan xuất khẩu cho hàng hóa. (Trong phiên bản cũ của bộ quy tắc Incoterms, bên mua chịu trách nhiệm thông quan xuất khẩu cho hàng hóa).
FOB – Free On Board (Giao trên tàu)
Theo điều khoản FOB, bên bán chịu toàn bộ chi phí và rủi ro cho tới thời điểm hàng hóa được bốc xếp lên tàu vận chuyển chỉ định bởi bên mua. Trách nhiệm của bên bán bao gồm thông quan xuất khẩu cho hàng hóa, trong khi đó bên mua chi trả cước phí, phí vận đơn đường biển, phí bảo hiểm, phí bốc dỡ hàng hóa và phương tiện vận tải tại địa phương từ cảng đến cho tới nơi giao hàng cuối cùng. Bên mua sẽ chịu trách nhiệm cho bất kì tổn hại nào của hàng hóa trên tàu vận chuyển.
Kể từ khi điều khoản FCA được giới thiệu vào năm 1980, điều khoản FOB nên chỉ được áp dụng cho nhóm hàng hóa không đóng container vận chuyển theo phương thức vận tải đường biển và đường thủy nội địa. Tuy nhiên, điều khoản FOB vẫn là điều khoản được áp dụng thường xuyên và sai mục đích nhất cho tất cả phương thức vận tải hàng hóa bao gồm vận chuyển hàng hóa đóng container, bất chấp việc có thể dẫn đến rủi ro hợp đồng. (trong đó bao gồm những khó khăn trong việc kiểm tra hàng hóa nếu chúng được đóng trong container)
CFR – Cost and Freight (Tiền hàng và cước phí)
Đơn vị giao hàng sẽ chi trả phí thông quan xuất khẩu và cước phí vận chuyển hàng hóa tới cảng chỉ định và có trách nhiệm đối với bất kì hư hỏng nào của hàng hóa khi đang trên tàu cho tới khi đến cảng giao hàng cuối cùng.
Điều khoản CRF đặt mức rủi ro và trách nhiệm lớn hơn cho bên bán vì họ phải chi trả chi phí vận chuyển hàng hóa cho tới khi đến cảng đích chỉ định. Rủi ro được chuyển giao sang bên mua khi hàng hóa đã được bốc xếp lên tàu tại quốc gia xuất khẩu.
Bên mua trả phí vận chuyển tại địa phương từ cảng về nơi giao hàng cuối cùng và có trách nhiệm mua bảo hiểm. Nếu bên mua yêu cầu bên bán phải có bảo hiểm, họ nên cân nhắc áp dụng điều khoản CIF.
Điều khoản CFR chỉ nên được áp dụng cho cho nhóm hàng hóa không đóng container vận chuyển theo phương thức vận tải đường biển và đường thủy nội địa; đối với các phương thức vận tải khác và nhóm hàng hóa đóng container, điều khoản này nên được thay thế bởi điều khoản CPT, như đã được chỉ rõ tại một điểm sửa đổi chính trong bộ quy tắc Incoterms 2020.
CIF – Cost, Insurance & Freight (Tiền hàng, phí bảo hiểm và cước phí)
Bên bán có trách nhiệm thông quan xuất khẩu và vận chuyển hàng hóa khi hàng hóa đang trên tàu vận chuyển tại cảng giao hàng. Bên bán chịu cước phí và phí bảo hiểm cho đến khi tới cảng đích chỉ định và có trách nhiệm đối với bất kì hư hỏng nào của hàng hóa khi đang trên tàu. Bên bán được yêu cầu mua mức bảo hiểm tối thiểu theo điều khoản Bảo hiểm hàng hóa C (Yêu cầu này không thay đổi so với bộ quy tắc Incoterms 2010)
Tại cảng đến, bên bán phải xuất trình 3 loại giấy tờ chính – hóa đơn, chính sách bảo hiểm và vận đơn đường biển, đại diện tương ứng cho tiền hàng, phí bảo hiểm và cước phí của điều khoản CIF. Điều khoản này có nhiều điểm tương đồng với CPT, ngoại trừ việc bên bán được yêu cầu phải có bảo hiểm cho hàng hóa khi đang vận chuyển.
Để tìm hiểu thêm về danh sách đầy đủ hơn về trách nhiệm đối với mỗi điều khoản, các bạn xem và tải đầy đủ bản Incoterms 2020 nhé.