Nhập khẩu đồ chơi trẻ em cần điều kiện gì?

Báo Hải quan nhận được câu hỏi của  ban đọc hỏi về việc nhập khẩu mặt hàng đồ chơi trẻ em từ Hoa kỳ về có cần những giấy phép gì? Liên quan đến câu hỏi của bạn đọc, Tổ tư vấn Báo Hải quan tư vấn một số vấn đề cần lưu ý.

Ảnh minh họa.

Trường hợp công ty là thương nhân Việt Nam không có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài thì được xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa không phụ thuộc vào ngành nghề đăng ký kinh doanh, trừ hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu theo Nghị định 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ.

Căn cứ Điều 9 Thông tư 28/2014/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định:

“Điều 9. Đồ chơi trẻ em

1. Phải đảm bảo mới 100%; chưa qua sử dụng.

2. Đảm bảo chất lượng phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn đồ chơi trẻ em theo quy định tại Thông tư số 18/2009/TT-BKHCN ngày 26/6/2009 của Bộ Khoa học và Công nghệ về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em – QCVN 3:2009/BKHCN.

3. Có nội dung, hình thức, kiểu dáng, tính năng sử dụng không có hại đến giáo dục, phát triển nhân cách, không gây nguy hiểm hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em, không vi phạm các quy định tại Điều 6 của Thông tư này.

Đồ chơi trẻ em đáp ứng các điều kiện nêu trên được phép nhập khẩu vào Việt Nam. Thủ tục nhập khẩu thực hiện tại cơ quan hải quan”.

Căn cứ điểm 4.2 khoản 4 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em ban hành kèm theo  Thông tư 18/2009/TT-BKHCN ngày 26/06/2009 của Bộ Khoa học Công nghệ quy định:

“4.2. Đồ chơi trẻ em nhập khẩu

4.2.1. Đồ chơi trẻ em nhập khẩu phải được chứng nhận hợp quy phù hợp với các quy định tại mục 2 của Quy chuẩn này. Việc chứng nhận hợp quy đồ chơi trẻ em nhập khẩu do tổ chức giám định hoặc tổ chức chứng nhận trong và ngoài nước được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chỉ định (hoặc thừa nhận) thực hiện.

Việc chứng nhận hợp quy được tiến hành theo một trong các phương thức sau:

– Phương thức 1: thử nghiệm mẫu điển hình;

– Phương thức 5: thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất;

– Phương thức 7: thử nghiệm, đánh giá lô sản phẩm, hàng hóa.

4.2.2. Đồ chơi trẻ em nhập khẩu trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường phải gắn dấu hợp quy”.

Căn cứ điểm 4.5 khoản 4 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em ban hành kèm theo  Thông tư 18/2009/TT-BKHCN ngày 26/06/2009 của Bộ Khoa học Công nghệ quy định:

“4.5. Chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, dấu hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp

Việc chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, dấu hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp quy định tại các điểm 4.1, 4.2 và điểm 4.3 của mục này thực hiện theo Quy định về chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy và công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy ban hành kèm theo Quyết định số 24/2007/QĐ-BKHCN của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ”.

Theo quy định, mặt hàng đồ chơi trẻ em nhập khẩu phải được chứng nhận hợp quy trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

Theo báo Hải quan