Liên quan đến thắc mắc của DN về hồ sơ và thủ tục, chính sách đối với phế liệu phế phẩm là lâm sản, Cục Hải quan Hà Nam Ninh đã hướng dẫn chi tiết về vấn đề này.
Công ty TNHH Eidai thắc mắc, DN có nhu cầu xuất phế liệu, phế phẩm là đầu mẩu gỗ từ nguồn nguyên liệu gỗ NK nằm trong định mức ra nước ngoài, vậy DN có được phép XK và thủ tục như thế nào? Chính sách XK liên quan đến mặt hàng này, có phải lập danh mục bảng kê chi tiết cho các loại phế liệu đầu mẩu và bảng kê những tờ khai NK nguyên liệu gỗ liên quan đến phế liệu đầu mẩu đó, khi xuất bán theo kg có được không, nếu cần quy đổi thì quy đổi như thế nào?
Liên quan vấn đề này, theo Cục Hải quan Hà Nam Ninh, chính sách quản lý mặt hàng gỗ XK được quy định cụ thể tại Điều 7 Thông tư 04/2015/TT-BNNPTNT ngày 12/2/2015 hướng dẫn Nghị định 187/2015/NĐ-CP. Theo đó, chỉ “cấm XK gỗ và sản phẩm chế biến từ gỗ thuộc các trường hợp sau: 1. gỗ tròn, gỗ xẻ các loại từ rừng tự nhiên trong nước. 2. XK vì mục đích thương mại sản phẩm làm từ gỗ thuộc nhóm IA do Chính phủ quy định (trừ gỗ là tang vật xử lý tịch thu theo quy định hiện hành của Nhà nước và những trường hợp quy định tại Điều 8 Thông tư này) và Phụ lục I của CITES khai thác từ tự nhiên”.
Cũng tại Điều 8 Thông tư 04/2015/TT-BNNPTNT quy định: “1. Gỗ và sản phẩm chế biến từ gỗ chỉ được XK khi có hồ sơ lâm sản hợp pháp theo quy định hiện hành của pháp luật. Khi XK, thương nhân kê khai hàng hóa với cơ quan Hải quan về số lượng, chủng loại và chịu trách nhiệm về nguồn gốc gỗ hợp pháp. 2. XK các loại củi, than, thương nhân kê khai hàng hóa với cơ quan Hải quan về số lượng, chủng loại và chịu trách nhiệm về nguồn gốc hàng hóa hợp pháp, không phải xin phép. 3. Gỗ và sản phẩm từ gỗ thuộc các Phụ lục của CITES phải có Giấy phép CITES do cơ quan quản lí CITES Việt Nam cấp”.
Cục Hải quan Hà Nam Ninh cho biết, khi làm thủ tục XK lô hàng, ngoài hồ sơ hải quan theo quy định hiện hành tại Khoản 1, Điều 16 Thông tư 38/2015/TT-BTC, DN phải xuất trình hồ sơ lâm sản theo quy định. Trong đó, về hồ sơ lâm sản, đề nghị DN nghiên cứu Thông tư 01/2012/TT-BNNPTNT gồm các tài liệu ghi chép về lâm sản được thiết lập, lưu giữ tại cơ sở sản xuất, kinh doanh lâm sản và lưu hành cùng với lâm sản trong quá trình khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến, cất giữ.
Đối với trường hợp DN nêu, nguồn gốc lâm sản là NK, thì hồ sơ gồm: tờ khai hải quan lâm sản NK có xác nhận của cơ quan Hải quan cửa khẩu; bảng kê lâm sản (packing-list) của tổ chức, cá nhân nước ngoài XK lâm sản; văn bản chứng nhận về nguồn gốc lâm sản và các tài liệu khác của nước XK (nếu có); giấy phép CITES đối với lâm sản thuộc danh mục các Phụ lục I, II của Công ước.
Khi XK hàng hóa, DN tự thỏa thuận với người mua về xuất theo đơn vị tính là kg hoặc m3 và cơ quan Hải quan căn cứ khai báo của DN để thực hiện thủ tục.