Hải quan tăng dịch vụ công – thêm lợi ích cho doanh nghiệp

Những thủ tục được nhiều doanh nghiệp quan tâm như xác nhận hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; thủ tục đề nghị công nhận doanh nghiệp ưu tiên đang thực hiện bằng hình thức thủ công… sẽ được Tổng cục Hải quan nâng cấp về mức độ dịch vụ công trực tuyến để tạo thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực Hải quan.

Việc điện tử hóa trong giải quyết thủ tục hành chính giúp DN giảm thiểu tối đa việc trực tiếp đến giao dịch tại cơ quan Hải quan.

Việc điện tử hóa trong giải quyết thủ tục hành chính giúp DN giảm thiểu tối đa việc trực tiếp đến giao dịch tại cơ quan Hải quan.

Nâng cấp đồng bộ

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, Trưởng phòng Quản lý thông tin và giao dịch điện tử (Cục CNTT và Thống kê Hải quan, Tổng cục Hải quan) Đặng Nam Phong cho biết: Thời gian qua, theo lộ trình cải cách, hiện đại hóa của ngành Hải quan, cơ quan Hải quan tập trung ưu tiên thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 (cấp độ cao nhất hiện nay ở Việt Nam) đối với những thủ tục cốt lõi và doanh nghiệp thường xuyên thực hiện. Có thể kể đến như: Thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu; thủ tục hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu tạo tài sản cố định của các dự án đầu tư; thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đăng ký tờ khai hải quan một lần… Có thể thấy hầu hết các thủ tục được triển khai dịch vụ công ở cấp độ 4 nằm ở các Chi cục Hải quan- cơ quan trực tiếp thực hiện nhiều thủ tục có tính chất thường xuyên đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Hiện nay, khi những thủ tục cốt lõi đã được thực hiện ở cấp độ 4, Tổng cục Hải quan bắt tay vào triển khai nâng cấp dịch vụ các thủ tục còn lại (đang thực hiện ở cấp độ 1 và 2) chủ yếu ở cấp Cục Hải quan và Tổng cục Hải quan. Tuy nhiên, thủ tục ở 2 cấp này không nhiều như ở các Chi cục Hải quan (cấp Tổng cục 38 thủ tục, cấp Cục 24 thủ tục và cấp Chi cục 106 thủ tục). Mục tiêu được Tổng cục Hải quan đặt ra là phấn đấu đến năm 2017, 100% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến tối thiểu mức độ 3, trong đó 70% dịch vụ công thuộc các lĩnh vực cốt lõi của ngành Hải quan được cung cấp trực tuyến mức độ 4.

Một số thủ tục liên quan mật thiết, được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm nhiều (đang được thực hiện ở cấp độ 1, cấp độ 2) sẽ được áp dụng mức dịch vụ công trực tuyến cao nhất có thể kể đến như thủ tục xác nhận hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; thủ tục miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, xóa nợ… Ông Đặng Nam Phong phân tích, việc triển khai đồng bộ dịch vụ công trực tuyến ở cấp độ cao nhất sẽ tạo thêm một bước tiến trong nỗ lực phục vụ cộng đồng doanh nghiệp, người dân của cơ quan Hải quan.Việc thực hiện các giao dịch trực tuyến ở cấp độ 4 sẽ giúp doanh nghiệp thuận lợi, tiết kiệm chi phí nhờ giảm thời gian đi lại.

“Với trường hợp hồ sơ cần chỉnh sửa, bổ sung, nếu thực hiện qua giao dịch trực tiếp tại cơ quan Hải quan, doanh nghiệp sẽ mất nhiều thời gian đi lại để chỉnh sửa, bổ sung. Nhưng với phương thức giao dịch trực tuyến, việc này sẽ được cơ quan Hải quan hướng dẫn online”- ông Đặng Nam Phong nhấn mạnh.

Doanh nghiệp cần làm gì?

Theo Cục CNTT và Thống kê Hải quan, để tham gia thực hiện tốt các dịch vụ công trực tuyến của Tổng cục Hải quan, doanh nghiệp và người dân cần tích cực tham gia các lớp đào tạo, tập huấn do cơ quan Hải quan tổ chức và chủ động nghiên cứu các thủ tục hành chính thực hiện trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến liên quan đến doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp và người dân cũng cần tích cực tham gia vào việc vận hành thử nghiệm hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến (được thực hiện từ ngày 25-1-2017).

Bên cạnh đó, từ nay đến hết năm 2016, Tổng cục Hải quan đang đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm phục vụ công tác chuẩn bị trước khi chạy thử và chạy chính thức hệ thống dịch vụ công trực tuyến, như: Chuẩn bị nguồn nhân lực, tổ chức đào tạo, tập huấn, hoàn thiện phần mềm, cơ sở hạ tầng, thông tin, tuyên truyền… Trong đó, công tác đào tạo, tập huấn cho người thực hiện dịch vụ công trực tuyến phải hoàn thành trước ngày 15-12-2016.

Cùng với đó, Tổng cục Hải quan chỉ đạo các Cục Hải quan địa phương tổ chức tuyên truyền rộng rãi về kế hoạch, nội dung triển khai dịch vụ công trực tuyến năm 2016 cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các đối tượng có liên quan biết, thực hiện, trong đó kết hợp các hình thức tuyên truyền như niêm yết tại tại trụ sở làm việc, đăng tải trên cổng thông tin điện tử, lồng ghép việc tuyên truyền thông qua các hội nghị, hội thảo tập huấn đào tạo của đơn vị và trên các phương tiện thông tin đại chúng khác…

Hệ thống dịch vụ công mới được thực hiện thế nào?

Vấn đề được không ít người dân, doanh nghiệp quan tâm là hệ thống dịch vụ công sắp được triển khai có thay thế các hệ thống hiện có?

Ông Đặng Nam Phong cho biết, hệ thống dịch vụ công trực tuyến sắp triển khai chỉ áp dụng đối với 95 thủ tục đang dừng ở cấp độ 1, và 2 của toàn Ngành. Giai đoạn trước mắt sẽ áp dụng với 46 thủ tục, 49 thủ tục còn lại sẽ được thực hiện xong trong năm 2017. Các thủ tục được tiếp nhận thông qua công thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan (www.customs.gov.vn) và cổng thông tin điện tử các Cục Hải quan địa phương. Việc xử lý được thực hiện qua một hệ thống mạng nội bộ tập trung của Tổng cục Hải quan.

Đặc biệt, một nội dung quan trọng mà Tổng cục Hải quan lưu ý người dân, cộng đồng doanh nghiệp là các thủ tục hành chính đã được thực hiện bằng phương thức điện tử thông qua Hệ thống VNACCS/VCIS (thủ tục ở dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4) và các dịch vụ được thực hiện ở các hệ thống khác (ở cấp độ 3 và 4) vẫn được thực hiện bình thường. Do đó, khi được triển khai, Hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến sẽ không thay thế Hệ thống VNACCS/VCIS, các hệ thống này sẽ chạy song song.

Theo Báo hải quan