Thời gian qua, tình trạng giá cước vận tải biển tăng, ùn tắc tại một số cảng Châu Á và thiếu container rỗng đã tác động nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Trước tình trạng này, các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã, đang thực hiện các giải pháp nhằm giữ vững và thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Trung bình mỗi tháng, doanh nghiệp này xuất khẩu khoảng 50 container hàng thủy sản, chủ yếu sang thị trường châu Âu theo hình thức hợp đồng CIF, nghĩa là bên bán trả cước vận chuyển. Thế nhưng, việc giá cước vận tải biển tăng cao trong thời gian qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ giao hàng cũng như lợi nhuận của doanh nghiệp. Để thích ứng với tình hình trên, doanh nghiệp đã phải đàm phán với khách hàng để chia sẻ, hỗ trợ chi phí vận chuyển; đồng thời khai thác thêm các thị trường gần để tiết giảm chi phí.
Ông Lê Quý Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa cho biết: “Biến động về thị trường xuất khẩu là rất lớn đặc biệt là chi phí vận tải. Chiến tranh ở trung Đông, Biển Đỏ làm chi phí vận tải tăng lên 4-5 lần, hầu hết các doanh nghiệp có hàng xuất đi EU đều gặp khó khăn về hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, với tín hiệu khách chấp nhận điều chỉnh với mình, chia sẻ khó khăn, hy vọng cuối năm xuất khẩu tốt hơn”.
Không chỉ tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp xuất khẩu, việc tăng chi phí vận tải biển đang tác động làm tăng giá cả các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Tiết giảm các chi phí để giảm giá thành; linh hoạt sắp xếp lại kế hoạch nhập nguyên liệu, tìm kiếm thị trường gần hơn, là những giải pháp quan trọng được nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá thực hiện.