Tuy vẫn còn những khó khăn, bấp cập, song đa số DN tin rằng, nếu có sự vào cuộc rốt ráo của cả bộ máy hành chính, mục tiêu đặt ra cho năm 2017 Việt Nam có môi trường kinh doanh đạt mức trung bình ASEAN 4 sẽ không bị trễ hẹn như năm 2016.
Tạo niềm tin cho DN
Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 19, Việt Nam đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Báo cáo tình hình và kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Bộ KH&ĐT cho thấy, môi trường kinh doanh tăng 9 bậc, trong đó có 5 chỉ số tăng hạng gồm: bảo vệ nhà đầu tư tăng 31 bậc nhờ những cải cách theo thông lệ quốc tế tốt của Luật Doanh nghiệp 2014; giao dịch thương mại qua biên giới tăng 15 bậc nhờ thực hiện hải quan điện tử và quản lý chuyên ngành; nộp thuế và BHXH tăng 11 bậc, thời gian được rút ngắn 230 giờ (từ 770 xuống còn 540 giờ), việc giải quyết phá sản DN tăng 1 bậc; tiếp cận điện năng tăng 5 bậc.
Cộng đồng DN ghi nhận những sự nỗ lực của Chính phủ để đạt được những kết quả trên. Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Hà Nội cho biết, môi trường kinh doanh trong năm 2016 tương đối thuận lợi cho các DN. Trước hết, chủ trương của Chính phủ đã tạo niềm tin đối với cộng đồng DN. Trong năm 2016, số lượng DN thành lập mới đã đạt kỷ lục với hơn 110.100 DN và theo các chuyên gia, năm 2017 khu vực DN tiếp tục là điểm sáng của kinh tế 2017. Đánh giá về điều này, ông Mạc Quốc Anh cho rằng, đây là yếu tố tích cực, đánh dấu một Chính phủ kiến tạo. Cơ chế thông thoáng hơn cho hoạt động của DN đã tạo niềm tin, thôi thúc các cá nhân, tổ chức hình thành nên các DN để hoạt động nghiêm túc, bài bản, chuyên nghiệp.
Trong năm qua, câu chuyện về điều kiện kinh doanh cũng làm nóng dư luận với việc cắt bỏ giấy phép con gây khó khăn cho DN. Đến cuối 2016, đầu năm 2017, đã có thêm nhiều động thái tích cực về vấn đề này. Cụ thể như việc Bộ Công Thương đã trình Chính phủ và được Chính phủ chấp thuận việc ban hành Thông tư 23/2016/TT-BCT bãi bỏ Thông tư 37/2015/TT-BCT quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm trong sản phẩm dệt may, ban hành Thông tư 36/2016/TT-BCT sửa đổi Thông tư 07/2012/TT-BCT quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng, bãi bỏ Quy hoạch thương nhân kinh doanh XK gạo đồng thời sửa đổi Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh XK gạo, đề xuất bãi bỏ chế độ cấp giấy phép NK tự động theo nội dung Thông tư số 35/2014/TT-BCT quy định việc áp dụng chế độ cấp Giấy phép NK tự động đối với một số mặt hàng phân bón. Và mới đây nhất, dự thảo nghị định về kinh doanh khí cũng đã được Bộ Công Thương soạn thảo nhằm sửa đổi những bất cập tại Nghị định 19/2015/NĐ-CP.
Ông Chu Hưng Giáp, Công ty TNHH Huy Hoàng, DN chuyên về kinh doanh khí tại Hà Nội cho biết, rất vui mừng trước thông tin Nghị định 19/2015/NĐ-CP về kinh doanh khí được đề xuất sửa đổi, điều này cho thấy cơ quan quản lý đã nhận ra những hạn chế gây trở ngại cho các DN của văn bản này. Nếu theo quy định cũ, việc xin giấy phép để trở thành thương nhân phân phối gas là vô cùng khó khăn khi thủ tục chồng chéo, thiếu logic, những điều kiện về quy mô nhà xưởng, số lượng vỏ bình… là rất cao, gây cản trở và có thể dẫn tới sự phá sản của các DNNVV đang hoạt động trong lĩnh vực này.
Điều kiện phù hợp với số đông
Tuy đã có những kết quả nhất định song thực tế là việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam chưa đạt được mục tiêu đã đề ra là năm 2016 Việt Nam sẽ đạt trung bình ASEAN 4, thậm chí với một số chỉ tiêu, chúng ta chưa đạt trung bình ASEAN 6. Điều này cho thấy trên thực tế còn tồn tại nhiều rào cản, gây trở ngại cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, nhất là những quy định về điều kiện kinh doanh, quản lý chuyên ngành.
“Cái quan trọng nhất khi ban hành điều kiện kinh doanh là để các DN ở các quy mô khác nhau đều áp dụng được, còn đưa ra điều kiện để hạn chế DNNVV, trong khi chính DNNVV lại hiệu quả hơn DN lớn là không nên. Quan điểm của chúng tôi là khi ban hành các điều kiện kinh doanh phải thỏa mong muốn của đa số cộng đồng DN, không nên trở thành công cụ để DN lớn chặn DNNVV”, ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Phúc An, DN chuyên về NK ô tô cho biết, ngành sản xuất, lắp ráp và kinh doanh xe ô tô vừa được đưa vào danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Hiện nay các DN NK ô tô nhỏ lẻ cảm thấy “oải”, gần như án binh bất động, giẫm chân tại chỗ. Hầu hết các DN này chỉ biết chờ đợi qua năm 2018 khi thuế NK ô tô từ ASEAN xuống thấp để xem các chính sách NK ô tô có thay đổi gì không, còn hiện nay “chúng tôi không dám NK vì chi phí cao, dẫn tới giá cao và không cạnh tranh được”.
Dưới góc độ khác, bà Nguyễn Hồng Thu, Giám đốc một DN XNK trái cây tại Cần Thơ cho biết, sự nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ đã đem lại thuận lợi hơn cho các DN. Tuy nhiên, điều này làm cho một số DN dễ dãi, lơ là về chất lượng, về quản lý, gây ảnh hưởng khi các DN còn cạnh tranh nhau ở thị trường nước ngoài. Theo bà Hồng Thu, hiện nay càng XK được nhiều hàng thì càng phải tăng cường chất lượng hơn nữa, có như vậy mới đảm bảo DN không bị rủi ro. Một DN làm ẩu, gặp rủi ro thì sẽ ảnh hưởng đến các DN khác và ảnh hưởng đến Việt Nam nói chung.
Theo ông Mạc Quốc Anh, năm 2017 mục tiêu môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt trung bình ASEAN 4 nhiều khả năng sẽ đạt được, nhưng có hai vấn đề, một là quản trị nền hành chính quốc gia còn kém, vẫn ở mức hô hào khẩu hiệu, chúng ta phải quan tâm chặt chẽ để đạt hiệu quả, đồng thời cần quan tâm tới quản trị của các DN liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế. Chưa kể, lấy dẫn chứng việc chúng ta bãi bỏ Thông tư 44 về NK thép nhưng ban hành Thông tư 58 còn gây khó khăn hơn rất nhiều, ông Mạc Quốc Anh cho rằng, nếu đã xóa giấy phép con thì không nên ban hành các văn bản để ngăn cản môi trường kinh doanh, không nên bịt cái nọ nhưng lại nẩy ra cái kia làm cho môi trường kinh doanh của DN càng khó khăn hơn cái cũ.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Hà Nội cho biết, nếu đã xóa giấy phép con thì không nên ban hành các văn bản để ngăn cản môi trường kinh doanh, không nên bịt cái nọ nhưng lại nẩy ra cái kia làm cho môi trường kinh doanh của DN càng khó khăn hơn cái cũ. |
Theo báo Hải quan