Song song với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, cơ quan hải quan còn nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó, đề xuất bãi bỏ thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc là một những hoạt động nổi bật mà Tổng cục Hải quan triển khai trong thời gian vừa qua. 

Trong những năm gần đây, Tổng cục Hải quan luôn là đơn vị tiên phong trong cải cách, hiện đại hóa, tạo thuận lợi thương mại. Ứng dụng công nghệ thông tin được cơ quan hải quan xác định vừa là yêu cầu, vừa là giải pháp quan trọng nhất để hiện thực hóa các mục tiêu của tiến trình cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan.

Đến nay, thông qua các hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) gồm: Hệ thống Thông quan tự động VNACCS/VCIS; Cổng thông tin một cửa quốc gia; Cổng thanh toán điện tử, Hệ thống HQ36a, ngành Hải quan đã cung cấp DVCTT mức độ 3,4 cho 200/236 thủ tục hành chính chiếm 85% tổng số thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan. Trong đó, có 194 thủ tục đã được cung cấp DVCTT ở mức độ 4 (đạt tỷ lệ 82,2%) và đều là những thủ tục cốt lõi của ngành Hải quan.

Nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp, trong những năm gần đây, Tổng cục Hải quan càng chú trọng hơn nữa việc phối hợp với các bên liên quan, thúc đẩy kết nối giữa các bộ ngành với mục tiêu hướng đến là cải cách thủ tục hành chính và tạo thuận lợi thương mại. Tổng cục Hải quan đã có nhiều đề xuất nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, trong đó đề xuất bãi bỏ thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc là một những hoạt động nổi bật mà Tổng cục Hải quan triển khai trong thời gian vừa qua.

Trước đây, khi làm thủ tục đăng ký phương tiên giao thông cơ giới đường bộ có nguồn gốc nhập khẩu, chủ phương tiện phải nộp cho cơ quan đăng ký chứng từ chứng minh phương tiện có nguồn gốc nhập khẩu là tờ khai nguồn gốc xe ô tô, xe gắn máy nhập khẩu theo mẫu của Bộ Tài chính. Tuy nhiên thủ tục cấp tờ khai nguồn gốc theo quy định rất phức tạp, phải qua 5 lần thực hiện thủ tục hành chính, gây tốn kém cho các cơ quan quản lý và doanh nghiệp nhập khẩu (cơ quan hải quan mất từ 1-2 giờ làm việc để xử lý 01 bộ tờ khai nguồn gốc, doanh nghiệp nhập khẩu mất ít nhất từ 02 đến 05 ngày làm việc để chuẩn bị hồ sơ và nhận kết quả, chi phí làm hồ sơ và đi lại bình quân khoảng 100.000 đồng/01 tờ khai). Thêm vào đó, việc kiểm tra đối chiếu thông tin trên bộ hồ sơ tờ khai hải quan với thông tin trên tờ khai nguồn gốc được thực hiện thủ công nên mất nhiều thời gian và dễ xảy ra sai xót, nhầm lần.

Chính vì vậy, Bộ Tài chính đã thống nhất với các Bộ: Quốc Phòng, Công an, Giao thông Vận tải và có Tờ trình số 11098/BTC-TCHQ ngày 14/9/2020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất bãi bỏ thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nhập khẩu. Nội dung đề xuất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và được thông qua theo Nghị quyết số 169/NQ-CP ngày 11/11/2020.

Để triển khai Nghị quyết số 169/NQ-CP, Bộ Tài chính đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ giao Thông vận tải và các cơ quan liên quan để thống nhất giải pháp triển khai cung cấp DVCTT trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đối với thủ tục cấp đăng ký, biển số xe. Theo đó, dữ liệu từ các cơ quan thuế, đăng kiểm, hải quan sẽ được chuyển đến cơ quan đăng ký xe của Bộ Công an để thực hiện cấp Giấy đăng ký phương tiện cho cá nhân, tổ chức theo quy định tại Thông tư số 58/2020/TT-BCA của Bộ Công an.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 14650/BTC-TCHQ ngày 30/11/2020 hướng dẫn việc khai và chia sẻ dữ liệu phương tiện giao thông đường bộ nhập khẩu. Theo đó, các thông tin chi tiết của phương tiện nhập khẩu sẽ được khai báo đồng thời với việc khai báo tờ khai hải quan và được cơ quan hải quan tổng hợp, chia sẻ tới các cơ quan liên quan; Cơ quan hải quan cũng  dừng thực hiện thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc từ ngày 01/12/2020 đối với các phương tiện giao thông đường bộ nhập khẩu thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư 58/2020/TT-BCA của Bộ Công an.

Để tổ chức triển khai thực hiện thống nhất, Tổng cục Hải quan phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông tổ chức hướng dẫn cho các doanh nghiệp nhập khẩu phương tiện thực hiện thủ tục khai báo khi làm thủ tục nhập khẩu và đăng ký phương tiện; đồng thời tăng cường hỗ trợ những vướng mắc của doanh nghiệp nhập khẩu, cũng như chủ phương tiện khi thực hiện đăng ký phương tiện giao thông đường bộ.

Tính từ khi bắt đầu triển khai thí điểm đến nay, cơ quan hải quan đã đồng bộ cung cấp thông tin cho hơn 155 nghìn phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nhập khẩu. Việc triển khai thực hiện bãi bỏ thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc đối với phương tiện giao thông đường bộ nhập khẩu cho thấy đã mang lại nhiều lợi ích cho cơ quan quản lý, người dân và doanh nghiệp; nhiều thủ tục, giấy tờ không cần thiết đã được bãi bỏ; các dữ liệu nguồn gốc của phương tiện trên hệ thống đảm bảo độ chính xác; qua đó đã hạn chế được tình trạng làm giả hồ sơ giấy tờ, phù hợp với bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, sử dụng Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Cũng trong nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năm 2017, Cơ quan Hải quan cũng đã triển khai cung cấp thông tin tờ khai hải quan điện tử theo Quyết định số 33/2016/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế cung cấp, sử dụng thông tin tờ khai hải quan điện tử.

Theo đó, Cổng Thông tin tờ khai hải quan đã ra đời trong nỗ lực kết nối với các bộ ngành của cơ quan Hải quancung cấp tờ khai hải quan điện tử để thực hiện các thủ tục về thuế, cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, thủ tục thanh toán qua ngân hàng và các thủ tục hành chính khác; chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Đối tượng sử dụng thông tin trên Cổng thông tin tờ khai hải quan gồm:

– Các cơ quan quản lý nhà nước sử dụng thông tin tờ khai hải quan điện tử để thực hiện các thủ tục về thuế, cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và các thủ tục hành chính khác; kiểm tra tính hợp pháp của hàng hóa lưu thông trên thị trường;

– Các tổ chức tín dụng sử dụng thông tin tờ khai hải quan điện tử để thực hiện các thủ tục về thuế, thủ tục thanh toán qua ngân hàng;

– Các tổ chức cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được Bộ Công Thương ủy quyền.

Việc sử dụng thông tin tờ khai hải quan điện tử đã góp phần tích cực thực hiện các nội dung giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, cũng như kết nối chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức quản lý, kiểm tra chuyên ngành và với cơ quan hải quan như mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ.