Xôn xao thu phí cảng biển Hải Phòng: Đến lượt Hội doanh nhân trẻ kiến nghị Thủ tướng

Tiếp tục có động thái mới của cộng đồng DN phản ứng với việc thu “Phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu” qua cảng biển Hải Phòng. Mới đây nhất, Diễn đàn kinh tế tư nhân (VPSF) thuộc Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Tiếp tục có những phản ứng mới từ cộng đồng DN đối với việc thu phí hàng hóa XNK ở cảng Hải Phòng. Ảnh: T.Bình.

Trong văn bản do ông Trần Anh Vương- Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam kiêm Tổng thư ký VPSF ký gửi Thủ tướng, VPSF cho rằng: Việc thu phí “Phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu” qua cảng biển Hải Phòng (theo Nghị quyết số 148/2016/HĐND của HĐND TP.Hải Phòng) có nhiều điểm bất ổn.

Theo quy định của Luật Phí và lệ phí có hiệu lực từ ngày 1-1-2017, “Phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu” thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định.

Thứ nhất, có hiện tượng phí chồng phí, làm gia tăng gánh nặng lớn cho doanh nghiệp. Theo VPSF phân tích hiện các DN hiện đã chịu nhiều chi phí sau tại cửa khẩu cảng biển Hải Phòng: phí vận chuyển, phí D/O, phí handling, phí vệ sinh container, phí THC, phí B/L, phí AMS, phí Telex, RL, phí CY moniter, phí Seal charge, phí CB Lissur, phí cân tải trọng container, phí Ex doc… Các phí này doanh nghiệp nộp qua thành phố qua các công ty được TP.Hải Phòng kinh doanh dịch vụ cầu cảng, kho bãi có sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng ở khu vực cảng biển.

Thứ hai, mức phí do Chính quyền Hải Phòng đưa ra quá cao và không chứng minh được nguyên tắc thu phí là để “cơ bản bảo đảm bù đắp chi phí” quy định tại Điều 8, Luật phí và lệ phí năm 2015, cũng như quy định về phí của các bên tham gia WTO.

Thứ ba, phân biệt đối xử nghiêm trọng giữa hàng hóa thông quan tại cửa khẩu cảng biển Hải Phòng với hàng hóa chuyển cảnh, quá cảnh, tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan.

Thứ tư, không tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo Diễn đàn Kinh tế tư nhân, quá trình ban hành Nghị quyết 148, Hải Phòng không thực hiện đánh giá tác động và lấy ý kiến các đối tượng có liên quan, nhất là các đối tượng chịu tác động trực tiếp của quy định.

Thứ năm, làm phát sinh thủ tục nộp phí mà chưa có đánh giá tác động cần thiết khiến hàng nghìn doanh nghiệp mất thêm thời gian và chi phí…

Trước những bất cập được nêu trên, VPSF đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng việc thu phí tại Hải Phòng và xem xét lại toàn bộ quy định.

Trao đổi thêm với phóng viên Báo Hải quan ngày 16-1, một lãnh đạo VPSF cho biết thêm, hiện nay các Hiệp hội chủ hàng chính như Dệt May, Da giầy, Thuỷ hải sản, Bông sợi đều đã gửi VPSF văn bản phản ánh khó khăn liên quan đến việc thu phí ở Hải Phòng.

Trước đó Báo Hải quan đã có nhiều bài phản ánh về khó khăn, bất cập đối với cộng đồng DN liên quan đến việc thu phí tại cảng biển Hải Phòng.

Việc thu phí được Hải Phòng thực hiện từ ngày 1-1-2017 theo Nghị quyết 148 nêu trên. Điểm mới trong Nghị quyết 148 so với trước đây là bổ sung đối tượng thu phí liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thông thường thông qua khu vực cảng Hải Phòng. Theo đó, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu sẽ phải chịu mức phí 250 nghìn đồng/container 20 feet; và 500 nghìn đồng/container 40 feet; đối với hàng rời, hàng lỏng mức phí là 20 nghìn đồng/tấn.

Các mức phí với hàng hóa tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan, quá cảnh, chuyển cửa khẩu được giữ nguyên như năm 2016, cụ thể như sau:

Với hàng hóa tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan (trừ trường hợp hàng hóa chuyển cửa khẩu theo quy định tại Khoản 2 Điều 89 Thông tư 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính), hàng khô loại 20 feet có mức phí 2,2 triệu đồng/container; hàng khô loại 40 feet có mức phí 4,4 triệu đồng/container; hàng lạnh loại 20 feet có mức phí 2,3 triệu đồng/container; hàng lạnh loại 40 feet có mức phí 4,6 triệu đồng/container; hàng lỏng, hàng rời có mức phí 50 nghìn đồng/ tấn.

Đối với hàng quá cảnh, chuyển cửa khẩu được quy định tại Khoản 2 Điều 89 Thông tư 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, mức phí là 500 nghìn đồng/ container 20 feet; 1 triệu đồng/ container 40 feet; hàng trong container đóng ghép (của nhiều chủ hàng) 50 nghìn đồng/ tấn; hàng rời không đóng trong container là 2 nghìn đồng/tấn.

Theo báo Hải quan