Sữa và các sản phẩm từ sữa là sản phẩm thiết yếu. Do đó, nhu cầu về sữa cũng tốc độ tăng trưởng của thị trường vẫn luôn giữ được ở mức 2 còn số. Tuy nhiên, năng lực sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu nội địa. Đặc biệt tại thời điểm mà thu nhập trung bình của Việt Nam ngày càng tăng, sự quan tâm của người tiêu dùng đến mặt hàng tốt cho sức khỏe như sữa luôn ở mức cao. Trên thị trường hiện có nhiều loại sữa nhập khẩu: sữa tươi, sữa bột nguyên kem, sữa đặc, sữa chua, sữa công thức,…
Vậy thủ tục để nhập khẩu mặt hàng này như nào, và các chi phí ra sao? Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn doanh nghiệp các quy định về nhập khẩu kinh doanh sản phẩm sữa.

Phân loại sản phẩm sữa nhập khẩu

Sữa và các sản phẩm từ sữa bò khá đa dạng. Với mỗi loại sẽ được phân loại mã HS riêng. Bao gồm:

– Sữa nguyên liệu: HS 0401.10.10; 0401.10.90; 0401.20.10; 0401.20.90; 0401.40.10; 0401.40.20; 0401.40.90; 0401.50.10; 0401.50.90

– Sữa uống liền: HS 2202.90.10; 2202.90.20; 2202.90.30; 2202.90.90

– Sữa bột: HS 0402.10.41; 0402.10.49; 0402.10.91; 0402.10.99

Bạn có thể tham khảo phân loại hàng hóa và thuế nhập khẩu qua trang web của Tổng cục Hải quan tại đây.

Thủ tục cần thiết nhập khẩu sữa bò vào Việt Nam

Theo quy định, sản phẩm sữa bò không nằm trong danh mục hàng hóa cấm xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, để nhập khẩu được mặt hàng này, doanh nghiệp cần làm các thủ tục theo quy định:

– Tự công bố sản phẩm

– Làm kiểm dịch động vật

– Đăng ký An toàn thực phẩm

Hướng dẫn chi tiết các thủ tục nhập khẩu các loại sữa như sau:

1. Tự công bố sản phẩm

Đây là bước quan trọng, bắt buộc phải làm trước khi đưa hàng về. Doanh nghiệp cần nhập khẩu mẫu về trước để làm tự công bố sản phẩm. Thời gian làm tự công bố thường là 10-15 ngày làm việc. Để tiết kiệm chi phí và thời gian làm việc, bạn nên sử dụng một đơn vị dịch vụ chuyên nghiệp cho phần việc này.

2. Đăng ký kiểm dịch – Xin giấy phép nhập khẩu sữa bột

Bên cạnh tự công bố sản phẩm, doanh nghiệp bắt buộc phải xin giấy phép, hay đăng ký kiểm dịch cho hàng sữa bột trước khi đưa hàng về. Có một số lưu ý tại bước đăng ký kiểm dịch:

– Hình thức nộp: online qua Hệ thống một cửa quốc gia

– Bộ hồ sơ cần chuẩn bị:

(1) Đơn đăng ký kiểm dịch nhập khẩu theo mẫu 19, luật Thú y: 01 bản scan

(2) Health certificate của nước xuất khẩu: 01 bản scan

(3) Công văn cam kết Health: 01 bản scan

(4) Ngoài ra, Cục thú y có thể yêu cầu cung cấp mã số nhà máy sản xuất (certificate of registration)

– Thời gian: sau 2-3 ngày, Cục kiểm dịch sẽ ra Công văn hướng dẫn kiểm dịch

 

3. Khai báo kiểm dịch

Sau khi Cục Thú y có Văn bản đồng ý cho Kiểm dịch và chỉ định cơ quan làm kiểm dịch lô hàng, doanh nghiệp tiến hành khai báo kiểm dịch theo hướng dẫn, nhận giấy chứng nhận kiểm dịch/chứng thư kiểm dịch. Tại bước này, doanh nghiệp cần phải khai báo bằng cả 2 hình thức: online và hồ sơ giấy.

3.1 Khai báo online trên hệ thống một cửa quốc gia

Doanh nghiệp tiến hành khai báo thông tin theo mẫu trên hệ thống một cửa quốc gia. Đồng thời đính kèm các chứng từ cần thiết:

– Bill, IV của lô hàng (bản scan)

– Health certificate (bản scan)

– Chứng nhận mã nhà sx,…(bản scan đính kèm online)

3.2 Nộp hồ sơ giấy tại chi cục kiểm dịch động vật

Sau khi đăng kí trên hệ thống một cửa, doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ bộ hồ sơ giấy nộp tại Chi cục kiểm dịch động vật:

– In đơn khai báo từ hệ thống 1 cửa, ký đóng dấu

– Vận đơn, Hóa đơn thương mại: 1 bản chụp

– Health certificate: bản gốc

– Văn bản đồng ý kiểm dịch của Cục thú y: in từ hệ thống một cửa

– Giấy báo hàng đến

3.3 Lấy mẫu kiểm dịch và cấp chứng thư kiểm dịch

Sau khi bộ hồ sơ được tiếp nhận, cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu sẽ thông báo thời gian, địa điểm tiến hành kiểm dịch và cấp chứng thư. Có một số lưu ý ở bước này:

– Trong trường hợp lô hàng không phải lấy mẫu, chứng thư kiểm dịch sẽ được cấp trong vòng 1-2 ngày làm việc

– Đối với lô hàng phải lấy mẫu, thời gian cấp chứng thư là 4-5 ngày làm việc. Thông thường, tần suất lấy mẫu là 5 lô lấy mẫu 1 lần

4. Kiểm tra nhà nước về An toàn vệ sinh thực phẩm

Khi có giấy báo hàng về, song song với việc đăng kí và khai báo kiểm dịch động vật, doanh nghiệp phải đăng kí kiểm tra nhà nước về An toàn vệ sinh thực phẩm. Kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm thường được thực hiện bởi 1 bên thứ ba do Cơ quan nhà nước chỉ định: Quatest 1, Vinacontrol,…

Bộ hồ sơ đăng kí kiểm tra An toàn thực phẩm bao gồm:

– Giấy đăng ký KTATTP nhập khẩu

– Bản tự công bố sản phẩm: bản chụp

– Vận đơn: bản chụp

– Invoice: bản chụp

– Tờ khai hải quan

Thời gian kiểm tra an toàn thực phẩm là tứ 2-3 ngày làm việc.

Thủ tục hải quan cho hàng sữa bò nhập khẩu

Trình tự làm hải quan như sau:

Bước 1: Khai truyền hải quan trên hệ thống hải quan VNACSS/VCIS

Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ hải quan. Bao gồm:Tờ khai hàng hóa nhập khẩu; Hóa đơn thương mại (1 bản); Vận tải đơn (1 bản); Giấy chứng nhận kiểm dịch (1 bản); Chứng thư vệ sinh an toàn thực phẩm (1 bản); Giấy tiếp nhận đăng ký bản tự công bố sản phẩm (1 bản); Tờ khai trị giá (2 bản); Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (1 bản)

Bước 3: Doanh nghiệp tiến hành mở tờ khai tại cửa khẩu:

– Luồng xanh: Miễn kiểm tra hồ sơ giấy và miễn kiểm tra thực tế hàng hóa. Lô hàng được cơ quan hải quan chấp nhận thông quan thì chuyển sang bước

– Luồng vàng: Kiểm tra hồ sơ hải quan

– Luồng đỏ: kiểm hóa thực tế hàng hóa

Bước 4: Doanh nghiệp in tờ khai đã thông quan để lấy hàng

Vận chuyển hàng sữa bò nhập khẩu

Vận chuyển đường biển

Sữa và hàng hóa thực phẩm thông thường được vận chuyển bằng container lạnh (20 FT hoặc 40 FT), tuy thuộc vào số lượng. Cont 20 FT hay cont 40 FT có kích thước và dung tích giống với container thông thường, nhưng được thiết kế có bình làm lạnh. Điều này đảm bảo chất lượng và an toàn cho các hàng hóa yêu cầu về nhiệt độ: làm mát, làm lạnh, cấp đông.

Có lưu ý khi vận chuyển và làm thủ tục cho hàng đông lạnh là container cần được cắm điện để duy trì nhiệt độ. Do đó, khi vận chuyển container đông lạnh bằng đường bộ từ nhà máy ra cảng, xe đầu kéo phải có máy phát. Thủ tục hải quan phải được thực hiện nhanh để giảm tối thiểu thời gian lưu bãi.

Vận chuyển đường hàng không

Bên cạnh vận chuyển bằng đường biển, vận chuyển bằng đường hàng không là lựa chọn thứ hai cho sữa và các sản phẩm từ sữa. Các mặt hàng vận chuyển bằng đường hàng không thường là hàng mẫu, hàng có giá trị, hàng dự án, hàng từ thiện

Khác với vận chuyển bằng tàu biển, hàng đông lạnh khi lên máy bay phải được bảo quản bằng đá khô. Khoang lạnh máy bay có nhiệt độ thấp nhất từ 0-8 độ C. Với thời gian bay từ 8-12 tiếng, hàng hóa vẫn sẽ được bảo quản ở điều kiện tốt nhất với đá khô. Khi máy bay hạ cánh hoặc chuyển tại, hàng hóa sẽ được bảo quản ở kho lạnh của ga hàng không (sân bay). Nhiệt độ trong kho lạnh có thể điều chỉnh linh hoạt đến thấp nhất -16 độ C.