Đối thủ cạnh tranh về rau quả của Việt Nam chủ yếu hiện nay tập trung vẫn là Trung Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Indonesia.
Xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong 3 năm gần đây liên tục tăng trưởng mạnh. Cụ thể, năm 2014 tăng 28,4%, năm 2015 tăng 23,7% và tăng cao nhất là năm 2016 với mức tăng 33,6%, đạt 2,46 tỉ USD.
Trong năm 2016, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất các loại rau quả của Việt Nam với mức tăng trưởng cao 45,8% đạt kim ngạch 1,74 tỉ USD; tiếp theo là Mỹ tăng 44,2% đạt 84,5 triệu USD, EU tăng 22,1% đạt 93,2 triệu USD; Hàn Quốc tăng 23,4% đạt 82,6 triệu USD; ASEAN tăng 14,3% đạt 133,7 triệu USD…
Đối thủ cạnh tranh về rau quả của Việt Nam chủ yếu hiện nay tập trung vẫn là Trung Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Indonesia.
Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan công bố cũng cho thấy, xuất khẩu rau quả tính đến ngày 15/3 vẫn tăng trưởng tốt, dù mức tăng này có chậm lại so với năm trước. Theo đó, xuất khẩu rau quả đạt gần 543 triệu USD, tăng khoảng 26% so với cùng kì năm trước.
Tuy vậy, theo đánh giá của Bộ Công Thương, xuất khẩu rau quả vẫn đối mặt với một số khó khăn, thách thức, cụ thể như: Biến động thời tiết bất thường ngày càng nhiều tác động mạnh đến sản xuất rau quả của Việt Nam; sức ép cạnh tranh ngày càng cao từ các nước đối thủ như Thái Lan, Indonesia, Myanmar… kể cả về chủng loại, mẫu mã, chất lượng.
Đáng chú ý, tình trạng sản xuất manh mún, các công nghệ chế biến sau bảo quản còn hạn chế gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm xuất khẩu, nhất là các loại rau quả có đặc tính thời vụ cao. Chúng ta thường xuyên gặp các rào cản kĩ thuật tại thị trường xuất khẩu và gặp khó khăn trong việc mở cửa thị trường.
Trên thực tế, hàng nông sản của Việt Nam, trong đó có mặt hàng rau quả vẫn chủ yếu là xuất khẩu thô. Bằng chứng là lượng rau quả của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn chiếm tỉ lệ lớn.
Chỉ một số ít mặt hàng hiện đã xuất khẩu sang được thị trường “có yêu cầu cao về tiêu chuẩn, chất lượng” như nhãn, vải thiều, thanh long vào thị trường Mỹ; vải thiều vào thị trường Australia, Malaysia, EU (Pháp, Đức, Anh, Hà Lan); thanh long, xoài vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc; cam, quýt, thanh long vào thị trường Singapore…
Với mục tiêu chung là hướng xuất khẩu vào chiều sâu thay vì phát triển về quy mô và tốc độ như thời gian qua, theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần chú trọng đến chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc rau quả Việt Nam sẽ khắc phục được hạn chế quá phụ thuộc vào một vài thị trường.