Nhằm thực hiện tốt yêu cầu quản lý nhà nước đối với hàng hóa XNK thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành (KTCN), Tổng cục Hải quan đang yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố tiến hành rà soát lại các chính sách quản lý đối với hàng hóa XNK trên cơ sở kết quả rà soát của Tổng cục.
Thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã rà soát các thủ tục hành chính quy định về chính sách quản lý với hàng hóa XNK như giấy phép XK, giấy phép NK, thông báo đạt/miễn kiểm tra chất lượng/an toàn thực phẩm/kiểm dịch… và các giấy tờ/chứng từ yêu cầu cung cấp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan mà không phải là kết quả thủ tục hành chính của các bộ, ngành – hay nói cách khác là các điều kiện để NK hàng hóa.
Theo danh sách Tổng cục Hải quan rà soát, hiện có khoảng 270 thủ tục hành chính/chính sách quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa XNK. Trong đó, một số Bộ, ngành có số lượng thủ tục hành chính/quản lý chuyên ngành nhiều là: Bộ Công Thương khoảng gần 100 thủ tục hành chính; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khoảng 58 thủ tục hành chính, Bộ Y tế khoảng 40 thủ tục hành chính, Bộ Giao thông vận tải khoảng 14 thủ tục hành chính…
Cụ thể, Tổng cục Hải quan yêu cầu đối với mỗi thủ tục hành chính/chính sách quản lý, các đơn vị phải rà soát các nội dung đã đúng và đủ chưa, cụ thể các nội dung như: Bộ, ngành nào ban hành văn bản quy định quản lý; loại chính sách quản lý như: Cấm, giấy phép, hạn ngạch, kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật…
Đồng thời, rà soát tên thủ tục hành chính/chính sách quản lý (ví dụ như cấp giấy phép NK, cấp thông báo kiểm tra nhà nước về chất lượng…); kết quả thủ tục hành chính (TTHC); hiệu lực của kết quả TTHC; điều khoản áp dụng; căn cứ pháp lý; danh mục hàng hóa áp dụng; thời điểm xuất trình/nộp chứng từ. Đối tượng loại trừ cũng là một trong những nội dung yêu cầu phải rà soát.
Đợt rà soát này là nhằm tiếp tục hoàn thiện việc mã hóa các chứng từ KTCN và quản lý chuyên ngành để đồng bộ việc trao đổi thông tin giữa Hệ thống một cửa và hệ thống VNACCS/VCIS của cơ quan Hải quan.
Công tác rà soát, mã hóa các văn bản quy phạm pháp luật quy định về chính sách quản lý hàng hóa XNK giúp tăng cường quản lý nhà nước với hàng hóa XNK thuộc diện KTCN.