Nhiều thay đổi trong cơ cấu, tổ chức của ngành Hải quan

So với trước, cơ cấu, tổ chức của ngành Hải quan đã giảm 39 đầu mối cấp phòng, chi cục và tương đương, cùng với đó, để tránh sự chồng chéo giữa các đơn vị, hệ thống bộ máy tổ chức Hải quan đã được thay đổi, sắp xếp lại từ cấp Tổng cục đến Cục và chi cục. Sự thay đổi này để nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Hải quan, đảm bảo việc quản lý tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương.

Hoạt động nghiệp vụ Hải quan tại Chi cục Hải quan Cảng Cái Lân- Quảng Ninh.

Tinh gọn đầu mối tại cơ quan Tổng cục

Triển khai Quyết định số 65/QĐ-TTg ngày 17-12-2015 của Thủ tướng Chính phủ về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính, Bộ Tài chính đã ban hành 15 Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức đối với 15 Vụ, Cục thuộc Tổng cục Hải quan.

Đáng chú ý, tại các Vụ thuộc Tổng cục Hải quan (Vụ Pháp chế, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Thanh tra- Kiểm tra; Vụ Hợp tác quốc tế) không thành lập tổ chức cấp phòng theo tinh thần của Nghị Quyết 39/NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị và Quyết định 2218/QĐ-TTg ngày 10-2-2015 của Thủ tướng Chính phủ… Theo đó, tại các Vụ làm việc theo chế độ chuyên viên.

Đặc biệt trong đó là các Quyết định thành lập Cục Quản lý rủi ro trên cơ sở Ban Quản lý rủi ro, thành lập Cục Tài vụ – Quản trị trên cơ sở Vụ Tài vụ – Quản trị, thành lập Cục Kiểm định Hải quan trên cơ sở Trung tâm phân tích, phân loại hàng hóa XNK, đổi tên Thanh tra Tổng cục thành Vụ Thanh tra – Kiểm tra.

Nhiệm vụ chính của các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan sẽ tập trung vào việc hoạch định, xây dựng chính sách, hướng dẫn và kiểm tra thực hiện các chính sách.

Có thể thấy, với mục tiêu cơ cấu lại các đầu mối, tổ chức tinh gọn, hợp lý trong toàn ngành Hải quan, các Quyết định trên được xây dựng theo hướng đồng bộ các Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quy định cụ thể về tổ chức bộ máy từ cấp Vụ, Cục đến các Phòng tại cơ quan Tổng cục Hải quan đảm bảo việc quản lý tập trung, thống nhất, tránh sự chồng chéo giữa các đơn vị, hệ thống bộ máy tổ chức Hải quan.

Sắp xếp hợp lý tổ chức của Cục Hải quan tỉnh, thành phố

Với Quyết định 1919/QĐ-BTC ngày 6-9-2016 Bộ Tài chính đã quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. So với quy định cũ, Quyết định mới này đã thay đổi khá nhiều về cơ cấu, tổ chức của các Cục Hải quan như rút gọn các phòng thuộc khối đơn vị tham mưu; sắp sếp lại lực lượng kiểm tra sau thông quan và kiểm soát hải quan tại các Cục Hải quan tỉnh, thành phố.

Được biết, triển khai Quyết định số 65/2015/QĐ-TTg, Tổng cục Hải quan đã tiến hành rà soát, đánh giá quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục theo Quyết định 02/2010/QĐ-TTg ngày 15-01-2010. Trên cơ sở kết quả rà soát, quy định tại Luật Hải quan 2014, các văn bản có liên quan. Việc quy định lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trong quá trình thực hiện theo Quyết định 02/2010/QĐ-TTg. Đồng thời để đáp ứng yêu cầu của phương thức quản lý hải quan mới trên cơ sở áp dụng, triển khai các chương trình cải cách hiện đại hóa hải quan: Hệ thống VNACCS/VCIS; cơ chế 1 cửa quốc gia và 1 cửa ASEAN,…

Theo Quyết định mới của Bộ Tài chính, cơ cấu tổ chức của Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố được xây dựng theo hướng giảm đầu mối tham mưu của Cục hải quan để tăng cường đầu mối cho cấp trực tiếp thực hiện nhiệm vụ (cấp Chi cục Hải quan) để phù hợp với khối lượng, tính chất công việc và đặc thù địa bàn quản lý của từng Cục Hải quan, đảm bảo tinh gọn, hiệu lực hiệu quả.

Cụ thể, về Phòng Thanh tra và Phòng tổ chức cán bộ, sẽ tổ chức Phòng Thanh tra – Kiểm tra độc lập tại 3 các Cục Hải quan lớn, sáp nhập 17 Phòng Thanh tra còn lại vào Phòng tổ chức cán bộ thành Phòng tổ chức cán bộ – Thanh tra. Đổi tên Phòng tổ chức cán bộ của Cục Hải quan Bắc Ninh thành Phòng tổ chức cán bộ – Thanh tra, giải thể 3 Phòng tổ chức cán bộ còn lại.

Sắp sếp lại lực lượng KTSTQ và kiểm soát hải quan theo quyết định mới, các Chi cục Hải quan, Chi cục kiểm tra sau thông quan (KTSTQ), Đội Kiểm soát Hải quan, Đội Kiểm soát phòng, chống ma túy trực thuộc các Cục Hải quan cũng có nhiều thay đổi so với trước.

Đối với các Chi cục KTSTQ, đáp ứng yêu cầu thực hiện quy định mới của Luật Hải quan 2014 vừa phù hợp với nội dung Đề án tăng cường năng lực kiểm tra sau thông quan đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Vì vậy, Quyết định 1919/QĐ-BTC quy định chỉ còn 21 Cục Hải quan có Chi cục KTSTQ bao gồm các Cục Hải quan: Bà Rịa- Vũng Tàu; Bắc Ninh; Bình Dương; Bình Định; Cần Thơ; Đà Nẵng; Đồng Nai; Hà Tĩnh; Hà Nội; Hải Phòng; TP.HCM; Lạng Sơn; Lào Cai; Long An; Nghệ An; Quảng Nam; Quảng Ninh; Quảng Ngãi; Quảng Trị; Tây Ninh; Thanh Hóa.

Quy định lại cơ cấu lực lượng chống buôn lậu, tại một số Cục Hải quan đã sáp nhập Phòng Chống buôn lậu và xử lý vi phạm vào Đội Kiểm soát hải quan hoặc tại những địa phương không phải là địa bàn nóng về ma túy đã sáp nhập Đội phòng chống ma túy vào Đội kiểm soát hải quan, theo đó có những đơn vị hải quan sẽ chỉ có một đầu mối kiểm soát nhằm tập trung, tạo thành một khối thống nhất tăng cường sức mạnh cho lực lượng kiểm soát hải quan.

Cụ thể, 22 Cục Hải quan chỉ còn Đội kiểm soát là: Thừa Thiên Huế; Quảng Ngãi; Quảng Nam; Quảng Bình; Lào Cai; Lạng Sơn; Khánh Hòa; Hà Nam Ninh; Hải Phòng; Hà Giang; Gia Lai- Kon Tum; Đồng Tháp; Đồng Nai; Đăk Lăk; Cần Thơ; Cao Bằng; Cà Mau; Bình Phước; Bình Định; Bình Dương; Bắc Ninh; Bà Rịa- Vũng Tàu.  Những Cục Hải quan còn lại vẫn giữ nguyên Đội Kiểm soát hải quan và Đội phòng chống ma túy.

Theo phân tích của đại diện Vụ Tổ chức cán bộ- Tổng cục Hải quan, việc quy định cơ cấu tổ chức theo hướng mới sẽ đáp ứng yêu cầu của khối lượng, địa bàn quản lý ngày càng tăng và tính chất công việc ngày càng phức tạp. Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của cấp Tổng cục đối với Cục Hải quan và đặc biệt là cấp Chi cục Hải quan. Qua đó, không bỏ sót chức năng, nhiệm vụ; hạn chế tối đa việc chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị; một nhiệm vụ giao cho một đấu mối chủ trì và một đầu mối thực hiện tham mưu nhiều lĩnh vực. Tinh giảm tổ chức bộ máy cấp trung gian (Cục Hải quan) để tăng cường tổ chức bộ máy và nhân sự cho cấp chỉ đạo, điều hành (cấp Tổng cục) và cấp trực tiếp thực hiện nhiệm vụ (cấp Chi cục Hải quan).

 

Triển khai Quyết định số 65/QĐ-TTg ngày 17-12-2015 của Thủ tướng Chính phủ về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính, Bộ Tài chính đã ban hành 16 Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan.

Đồng thời, ban hành 27 Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các phòng và tương đương tại các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan.

Tổ chức bộ máy đã được kiện toàn một cách cơ bản theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, giảm 39 đầu mối cấp phòng, chi cục và tương đương. Chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị được sửa đổi, bổ sung phù hợp với các quy định của Luật Hải quan, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và yêu cầu cải cách hiện đại hóa hải quan.

Theo Báo hải quan