Năm 2016, Cục Hải quan TP.HCM đã có nhiều đột phá trong công tác cải cách hiện đại hóa để cắt giảm thời gian thông quan hàng hóa cho DN.
Cải cách từ vướng mắc của DN
Trước vướng mắc, bất cập của DN về thực hiện kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK, ngay từ đầu năm 2016, thực hiện Đề án 2026/QĐ-TTg ngày 17-11-2015 của Thủ tướng Chính phủ về “Nâng cao chất lượng hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu”, Cục Hải quan TP. HCM đã chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên ngành thành lập hai địa điểm kiểm tra chuyên ngành tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái. Đồng thời, xây dựng Cổng thông tin kiểm tra chuyên ngành giúp cho việc điện tử hóa công tác theo dõi kiểm tra chuyên ngành từ khâu đăng ký, lấy mẫu, trả kết quả, thông quan hàng hóa. Qua đó giảm thời gian, chi phí đi lại, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa cho DN trung bình giảm 50% thời gian so với trước đây và nâng cao hiệu quả công tác quản lý kiểm tra chuyên ngành trong công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước.
Đơn vị đã chủ động tổ chức các Hội nghị về công tác kiểm tra chuyên ngành trên địa bàn để ghi nhận những vướng mắc khó khăn của cộng đồng DN và những bất cập của văn bản hiện hành, tổng hợp báo cáo kiến nghị với đoàn công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và báo cáo với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM để báo cáo Thường vụ Quốc hội.
Đối với công tác cải cách thủ tục, ngoài việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử thông qua Hệ thống VNACCS/VCIS tại tất cả các chi cục, Cục Hải quan TP.HCM thực hiện khai báo trên Hệ thống e-Manifest thu, nộp ngân sách điện tử giữa cơ quan Hải quan – Thuế – Kho bạc – Tài chính với các ngân hàng thương mại đạt hơn 98% thu, nộp thuế thông qua hệ thống…
Triển khai thực hiện kết hợp soi hành lý chung với soi chiếu phục vụ công tác an ninh tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất giúp giảm được 50% thủ tục, thời gian so với trước đây tạo thuận lợi cho hành khách xuất nhập cảnh.
Đơn vị đã tổ chức 20 Hội nghị đối thoại DN cấp Cục, Chi cục theo định kỳ hoặc đột xuất để lắng nghe những vấn đề bất cập, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, tạo niềm tin đối với cộng đồng DN trên địa bàn, với trên 1.000 DN tham dự và trả lời trên 350 câu hỏi vướng mắc. Phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP.HCM, Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM, tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến các quy định mới về thủ tục hải quan, luật thuế xuất nhập khẩu năm 2016… cho khoảng 3.000 DN và hơn 5.000 lượt người tham dự.
Áp dụng phương thức quản lý hiện đại
Năm 2016, Cục Hải quan TP.HCM đã đẩy mạnh công tác thu thập thông tin để áp dụng hiệu quả phương pháp quản lý rủi ro. Hiện nay, tỷ lệ luồng Xanh (miễn kiểm tra) đạt 56,4%, luồng Vàng (kiểm tra hồ sơ, chứng từ) ở mức 38% và luồng Đỏ (kiểm tra thực tế hàng hóa) là 5,6%. Trong đó, đáng chú ý, tỷ lệ kiểm tra luồng Đỏ ít, nhưng tỷ lệ phát hiện vi phạm lại tăng lên. Nhờ đó, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa XNK tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thông thoáng cho cộng đồng DN phát triển, nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý hải quan được chặt chẽ, chống gian lận thương mại và buôn lậu hàng hóa, và đã phát hiện nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại tinh vi.
Đối với các cửa khẩu lớn như Cát Lái, cảng VICT, ICD Phước Long đã triển khai sử dụng máy soi container để kiểm tra trước hàng hóa xuất nhập khẩu trong quá trình xếp dỡ qua đó phân loại mức độ rủi ro đối với từng nhóm hàng để áp dụng quản lý rủi ro trong việc phân luồng hàng hóa một cách hiệu quả giúp việc thông quan hàng hóa được nhanh chóng cho DN nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý của cơ quan Hải quan được chặt chẽ .
Triển khai Phòng Giám sát trực tuyến cho phép kết nối, giám sát, theo dõi được hoạt động XNK tại các cảng cửa khẩu, cảng hàng không sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất nhờ đó có thể theo dõi nắm bắt di biến động của từng lô hàng XNK từ đó phối hợp các đơn vị Hải quan kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ việc buôn lậu; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các công chức thực hiện sai quy trình thủ tục.
Tiếp tục cải cách, hiện đại hóa
Trong năm 2017, Cục Hải quan TP.HCM tiếp tục công tác cải cách, hiện đại hóa. Ngay từ đầu năm, đơn vị đã triển khai quy trình giám sát điện tử theo Điều 41 Luật Hải quan đối với các cửa khẩu cảng biển và một cửa khẩu quốc gia đối với đường hàng không. Theo đó giữa cơ quan Hải quan và DN kinh doanh cảng sẽ kết nối qua hệ thống công nghệ thông tin, trao đổi dữ liệu về hàng hoá XNK được thông quan để đơn vị kinh doanh Cảng cho hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đưa vào, lưu giữ, đưa ra khu vực giám sát hải quan tại cảng biển giúp đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian, chi phí đi lại của DN.
Sắp tới, Cục Hải quan TP.HCM triển khai hệ thống máy soi ngầm hành lý tại cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. quy trình này cho phép tất cả hành lý ký gửi của hành khách nhập cảnh được kiểm tra qua máy soi mà vẫn đảm bảo nguyên vẹn, không làm ảnh hưởng đến quá trình làm thủ tục của khách. Trường hợp có phát hiện nghi vấn, hành lý sẽ được theo dõi liên tục trong suốt quá trình di chuyển trong hệ thống soi ngầm cho đến lúc làm thủ tục, khi khách nhập cảnh tiếp nhận số hành lý trên sẽ được hướng dẫn vào khu vực kiểm tra, khai báo hải quan. Việc áp dụng soi ngầm sẽ tạo thuận lợi cho hành khách nhập cảnh, giảm tối đa thời gian làm thủ tục, chỉ những hành khách có hành lý thuộc diện nghi vấn mới phải thực hiện thêm các bước kiểm tra hải quan tiếp theo, công chức Hải quan cũng giảm áp lực về công việc và có nhiều thời gian tập trung tối đa xử lý các trường hợp nghi vấn, sai phạm.
Triển khai hệ thống e-manifest đối với sân bay Tân Sơn Nhất là một trong những mục tiêu tăng cường áp dụng quản lý rủi ro tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, dự kiến khi triển khai thực hiện sẽ tạo điều kiện giảm thủ tục, thời gian đối với thủ tục XNC, đồng thời cơ quan Hải quan sẽ áp dụng hệ thống chip điện tử theo dõi hành lý nghi vấn nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm, phòng chống buôn bán, vận chuyển trái phép ma tuý, vũ khí qua biên giới.
Theo báo Hải quan