Chỉ số tổng hợp cước phí trên 8 chặng chính tăng 2% so với tuần trước, lên 6.257 USD và tăng 293% so với 1 năm trước.
Lần đầu tiên trong lịch sử, chi phí vận chuyển hàng hóa bằng tàu container từ châu Á sang châu Âu đã vượt quá mốc 10.000 USD, nhấn mạnh những thách thức mà các nhà xuất nhập khẩu đang gặp phải khi mà chuỗi cung ứng bị kéo căng như hiện nay.
Hôm qua (27/5), chỉ số Drewy World Container Index cho thấy cước phí để vận chuyển 1 container 40 foot từ Thượng Hải đến Rotterdam đã lên tới 10.174 USD, tăng 3,1% so với 1 tuần trước và tăng 485% so với 1 năm trước. Chỉ số tổng hợp cước phí trên 8 chặng chính tăng 2% so với tuần trước, lên 6.257 USD và tăng 293% so với 1 năm trước. Cả 2 chỉ số đều đang ở mức cao nhất kể từ năm 2011.
Ở Mỹ và nhiều nơi khác, các công ty phải trả mức phí trên 10.000 USD cho mỗi container để đảm bảo hàng hóa được giao đúng hạn hoặc được bốc dỡ an toàn.
Giá container đang tăng rất mạnh bởi vì nhu cầu đối với những “chiếc hộp sắt” 20 đến 40-feet chứa mọi loại hàng hóa được vận chuyển đi khắp nơi trên thế giới đang vượt quá nguồn cung. Trong khi lực cầu tăng vọt và các công ty cũng đẩy mạnh tích trữ hàng hóa sau đại dịch, những gián đoạn trên chuỗi cung ứng từ vụ tàu mắc kẹt trên kênh đào Suez cho đến nhiều cảng bị tắc nghẽn đã làm tình hình trở nên tồi tệ hơn. Chỉ có các công ty vận tải đường biển được hưởng lợi với lợi nhuận tăng trưởng tốt.
Ông Michael O’Sullivan, CEO của công ty bán lẻ quần áo Burlington Store (Mỹ) nhận xét: “Những cơn gió ngược do chuỗi cung ứng đem lại sẽ tiếp tục khiến chi phí trở nên đắt đỏ và đè nặng lên lợi nhuận của công ty năm 2021”.
Ngược lại, cổ phiếu của A.P.Moller-Maersk, hãng tàu container lớn nhất thế giới, vừa lập kỷ lục mới hôm đầu tuần. ZIM Integrated Shipping Services, 1 hãng tàu của Israel có cổ phiếu vừa lên sàn cuối tháng 1, hiện đang giao dịch ở mức giá cao gấp hơn 3 lần giá IPO.
Cước phí vận tải bằng đường biển tăng cao cũng khiến số đơn dặt hàng tàu container mới trong 5 tháng đầu năm tăng mạnh, theo BIMCO.