Các nhà bán lẻ lớn như Walmart và BJ đang cạnh tranh về nguồn hàng và năng lực vận chuyển để tránh tình trạng khan hiếm.
Để phục vụ dịp nghỉ lễ cuối năm, các chuỗi bán lẻ đang tăng tốc dự trữ hàng hóa với niềm tin mạnh mẽ vào nhu cầu tiêu dùng, ngay cả trong tình hình dịch bệnh và chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Best Buy, Target và các thương hiệu lớn khác đang tích trữ nhiều hàng tồn kho hơn so với năm ngoái, thậm chí vượt quá giá trị năm 2019.
Việc đóng cửa nhà máy liên quan đến Covid-19 ở châu Á và tắc nghẽn vận chuyển toàn cầu khiến các doanh nghiệp phải tranh giành hàng hóa, kho bãi để tránh mất doanh thu quý IV quan trọng. Các nhà bán lẻ đang chiếm ưu thế hơn trong “cuộc chiến” này.
Walmart đang nỗ lực tích trữ hàng tồn kho bằng việc thuê tàu chở hàng, tránh tắc nghẽn vận chuyển qua đường biển. Theo số liệu của doanh nghiệp này, lượng hàng tồn kho đạt gần 47,8 tỷ USD tính đến hết ngày 31/7, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 8% so với cùng kỳ năm 2019.
Do doanh số bán lẻ ở Mỹ sụt giảm nghiêm trọng từ năm ngoái đến đầu năm nay, tuy nhiên phục hồi trong tháng 8 nên ngành bán lẻ đang nỗ lực đẩy thêm hàng hóa đến các cửa hàng và kho hàng.
Jason Miller, PGS ngành Logistics đến từ Đại học Michigan cho biết, chỉ số hàng tồn kho giảm là do doanh số bán hàng tiêu dùng tăng mạnh và sự thiếu hụt sản phẩm, chủ yếu là ôtô, phụ tùng xe hơi và quần áo. “Sản xuất ở những danh mục này đã giảm rất nhiều so với nhu cầu của người tiêu dùng”, ông nói.
Một số nhà bán hàng may mặc chỉ lưu kho ít và tăng tỷ suất lợi nhuận bằng cách không giảm giá. Nhưng các nhà bán lẻ lớn hơn đang sử dụng sức ảnh hưởng của họ tới các nhà cung cấp để mua được nhiều hàng nhất có thể.
Giá trị hàng tồn kho của chuỗi bán lẻ Target tăng lên gần 11,3 tỷ USD trong quý II, tăng hơn 26% so với cùng kỳ năm 2020, đưa họ lên vị thế cao hơn ở hiện tại.
“Mặc dù vậy, đôi khi các kệ hàng của chúng tôi vẫn trống rỗng, do doanh số bán hàng vượt quá kỳ vọng hoặc vì các nhà cung cấp đang thiếu hàng”, CEO Target John Mulligan cho biết.
Báo cáo thu nhập quý II của BJ và Kohl’s cũng thể hiện họ đang hối hả thu mua hàng hóa. “Chúng tôi cần phải hết mình để giành chiến thắng. Chúng ta phải tác động mạnh mẽ đến các nhà cung cấp để giành hàng tồn kho”, CEO Robert Eddy của BJ phát biểu trong ngày 19/8.
Các đối thủ cạnh tranh bé hơn thường gặp bất lợi khi đàm phán với các nhà cung cấp hoặc giành chỗ trên các tàu container. Đặc biệt trong tình hình vận chuyển khó khăn và giá cước tăng cao.
Joseph Feldman, CEO cấp cao tại Telsey Advisory Group cho biết, nếu một doanh nghiệp nhỏ muốn vận chuyển vài container, trong khi một nhà bán lẻ lớn đang tìm cách chuyển nhiều sản phẩm hơn, thì đơn đặt hàng lớn hơn sẽ thắng.
Tuy nhiên, việc các nhà bán lẻ đang tích cực tích trữ hàng tồn kho có thể phản tác dụng nếu không bán được hàng. Các nhà phân tích cho rằng rủi ro là rất ít, bởi vì ngay cả khi đại dịch kết thúc, người tiêu dùng có thể vẫn mua hàng hóa về nhà thay vì đi ăn tối hoặc du lịch.
Rod Sides, quản lý hoạt động phân phối và bán lẻ của Deloitte LLP tại Mỹ cho biết: “Tôi nghĩ rủi ro lớn hơn là không có đủ hàng tồn kho so với nhu cầu tiêu dùng. Chúng tôi đang dự kiến kỳ nghỉ lễ sẽ cần hàng hóa nhiều hơn”.