Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 131/2024/NĐ-CP ngày 15/10/2024 về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Nhà nước I-xra-en (Hiệp định VIFTA) cho giai đoạn 2024-2027.

Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt

Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định VIFTA giai đoạn 2024 – 2027 (sau đây gọi tắt là Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt) gồm mã số hàng hóa, mô tả hàng hóa, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các giai đoạn được nhập khẩu từ lãnh thổ I-xra-en vào Việt Nam đối với từng mã hàng.

Cụ thể, cột “Mã hàng” và cột “Mô tả hàng hóa” tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ban hành kèm theo Nghị định số 131 được xây dựng trên cơ sở Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam và chi tiết theo cấp mã 8 số hoặc 10 số.

Trường hợp Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam được sửa đổi, bổ sung, người khai hải quan kê khai mô tả, mã hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu sửa đổi, bổ sung và áp dụng thuế suất của mã hàng hoá được sửa đổi, bổ sung quy định tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ban hành kèm theo Nghị định số 131.

Phân loại hàng hóa thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Cột “Thuế suất VIFTA (%)” tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt: Thuế suất áp dụng cho các giai đoạn khác nhau, bao gồm:

– Cột “2024”: Thuế suất áp dụng từ ngày 15 tháng 10 năm 2024 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024;

– Cột “2025”: Thuế suất áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025;

– Cột “2026”: Thuế suất áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2026 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2026;

– Cột “2027”: Thuế suất áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2027 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2027.

Ký hiệu “*” trong Biểu thuế: Hàng hóa nhập khẩu không được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Hiệp định VIFTA. Việc quản lý nhập khẩu và thuế suất thuế nhập khẩu các mặt hàng này được thực hiện theo quy định pháp luật.

Thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với một số mặt hàng thuộc nhóm hàng 04.07; 17.01; 24.01; 25.01 chỉ áp dụng trong hạn ngạch thuế quan; danh mục và lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu hàng năm theo quy định của Bộ Công Thương và mức thuế suất thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch áp dụng theo quy định tại Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan của Chính phủ tại thời điểm nhập khẩu.

Điều kiện áp dụng

Hàng hóa nhập khẩu được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định VIFTA phải đáp ứng đủ 3 điều kiện sau:

Thứ nhất, thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ban hành kèm theo Nghị định này.

-Thứ hai, được nhập khẩu vào Việt Nam từ I-xra-en.

– Thứ ba, đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa và có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định của Hiệp định VIFTA và các quy định hiện hành.

Hàng hóa từ các khu phi thuế quan của Việt Nam nhập khẩu vào thị trường trong nước được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định VIFTA phải đáp điều kiện thứ nhất và điều kiện thứ ba nêu trên.

Hiệp định VIFTA đã kết thúc đàm phán từ ngày 02 tháng 4 năm 2023 sau hơn 7 năm với 12 phiên đàm phán và chính thức được ký kết vào ngày 25 tháng 7 năm 2023. Hiệp định này gồm 15 chương và một số phụ lục đính kèm các chương với các nội dung cơ bản như: thương mại hàng hóa, dịch vụ – đầu tư, quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại, các biện pháp vệ sinh kiểm dịch động thực vật, hải quan, phòng vệ thương mại, mua sắm chính phủ, pháp lý – thể chế.

Ix-ra-en là quốc gia đầu tiên tại khu vực Tây Á mà Việt Nam ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á mà Ix-ra-en ký kết FTA. Việc ký kết và triển khai thực hiện Hiệp định VIFTA sẽ tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh không chỉ sang Ix-ra-en mà còn có cơ hội tiếp cận các thị trường khác tại khu vực Trung Đông, Bắc Phi và Nam Âu.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa từ Ix-ra-en vào Việt Nam trong 9 tháng từ đầu năm 2024 đạt hơn 1,67 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2023 (9 tháng đầu năm 2023 đạt 1,6 tỷ USD). Trong đó, các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu các mặt hàng chính từ Ix-ra-en bao gồm: rau quả; phân bón các loại; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng;…. Ngược lại, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Ix-ra-en trong 9 tháng từ đầu năm 2024 đạt khoảng 614 triệu USD, tăng 22,2% so với cùng thời gian năm 2023 (9 tháng đầu năm 2023 đạt 502,6 triệu USD). Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường này bao gồm: thủy sản; hạt điều; cà phê; hàng dệt may; giày dép các loại; điện thoại các loại và linh kiện;…

Nghị định 131/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/10/2024 đến hết ngày 31/12/2027.

Với việc triển khai Hiệp định VIFTA sẽ thúc đẩy hơn nữa hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Ix-ra-en trong thời gian tới.

Các thông tin chi tiết về xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với Ix-ra-en cũng như các đối tác thương mại khác của Việt Nam có tại Chuyên trang Thống kê Hải quan theo địa chỉ sau: https://www.customs.gov.vn/index.jsp?pageId=3521