Hàng tháng, cơ quan Hải quan đang phải tiếp nhận, xử lý hàng nghìn đề nghị của doanh nghiệp xin cấp lại mật khẩu truy cập tài khoản trên Hệ thống thông quan tự động VNACCS.
Cấp quyền quản lý mật khẩu tràn lan
Mới đây, Công ty TNHH Thương mại, Thiết bị công nghiệp Cường Thịnh (Hà Nội) có công văn đề nghị Tổng cục Hải quan cấp lại mật khẩu truy cập tài khoản Hệ thống VNACCS để phục vụ quản lý thông tin của doanh nghiệp trên Hệ thống. Nhưng đây không phải là trường hợp cá biệt.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý, vận hành hệ thống CNTT hải quan (Cục CNTT và Thống kê Hải quan, Tổng cục Hải quan) Phạm Thành Trung cho biết: Mỗi tháng đơn vị tiếp nhận hàng nghìn đề nghị như vậy. Lý do khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất mật khẩu truy cập do không chú trọng vào việc quản lý tài khoản trên Hệ thống VNACCS. Tài khoản, mật khẩu doanh nghiệp thường giao cho nhân viên xuất nhập khẩu, thậm chí giao cả cho nhân viên khai thuê của các đại lý hải quan… dẫn đến có tình trạng các cá nhân quên mật khẩu, hoặc chuyển cơ sở làm việc, hay đi công tác nước ngoài nhưng không bàn giao lại mật khẩu. Có cả trường hợp đến thời hạn thay đổi mật khẩu nhưng người được giao trách nhiệm của doanh nghiệp không thực hiện…
Từ thực tế trên, một lãnh đạo Phòng CNTT (Cục Hải quan Hải Phòng) phân tích thêm: Thực hiện hải quan điện tử, doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải sử dụng chữ ký số và tài khoản khai hải quan điện tử để khai tờ khai hải quan điện tử và tham gia các dịch vụ công trực tuyến của ngành Hải quan. Do đó, chữ ký số và tài khoản khai hải quan điện tử có vai trò như con dấu và chữ ký của lãnh đạo doanh nghiệp trên hồ sơ giấy. Tờ khai hải quan điện tử, chứng từ điện tử, dữ liệu điện tử mà người khai hải quan khai lên hệ thống hải quan không chỉ có giá trị pháp lý để thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan mà còn có giá trị pháp lý để các cơ quan khác liên quan (như cơ quan Thuế nội địa và các cơ quan quản lý khác) dùng để kiểm tra, đối chiếu và thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, thời gian qua có nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã giao chữ ký số và thông tin tài khoản, mật khẩu khai hải quan điện tử, giấy giới thiệu, giấy ủy quyền cho các bên làm dịch vụ hải quan để sử dụng khai báo, truyền tờ khai điện tử nhưng không thu hồi lại hoặc không có biện pháp quản trị phù hợp dẫn đến chữ ký số và tài khoản này sau đó đã được sử dụng không đúng mục đích. Cụ thể là: Dùng để khai báo cho các chủ hàng khác hoặc dùng chính thông tin của doanh nghiệp này để khai báo, mở tờ khai điện tử cho các lô hàng khác, tiềm ẩn nguy cơ bị các đối tượng xấu lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại.
Doanh nghiệp cần tăng cường quản lý
Để phòng ngừa rủi ro, lãnh đạo Phòng CNTT (Cục Hải quan Hải Phòng) khuyến cáo, các tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu cần kiểm soát chặt chẽ việc bảo quản, sử dụng chữ ký số, tài khoản đăng nhập hệ thống khai hải quan điện tử. Ngoài ra cần quản lý giấy giới thiệu, giấy ủy quyền không giao giấy giới thiệu, giấy ủy quyền, giấy đóng dấu khống cho các tổ chức, cá nhân khác khi chưa ghi nội dung. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm trong trường hợp xảy ra vi phạm liên quan tới tờ khai hải quan thực hiện bằng tài khoản, chữ ký số của mình.
Đồng thời, doanh nghiệp phải cập nhật, sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh lại chính xác các thông tin về tài khoản khai hải quan điện tử trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan (www.customs.gov.vn) như tên người sử dụng, số điện thoại, thư điện tử, số chứng minh thư… không đặt mật khẩu dễ đoán như trùng với mã số doanh nghiệp, trùng với tên đăng nhập hay số điện thoại… định kỳ đổi mật khẩu và kiểm tra lịch sử sử dụng tài khoản.
Đối với chữ ký số, ngoài việc quản lý sử dụng đúng mục đích, cần lưu ý thời hạn sử dụng, kịp thời gia hạn trước thời điểm hết hạn chữ ký số; khi gia hạn chữ ký số cần yêu cầu nhà cung cấp chữ ký số giữ lại serial number của chữ ký số đó; sau khi gia hạn xong thì cập nhật lại thông tin chữ ký số trên Cổng thông tin của Tổng cục Hải quan.
Trường hợp doanh nghiệp, chủ hàng không trực tiếp thực hiện thủ tục hải quan, đại diện Phòng CNTT (Cục Hải quan Hải Phòng) khuyến cáo doanh nghiệp nên cân nhắc lựa chọn đại lý hải quan (đơn vị đã đáp ứng các điều kiện về chuyên môn nghiệp vụ, cơ sở vật chất và chịu sự quản lý của cơ quan hải quan, đã được Tổng cục Hải quan có quyết định công nhận) hoạt động uy tín, trách nhiệm để ký hợp đồng đại lý hải quan và tiến hành thủ tục hải quan cho lô hàng thay vì chọn các bên dịch vụ chưa có tư cách pháp nhân, chưa được cơ quan Hải quan kiểm tra, công nhận vì tiềm ẩn nhiều rủi ro đến hàng hóa, tiền thuế, hồ sơ chứng từ và tiến độ thông quan của lô hàng.
Trường hợp phát hiện chữ ký số, tài khoản đăng nhập hoặc thông tin của doanh nghiệp mình bị lợi dụng để khai báo hải quan, doanh nghiệp phải kịp thời thông báo cho cơ quan Hải quan để có biện pháp ngăn chặn, điều tra. Doanh nghiệp có thể phản ánh thông qua đường dây nóng của cơ quan Hải quan hoặc gửi văn bản trực tiếp đến cơ quan Hải quan.
Địa chỉ tiếp nhận là Trung tâm Quản lý, vận hành hệ thống CNTT hải quan (Cục CNTT và Thống kê Hải quan, Tổng cục Hải quan) – Lô E3 Dương Đình Nghệ – Yên Hòa – Cầu Giấy – Hà Nội, điện thoại hỗ trợ: (04) 37 824 754/55/56/57; email hỗ trợ: [email protected]; hoặc Phòng CNTT hoặc bộ phận liên quan tại các Cục Hải quan địa phương. |
Theo báo Hải quan