Sự kiện 1: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030, làm cơ sở cho việc hướng tới xây dựng Hải quan Việt Nam thông minh, chính quy, hiện đại.
Sau 10 năm triển khai Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 theo Quyết định số 448/QĐ-TTg ngày 25/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ, Hải quan Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu và kết quả to lớn trong công cuộc xây dựng, phát triển và hiện đại hóa, được Chính phủ và xã hội đánh giá là một trong những cơ quan hành chính nhà nước đi đầu trong công tác cải cách và phát triển. Mặc dù vậy, những thành tựu, kết quả đạt được trong thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 đang tiếp tục và cần có thêm thời gian và nguồn lực để thực hiện mới đảm bảo tính bền vững và sự lan tỏa của các thành quả này, đặc biệt trong giai đoạn xây dựng và thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030.
Với vai trò là “người gác cổng” cho nền kinh tế, bối cảnh và những yêu cầu đặt ra của đất nước trong giai đoạn phát triển mới sẽ tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiệm vụ quản lý nhà nước của cơ quan hải quan trong hoạt động kiểm soát hàng hóa ra vào biên giới lãnh thổ Việt Nam. Đặt ra cho Hải quan Việt Nam nhiều thách thức lớn và nhiều nhiệm vụ hết sức nặng nề, đòi hỏi phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đổi mới toàn diện hơn nữa để ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan.
Kế thừa, phát huy, lan tỏa các kết quả, thành tựu đạt được trong cải cách, phát triển và hiện đại hóa Hải quan thời gian qua, giải quyết những thách thức đặt ra trong quản lý Nhà nước về Hải quan hiện tại và đến năm 2030, ngay từ đầu năm 2020 ngành Hải quan đã chủ động tổng kết, đánh giá những kết quả đạt được trong công tác cải cách phát triển và hiện đại hoá, đặc biệt là quá trình thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020; nghiên cứu nhận diện những thách thức Chiến lược đặt ra cho Hải quan Việt Nam trong bối cảnh mới đến năm 2030 tầm nhìn 2045…trên cơ sở đó Tổng cục Hải quan đã dự thảo Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030, thực hiện lấy ý kiến các Bộ, Ngành, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước. Tiếp thu các ý kiến tham gia, Tổng cục Hải quan đã hoàn thiện dự thảo báo cáo Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Kết quả, ngày 20/5/2022, Phó Thủ tướng chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 628/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030.
Chiến lược phát triển Hải quan xác định mục tiêu tổng quát, các mục tiêu cụ thể, chỉ tiêu phấn đấu và hệ thống các giải pháp xây dựng và phát triển Hải quan Việt Nam đến năm 2030. Theo đó mục tiêu tổng quát của Chiến lược là “Xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh. Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý hải quan. Quản lý thu thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu hiệu quả. Tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch và vận tải hợp pháp qua biên giới, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn xã hội và bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia”.
Cụ thể hóa mục tiêu tổng quát Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 đã xác định 07mục tiêu cụ thể (nhiệm vụ trong tâm, đột phá trong xây dựng và phát triển Hải quan Việt Nam đến năm 2030); đặt ra 26 chỉ tiêu phấn đấu (theo đó có 14 chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 và 12 chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2030); 08 hệ thống các giải pháp toàn diện, đồng bộ, đầy đủ trong mọi lĩnh vực hoạt động quản lý nhà nước về hải quan, hoạt động nghiệp vụ hải quan… để đảm bảo thực hiện thành công các chỉ tiêu, mục tiêu đặt ra tại Chiến lược.
Cùng với việc xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030, nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của chuyển đổi số trong quản lý Nhà nước về Hải quan, cụ thể hoá mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành thành Hải quan số, đến năm 2030 hoàn thành Hải quan thông minh đặt ra trong Chiến lược, đồng thời xác định ứng dụng CNTT và công nghệ số là quá trình tất yếu làm thay đổi căn bản, toàn diện hoạt động quản lý nhà nước về Hải quan, đồng thời thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ và Lãnh đạo các cấp về đẩy mạnh số hóa, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0, Tổng cục Hải quan đã xây dựng và ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 707/QĐ-TCHQ ngày 04/5/2022. Quyết định được ban hành với quan điểm thực hiện chuyển đổi số là động lực trong xây dựng Hải quan số, Hải quan thông minh, đồng thời đây được xem là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục với bước đi vững chắc, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm, kế thừa những kết quả đạt được, đi đôi với đổi mới sáng tạo.
Việc ban hành Quyết định số 707/QĐ-TCHQ đã, đang và sẽ giúp nâng cao nhận thức trong toàn ngành về tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số, cũng như thống nhất về quan điểm và hành động để toàn ngành tập trung nguồn lực, trí tuệ của để triển khai thực hiện chuyển đổi số của ngành Hải quan nhằm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu nêu tại Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022.
Sự kiện 2: Tăng cường cải cách hành chính, hiện đại hoá, tạo thuận lợi cho thương mại của ngành Hải quan đưa đến kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 700 tỷ USD, nhưng vẫn đảm bảo an ninh, an toàn và chống thất thu.
Để có được mức tăng trưởng đáng phấn khởi sau đại dịch viêm đường hô hấp Covid 19 là kết quả nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, đã vượt qua khó khăn để ổn định sản xuất, giữ vững thị trường, bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế. Cùng với đó là sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng hành với doanh nghiệp và người dân để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là sự đóng góp quan trọng của ngành hải quan trong việc hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu, bảo đảm nguồn nguyên liệu, chuỗi cung ứng, cũng như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh thủ tục thông quan. Cụ thể bằng hành đồng, ngay từ đầu năm 2022, Tổng cục Hải quan đã ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ban hành Chỉ thị 439/CT-TCHQ ngày 11/02/2022 tăng cường hiệu quả thu ngân sách nhà nước, trong đó chỉ ra các nhóm giải pháp chung và giải pháp cụ thể cho từng đơn vị để triển khai đồng bộ trong toàn ngành. Theo đó:
– Tổng cục Hải quan chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc thành lập các tổ hỗ trợ, xử lý vướng mắc về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu để đảm bảo kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển ổn định, vững chắc, thu hút đầu tư, tăng thêm năng lực sản xuất mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề để tăng thu cho Ngân sách Nhà nước.
– Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi sức khỏe và khôi phục sản xuất. Dẫn chứng ở việc, Tổng cục Hải quan đã triển khai thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp khó khăn như miễn thuế nhập khẩu theo các Quyết định 155/QĐ-BTC, Quyết định 436/QĐ-BTC, Quyết định 2138/QĐ-BTC, Quyết định 1921/QĐ-BTC khoảng 3,9 tỷ đồng; không thu thuế nhập khẩu, không thu thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ công tác phòng chống dịch theo Nghị quyết 106/NQ-CP khoảng 113 tỷ đồng; giảm thuế GTGT theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP khoảng 16.677 tỷ đồng.
– Ngoài ra, trong bối cảnh cuộc Cách mạnh công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, để đáp ứng với công cuộc chuyển đổi số, hiện đại hóa, Tổng cục Hải quan đã thực hiện đề án nộp thuế điện tử với 46 ngân hàng phối hợp thu, trong đó có 39 ngân hàng tham gia chương trình nộp thuế điện tử 24/7, 7 ngân hàng tham gia chương trình nộp thuế điện tử doanh nghiệp nhờ thu tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cá nhân có thể nộp thuế mọi lúc, mọi nơi.
– Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng đã phối hợp với Tổng cục Thuế tổ chức các Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn phát sinh của doanh nghiệp.
Chính vì thế, đến ngày 15/12/2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam chính thức cán mốc 700 tỷ USD. Đây là một kết quả ấn tượng cho sự nỗ lực không ngừng của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua. Kết quả này sẽ là cơ sở quan trọng để các Bộ, ngành hoàn thành nhiệm vụ được giao, từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế – xã hội và đặc biệt là ngành Tài chính, Tổng cục Hải quan tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2022, tạo đà thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, tiếp tục khẳng định vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.
Bên cạnh việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu Ngân sách Nhà nước năm 2022, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc cần chú trọng thu thập, phân tích các thông tin trong và ngoài ngành, xác định dấu hiệu rủi ro để có biện pháp kiểm tra, giám sát, kiểm soát; Kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; Tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu tại các đơn vị thuộc và trực thuộc để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong thực hiện; Tập trung kiểm tra về số lượng, trị giá, mã số, xuất xứ để phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm; Tổ chức thực hiện thu hồi và xử lý nợ thuế đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu được giao. Từ đó, kết quả đạt được từ các giải pháp chống thất thu trong 11 tháng đầu năm 2022 là 1.170 tỷ đồng .
Sự kiện 3: Đấu tranh chống buôn lậu hàng cấm đạt kết quả ấn tượng với việc bắt giữ số lượng lớn ma tuý: trên 1 tấn các loại ma tuý, bắt giữ 270 đối tượng.
Trong năm 2022, tình hình tội phạm ma túy, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, tiền chất qua biên giới vẫn hết sức phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Đặc biệt tuyến bưu điện, chuyển phát nhanh, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý có chiều hướng gia tăng cả về quy mô, số lượng, tính chất phức tạp. Các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức vận chuyển và thủ đoạn cất giấu tinh vi; tính chất vụ việc phức tạp. Đặc biệt là việc lợi dụng kẽ hở trong quy định về gửi hàng quà biếu, quà tặng để vận chuyển trái phép các chất ma túy như: các loại tân dược có chứa chất gây nghiện, hướng thần, cần sa và ma túy tổng hợp… từ Việt Nam đi các nước Châu Âu, Mỹ… và ngược lại.
Trên tuyến đường bộ, đường biển tội phạm ma túy thường lợi dụng kẽ hở, sự thông thoáng trong cơ chế, chính sách tạo thuận lợi trong hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, quy trình thủ tục hải quan để trà trộn, cất giấu, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào, Campuchia vào Việt Nam qua các tỉnh Tây Bắc Bộ, miền Trung và Tây Nam Bộ bằng cách ngụy trang, cất giấu trong phương tiện, hàng hóa, hành lý, trong các đồ dùng cá nhân và trong người…
Trên tuyến hàng không, bưu điện, chuyển phát nhanh, các đối tượng lợi dụng chính sách đơn giản hóa các thủ tục hải quan trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, các đối tượng đã sử dụng phương thức ngụy trang, cất giấu ma túy trong túi xách cá nhân, thuốc, thực phẩm chức năng, hộp bánh kẹo, sữa, chè khô, thức ăn cho thú nuôi, trong các gói bột ngũ cốc, mỹ phẩm, sáp thơm, vật dụng gia đình, thậm chí nuốt ma túy trong người… Từ đó, ma tuý được trộn lẫn trong hàng hóa ký gửi, chuyển phát nhanh, hàng thuộc diện quà biếu phi mậu dịch gửi từ các quốc gia thuộc châu Âu (Đức, Hà Lan, Tiệp Khắc, Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ), Canada, châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc…), châu Mỹ và châu Úc… về Việt Nam theo đường hàng không, tiếp đó tiêu thụ trong nội địa hoặc trung truyển đi nước thứ ba hoặc ngược lại.
Trong năm 2022, ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng phát hiện, bắt giữ: 303 vụ/270 đối tượng, trong đó cơ quan hải quan chủ trì 163 vụ. Tang vật thu được gồm: 165 kg Heroin và 20 bánh heroin; 162 kg Cần sa; 51 kg thuốc phiện; ma tuý tổng hợp 668 kg và 6.624 viên… Trong đó, cơ quan hải quan đã chủ trì, phối hợp đấu tranh thành công nhiều chuyên án liên quan đến buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy, triệt phá thành công các đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy có quy mô lớn liên quan đến nhiều tỉnh, thành trên cả nước, bắt giữ được đối tượng chủ mưu, cầm đầu, bao gồm cả người Việt Nam và người nước ngoài như Chuyên án HC55 và chuyên án HP522 do Cục Hải quan thành phố Hà Nội xác lập, bắt giữ được 19 đối tượng (01 đối tượng là người nước ngoài), thu giữ 73,3 kg ma túy các loại; hay chuyên án DT9.22 do Cục Điều tra chống buôn lậu chủ trì xác lập triệt phá đường dây vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy từ Đức vào Việt Nam. Tang vật thu được là 15 kg ma túy tổng hợp dạng viên nén, bắt giữ được 03 đối tượng.
Sự kiện 4: Phát hiện, điều tra nhiều vụ gian lận thương mại với hàng hoá trị giá lớn, có những vụ án lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Khởi tố 48 vụ, kiến nghị cơ quan khác khởi tố 141 vụ, tăng 23% so với cùng kỳ.
Trong năm 2022, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng gia tăng trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa với phương thức, thủ đoạn mới và tinh vi hơn. Các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép ma tuý, hàng hóa giả mạo xuất xứ, nhãn hiệu và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đặc biệt diễn ra phức tạp trên tất cả các tuyến đường bộ, đường biển, đường không, chuyển phát nhanh với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi.
Với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã làm tốt công tác tham mưu cho Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Tham mưu Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ban hành Kế hoạch 1148/KH-BCĐ 389 quốc gia ngày 23/9/2022 về kiểm tra, xác minh làm rõ dấu hiệu, tiêu cực trong hoạt động xuất nhập khẩu và thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới. Tổ chức thực hiện Kế hoạch 1148/KH-BCĐ 389 kiểm tra, xác minh tại tỉnh Lạng Sơn. Tham mưu Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính trong công tác nắm tình hình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, triển khai các Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau dịp Nguyên đán.
Với vai trò là cơ quan tham mưu Lãnh đạo Bộ Tài chính trong công tác phòng, chống rửa tiền; chống tài trợ, phòng chống khủng bố, Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ trưởng Bộ Tài chính phân công thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt giai đoạn 2021-2025.
Trong năm 2022, cơ quan Hải quan đã tổng kết chiến dịch Con Rồng Mê Kông 4, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả triển khai và các nội dung tiếp tục triển khai chiến dịch Con rồng Mê Kông 5. Kết quả của Chiến dịch được các nước thành viên báo cáo qua 04 giai đoạn chính và 01 giai đoạn mở rộng là: 2.820 vụ ma túy và động thực vật hoang dã CITES, tang vật thu giữ gồm: hơn 39 tấn ma túy, hơn 108 tấn tiền chất, 161 tấn và hơn 2.000 sản phẩm từ CITES (gỗ và động thực vật).
Ngoài ra, năm 2022 cũng là năm thành công của ngành Hải quan trong việc kiểm soát, xử lý, buôn lậu gian lận thương mại số lượng lớn hạt điều, có vụ trị giá hàng nghìn tỷ đồng. Nắm bắt được tình hình lượng hạt điều nguyên liệu nhập khẩu tăng bất thường, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ tập trung làm rõ các dấu hiệu bất thường về hoạt động xuất nhập khẩu hạt điều đối với 437 vụ việc, đã kết thúc kiểm tra 370/437 vụ việc. Kết quả, cơ quan Hải quan đã khởi tố 07 vụ buôn lậu liên quan đến mặt hàng điều,chuyển cơ quan điều tra 13 vụ việc, 78 vụ việc đã ấn định và xử phạt vi phạm hành chính 60,5 tỷ đồng.
Kết quả đạt được (từ ngày 16/12/2021 đến 15/12/2022): Ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 16.824 vụ việc vi phạm tăng 15%, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 8.450 tỷ đồng, tăng 211 % so với cùng kỳ năm 2021; số thu NSNN đạt 459 tỷ đồng, tăng 57,9 %. Cơ quan Hải quan khởi tố 48 vụ, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2021, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 141 vụ đối với các vụ.
Sự kiện 5: Năm thứ sáu liên tiếp Tổng cục Hải quan đứng đầu về cải cách hành chính khối Tổng cục và luôn trong top đầu về chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin.
Trong những năm qua, Tổng cục Hải quan đã được Chính phủ, các Bộ, Ngành và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là một trong những cơ quan đi đầu trong cải cách, hiện đại hóa. Theo Quyết định số 2154/QĐ-BTC ngày 25/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, năm 2021 là năm thứ sáu liên tiếp Tổng cục Hải quan đứng đầu trong khối Tổng cục và tương đương thuộc Bộ Tài chính về Chỉ số cải cách hành chính. Đây là sự ghi nhận những kết quả mà Hải quan Việt Nam đã đạt được về thực hiện cải cách hành chính trong những năm qua.
Để đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện thể chế hải quan, Tổng cục Hải quan đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021 – 2030 tại Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022. Tập trung sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đảng về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; định hướng cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Chính phủ; tháo gỡ vướng mắc phát sinh; bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước đồng thời tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; đáp ứng yêu cầu của hoạt động xuất nhập khẩu trong thời kỳ phòng chống dịch Covid-19. Hiện nay, Tổng cục Hải quan đã tham mưu cho Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét ban hành một số nghị định như: Nghị định quy định thực hiện kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện theo Cơ chế một cửa quốc gia; Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử….
Thực hiện các nghị quyết của Chính phủ và kế hoạch hành động của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính; nghiên cứu, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 5% số quy định và 5% chi phí liên quan đến hoạt động kinh doanh; trình ban hành Nghị định số 67/2020/NĐ-CP trong đó đã cắt giảm, đơn giản hóa 19/29điều kiện kinh doanh, cắt giảm 22/52 thành phần hồ sơ của các thủ tục công nhận kho, bãi, cảng, cửa hàng miễn thuế; thực hiện tốt việc đánh giá tác động của thủ tục hành chính trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật góp phần quan trọng bảo đảm sự cần thiết, tính hợp pháp, hợp lý của thủ tục hành chính; công khai thủ tục hành chính kịp thời để bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin về thủ tục hành chính của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/01/2021 phê duyệt đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”; chủ động rà soát pháp luật kiểm tra chuyên ngành để kiến nghị các Bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, rà soát chuyển đổi mã số HS đối với danh mục hàng hoá thuộc diện kiểm tra chuyên ngành.
Tổ chức, bộ máy cơ quan Hải quan tiếp tục được củng cố, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; xây dựng và hoàn thiện các quy định về quản lý biên chế trên cơ sở xác định vị trí việc làm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức…; Về cải cách tài chính công, năm 2021 ngành Hải quan thu ngân sách đạt 114,2% dự toán giao, đạt 107,4% chỉ tiêu phấn đấu; tập trung đấu tranh ngăn chặn gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng, tăng cường chống thất thu; tập trung công tác giải ngân và quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, đầu tư xây dựng cơ bản đúng quy định, công khai, hiệu quả, tiết kiệm.
Tổng cục Hải quan tiếp tục duy trì, vận hành hiệu quả hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và các hệ thống vệ tinh; ký kết phối hợp thu với 44 ngân hàng, thu ngân sách bằng phương thức điện tử đạt 98% tổng số thu ngân sách của Ngành; triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ toàn trình đạt 72,3%; triển khai 98 thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia; xây dựng Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; trình Bộ Tài chính Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin của ngành Hải quan giai đoạn 2021 – 2025; phối hợp thực hiện 244 thủ tục hành chính của 13 Bộ, ngành kết nối, thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia; kết nối Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 9 nước thành viên ASEAN.
Công tác cải cách hành chính của Tổng cục Hải quan đã có sự phát triển vượt bậc, qua đó góp phần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thông thoáng, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Để góp phần xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, trong giai đoạn 2021 – 2030, Tổng cục Hải quan tiếp tục thực hiện chủ trương tăng cường hội nhập quốc tế, thực hiện hài hòa mục tiêu tạo thuận lợi thương mại và bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Để đạt được mục tiêu đó, cải cách hành chính được Tổng cục Hải quan xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, được thực hiện đồng bộ, thường xuyên, liên tục, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu phục vụ.
Trong thời gian vừa qua, Tổng cục Hải quan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số nhằm hỗ trợ và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan. Đến nay, 100% thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa, 100% Cục Hải quan, Chi cục hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử với 99,65% doanh nghiệp tham gia. Theo đó, việc khai báo, tiếp nhận, xử lý thông tin và ra quyết định thông quan được thực hiện với mức độ tự động hóa cao; thời gian xử lý bộ hồ sơ hải quan khoảng 03 giây. Đồng thời, Tổng cục Hải quan đẩy mạnh thu thuế XNK bằng phương thức điện tử, số thu ngân sách bằng phương thức điện tử đã đạt 98,4% tổng số thu ngân sách của Tổng cục Hải quan. Triển khai Hệ thống quản lý hải quan tự động thông qua việc kết nối, trao đổi thông tin với doanh nghiệp kinh doanh cảng, sân bay, kho bãi, địa điểm chịu sự giám sát hải quan,… Nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan đã đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Đến nay số lượng dịch vụ công trực tuyến toàn trình (mức độ 4) của Tổng cục Hải quan đạt 72%; số lượng dịch vụ công trực tuyến một phần đạt 28%.
Nhằm hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình khai hải quan, từ ngày 01/01/2022, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với Công ty EPAY triển khai phần mềm khai hải quan miễn phí cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhằm giảm tình trạng ùn tắc, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất nhập khẩu được giao thương thuận lợi qua các cửa khẩu đường bộ, từ ngày 27/01/2022, chức năng cảnh báo chống ùn tắc đã được Tổng cục Hải quan chính thức triển khai trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Theo đó, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, người điều khiển phương tiện có thể truy cập bằng máy tính hoặc các thiết bị thông minh có kết nối internet để tra cứu.
Với vai trò là đơn vị đầu mối, Tổng cục Hải quan đã tích cực chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành triển khai các thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia. Tính đến ngày 01/12/2022, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 250 thủ tục hành chính của 13 Bộ, ngành kết nối. Trong năm 2022, các Bộ đã triển khai thêm 7 thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia. Đồng thời, Tổng cục Hải quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành tiếp tục mở rộng Cơ chế một cửa ASEAN, duy trì kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN; Phối hợp với Ban thư ký ASEAN và các nước ASEAN để triển khai kết nối trao đổi tờ khai Hải quan ASEAN (ACDD) theo lộ trình chung của ASEAN; Đang tiến hành kiểm thử C/O form D trên môi trường thử nghiệm với các nước khối ASEAN; Đang chuẩn bị các yêu cầu liên quan để kết nối thử nghiệm trao đổi chứng nhận kiểm dịch thực vật; Trao đổi để xây dựng giải pháp, lộ trình kết nối trao đổi chứng từ điện tử giữa ASEAN và các đối tác như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong thời gian tới, năm 2022, Tổng cục Hải quan đã phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 707/QĐ-TCHQ ngày 04/5/2022. Theo đó, trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan tiếp tục đẩy mạnh triển khai đồng bộ, toàn diện chuyển đổi số toàn diện trong công tác nghiệp vụ hải quan; Triển khai chuyển đổi số trong công tác Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; Triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số trong công tác quản lý nội ngành; Hoàn thiện, nâng cao chất lượng hạ tầng số; Phát triển nền tảng; Phát triển cơ sở dữ liệu; Bảo đảm an toàn thông tin; Hoàn thiện môi trường pháp lý và quy trình, thủ tục đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ngành Hải quan; Phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, chuyển đổi số sẽ là động lực hoàn thành xây dựng Hải quan số vào năm 2025 và hoàn thành Hải quan thông minh vào năm 2030.
Sự kiện 6: Năm thu thuế xuất nhập khẩu vượt dự toán cao nhất từ trước tới nay, dự kiến đạt 440 ngàn tỷ, vượt 80 ngàn tỷ so với dự toán được giao và 20 ngàn tỷ so với chỉ tiêu phấn đấu.
Năm 2022, Tổng cục Hải quan được Quốc hội và Bộ Tài chính giao dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) theo Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13/11/2021 là 352.000 tỷ đồng. Xác định nhiệm vụ thu NSNN là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của toàn ngành, ngay từ đầu năm, Tổng cục Hải quan đã ban hành Chỉ thị số 439/CT-TCHQ về việc “thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu NSNN năm 2022”.
Bám sát các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Chỉ thị, lực lượng Hải quan toàn ngành đã tập trung triển khai một cách nghiêm túc, quyết liệt, đặc biệt là việc đẩy mạnh thực hiện hiện đại hóa công tác quản lý thu thuế bằng hình thức điện tử và thông quan 24/7 (đến nay đã có 36 ngân hàng triển khai thu thuế 24/7, thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác phối hợp thu với 45 ngân hàng, 7 ngân hàng đã triển khai công tác nhờ thu). Đồng thời, triển khai quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, các giải pháp chống gian lận thương mại, chống thất thu mang lại kết quả đáng kể.
Với sự nỗ lực của toàn Ngành, đến ngày 20/12/2022, tổng thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 425.593 tỷ đồng, bằng 120,9% dự toán, bằng 101,3% chỉ tiêu phấn đấu (420.000 tỷ đồng), tăng 13,95% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến số thu năm 2022 đạt 440 ngàn tỷ, vượt 80 ngàn tỷ so với dự toán được giao và 20 ngàn tỷ so với chỉ tiêu phấn đấu.
Để có được mức tăng trưởng đáng phấn khởi sau đại dịch viêm đường hô hấp Covid 19 là kết quả nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, đã vượt qua khó khăn để ổn định sản xuất, giữ vững thị trường, bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế. Cùng với đó là sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng hành với doanh nghiệp và người dân để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là sự đóng góp quan trọng của ngành hải quan trong việc hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu, bảo đảm nguồn nguyên liệu, chuỗi cung ứng, cũng như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh thủ tục thông quan.
Sự kiện 7: Đưa ra giải pháp, công cụ quản lý đối với việc hàng hoá XNK qua đường bộ bằng việc triển khai Hệ thống khai báo, tiếp nhận, xử lý Bản kê thông tin hàng hoá nhập khẩu.
Thực hiện quy định tại Điều 66 Luật Hải quan năm 2014 về vấn đề: “Chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải, người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền hoặc người phát hành chứng từ vận chuyển phải thông báo thông tin trực tiếp cho cơ quan hải quan hoặc qua hệ thống thông tin một cửa quốc gia về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và hành khách xuất cảnh, nhập cảnh trên phương tiện vận tải trước khi nhập cảnh, xuất cảnh”.Tuy nhiên, do trước đây Hệ thống khai báo, tiếp nhận, xử lý và trả kết quả cho người khai chưa được hỗ trợ nên người khai thực hiện nộp 01 bản chính Bản kê thông tin hàng hóa nhập khẩu (bản giấy) cho Chi cục Hải quan cửa khẩu.
Sau khi đã triển khai xây dựng Hệ thống khai báo, tiếp nhận, xử lý Bản kê thông tin hàng hoá nhập khẩu và bổ sung một số các chức năng hỗ trợ người dùng cũng như cơ quan hải quan thực hiện công tác quản lý, giám sát phương tiện vận tải nhập cảnh, hàng hoá nhập khẩu đưa vào đưa ra khu vực cửa khẩu, ngày 11/01/2021, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 119/TCHQ-GSQL hướng dẫn chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải, người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền thực hiện khai báo thông tin về phương tiện vận tải, hàng hóa nhập khẩu trước khi đưa hàng hóa vào lãnh thổ Việt Nam theo các chỉ tiêu thông tin tại Bản kê thông tin hàng hóa nhập khẩu tại mẫu BKTTHH/2021/NK ban hành kèm công văn nêu trên.
Sau một thời gian chạy thử, Hệ thống đã thể hiện những ưu điểm vượt trội:
(1) Hệ thống được hoàn thiện và bổ sung một số chức năng hỗ trợ người dùng đã mang lại nhiều lợi ích, giúp tiết kiệm được thời gian, chi phí, giấy tờ, hồ sơ, nhân lực…
(2) Người khai hải quan, doanh nghiệp có thể nộp tại bất kỳ địa điểm nào có kết nối internet, một nhân viên khai báo cho nhiều bản kê. Hệ thống tự động tiếp nhận và trả kết quả cho người khai. Người khai chỉ cần sử dụng kết quả và cung cấp số bản kê/ mã vạch (barcode) cho cơ quan hải quan để xác nhận hàng vào cửa khẩu. Người khai hoàn toàn chủ động, lưu thông tin, khai bổ sung sửa đổi trước khi nộp lên hệ thống, không cần in bản kê để chờ cơ quan hải quan đóng dấu xác nhận, không phải lưu hồ sơ giấy.
(3) Đối với cơ quan hải quan: hệ thống tự động tiếp nhận, kiểm tra và trả kết quả cho người khai, tiếp nhận số bản kê/mã barcode, tra cứu trên hệ thống, tra cứu và xác nhận thông tin và hàng hóa vào lãnh thổ trên hệ thống thì đây là một nghiệp vụ rất quan trọng trong công tác cải cách, hiện đại hoá của ngành Hải quan, tạo cơ sở dữ liệu điện tử phục vụ Hệ thống Hải quan số, hải quan thông minh đối với cửa khẩu biên giới đường bộ, đường sông quốc tế.
Để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và các đơn vị hải quan nắm được phần mềm khai báo, tiếp nhận, kiểm tra, xác nhận bản kê thông tin hàng hóa điện tử dự kiến sẽ được triển khai chính thức trên toàn quốc; hướng dẫn chi tiết nghiệp vụ khai báo, tiếp nhận, kiểm tra, xác nhận bản kê thông tin hàng hóa nhập khẩu điện tử tại các khâu nghiệp vụ; tiếp nhận, trao đổi những tình huống, vướng mắc phát sinh liên quan… Tổng cục Hải quan đã tổ chức đợt tập huấn giới thiệu, triển khai, hướng dẫn tại tỉnh Quảng Ninh với đại diện 50 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh nhập khẩu, xuất khẩu hàng hoá trên địa bàn tỉnh và các công chức hải quan có liên quan đến nghiệp vụ kiểm tra chi tiết hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa, giám sát hàng hóa. Bên cạnh đó, cũng tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu trên các báo, đài về phần mềm này.
Trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục triển khai tập huấn giới thiệu và hướng dẫn đến Doanh nghiệp và công chức Hải quan nhằm đảm bảo việc thực hiện được chính xác, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quản lý; qua đó nâng cao công tác cải cách, hiện đại hóa các khâu nghiệp vụ tiến tới Hải quan số, phi giấy tờ.
Sự kiện 8: Ký Tuyên bố Ý định về tăng cường, mở rộng hợp tác lẫn nhau giữa Tổng cục Hải quan Việt Nam với Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ.
Nhằm triển khai Hiệp định hỗ trợ lẫn nhau giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ có hiệu lực từ ngày 20/5/2020, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn đã có chuyến công tác tại Hải quan Hoa Kỳ từ ngày 6-10/6/2022 và hội đàm song phương với Cao ủy Hải quan Hoa Kỳ để trao đổi về các hoạt động hợp tác song phương trong khuôn khổ Hiệp định hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian tới. Sau Hội đàm, Lãnh đạo Hải quan hai nước đã ký Tuyên bố Ý định về tăng cường, mở rộng hợp tác lẫn nhau. Tuyên bố Ý định này thể hiện mối quan tâm của hai Bên trong việc xây dựng mối quan hệ hợp tác lâu dài trên tinh thần hiệu quả, tập trung vào các vấn đề nghiệp vụ chuyên sâu và sẽ được hai Bên thực hiện ngay sau khi ký với phạm vi hợp tác và hỗ trợ nằm trong khuôn khổ các quy định của Hiệp định và các quy định pháp luật của mỗi Bên.
Tại sự kiện này, Lãnh đạo Hải quan hai nước trao đổi về bối cảnh quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ trong những năm qua với sự tăng trưởng vượt bậc về kim ngạch và vượt mốc 100 tỷ USD vào năm 2021, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ và Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, hai bên thừa nhận những cơ hội đi kèm với các thách thức đối với hai cơ quan hải quan của hai nước trong việc tạo thuận lợi thương mại, đảm bảo an toàn, an ninh quốc gia và khẳng định tầm quan trọng của việc thực thi hiệu quả Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực hải quan giữa Việt Nam và Hoa Kỳ với các nội dung hợp tác cụ thể trong lĩnh vực hải quan bao gồm: trao đổi thông tin tình báo, hỗ trợ xác minh thông tin và điều tra nhằm ngăn chặn vi phạm hải quan, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh thuế và các biện pháp phòng vệ thương mại và hỗ trợ kỹ thuật tăng cường năng lực thực thi pháp luật hải quan của mỗi Bên.
Việc ký Tuyên bố Ý định về tăng cường, mở rộng hợp tác giữa Hải quan hai nước hứa hẹn sẽ thúc đẩy mạnh mẽ tăng cường hiệu quả thực thi Hiệp định đã ký, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan hải quan góp phần tạo thuận lợi cho thương mại hợp pháp song song với đảm bảo an ninh thương mại và an ninh quốc gia, đồng thời tăng cường năng lực cơ quan hải quan trong việc phát hiện và ngăn chặn các vi phạm hải quan tạo thuận lợi cho hàng hóa nhập khẩu của mỗi bên, qua đó thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế thương mại song phương giữa hai nước.
Sự kiện 9: Ban hành và triển khai Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan; Tổ chức thành công Diễn đàn Hải quan – Doanh nghiệp với chủ đề: “Hải quan Việt Nam tạo thuận lợi cho thương mại và logistics phát triển” và tôn vinh “Doanh nghiệp nộp thuế lớn, tuân thủ tốt pháp luật về hải quan”.
Ngày 15/7/2022, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định 1399/QĐ-TCHQ về Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan. Mục tiêu của Chương trình: trên 80% doanh nghiệp tham gia được tăng mức tuân thủ hoặc giữ nguyên mức độ tuân thủ cao, trên 80% doanh nghiệp tham gia hài lòng về các biện pháp hỗ trợ của cơ quan hải quan. Chương trình hướng đến sau 2 năm triển khai thực hiện, 100% doanh nghiệp tham gia Chương trình không bị xử lý về các hành vi vi phạm pháp luật hải quan thuộc Mục I Phụ lục VI Thông tư 81/2019/TT-BTC ngày 15/11/2019 của Bộ Tài chính, được đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật ở mức 2 (tuân thủ cao), mức 3 (tuân thủ trung bình) theo quy định tại Thông tư 81/2019/TT-BTC. Sau 5 năm thực hiện Chương trình, phấn đấu tăng tỷ lệ doanh nghiệp tuân thủ mức 2, mức 3 đạt trên 20% tổng số doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu. Các chuỗi hoạt động đã triển khai:
– Thành lập Nhóm chuyên trách thực hiện Chương trình thực hiện các hoạt động hỗ trợ về tư vấn, giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp khi tham gia Chương trình. Kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn triển khai Quyết định 1399/QĐ-TCHQ cho các đơn vị Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện; Tổ chức hội nghị trực tuyến trong ngành để đảm bảo triển khai đồng bộ, thống nhất từ cấp Tổng cục đến Cục Hải quan và Chi cục Hải quan trong việc tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia Chương trình.
– Tổng cục Hải quan phối hợp với tổ chức USAID tổ chức 04 hội nghị tuyên truyền Chương trình tại miền Bắc, miền Trung, miền Nam và miền Tây và triển khai, ký kết biên bản ghi nhớ thực hiện Chương trình với một số doanh nghiệp. Hội nghị đã được cộng đồng doanh nghiệp, VCCI, Hiệp hội doanh nghiệp hưởng ứng tham dự. Thực hiện tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp thông qua các tờ rơi để giới thiệu một số nội dung Chương trình; phối hợp với 24 đầu báo đưa tin, bài, ghi hình như trên Bản tin chuyển động của Đài truyền hình Việt Nam VTV1, viết bài trên các trang báo haiquanonline.com và Tạp chí Hải quan…
Kết quả: Tính đến ngày 8/11/2022, Cơ quan Hải quan đã thực hiện ký kết biên bản ghi nhớ với 160 DN tham gia Chương trình. Hiện nay các Cục Hải quan tỉnh, thành phố đang tiếp tục tiến hành tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ với doanh nghiệp trên địa bàn các đơn vị quản lý. Chương trình thí điểm bước đầu giúp cơ quan Hải quan nâng cao hiệu quả quản lý hải quan trong hoạt động xuất nhập khẩu và phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật Hải quan. Thêm vào đó, thiết lập quan hệ đối tác giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp, doanh nghiệp tham gia Chương trình trở thành đối tác tin cậy, đồng hành cùng cơ quan Hải quan và là thành viên lan tỏa những lợi ích của Chương trình. Từ đó nâng cao tính tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan trong cộng đồng doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của cơ quan hải quan. Đặc biệt, góp phần đáp ứng các yêu cầu cải cách, hiện đại hóa, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị Quyết 02/NQ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ.
Ngày 8/9, Diễn đàn Hải quan- Doanh nghiệp diễn ra với chủ đề: “Hải quan Việt Nam tạo thuận lợi cho thương mại và logistics phát triển” và tôn vinh “Doanh nghiệp nộp thuế lớn, tuân thủ tốt pháp luật về hải quan”. Đây là hoạt động thiết thực, thể hiện sự quan tâm, đồng hành của ngành Hải quan cùng doanh nghiệp trong hoạt động tạo thuận lợi cho thương mại và logistics phát triển tại Việt Nam; qua đó ghi nhận, biểu dương, tôn vinh 9 doanh nghiệp đóng góp số thuế lớn qua hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa vào ngân sách Nhà nước, tuân thủ tốt pháp luật về hải quan, góp phần vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Đây là những doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước và nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Phát biểu tại Diễn đàn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn khẳng định, không chỉ cố gắng, quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua giai đoạn cam go của đại dịch, từ nhiều năm qua, ngành Hải quan đã xác định tạo thuận lợi thương mại là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Ngành.
Sự kiện 10: Tổ chức thành công Đại hội 52 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ quan Tổng cục Hải quan nhiệm kỳ 2022-2025.
Thực hiện Điều lệ Đảng và các quy định, hướng dẫn của Trung ương về tổ chức đại hội chi bộ trực thuộc nhiệm kỳ 2022 – 2025, ngày 20/6/2022, Ban Thường vụ Đảng ủy cơ quan Tổng cục Hải quan đã ban hành Hướng dẫn số 334 -HD/ĐU về tổ chức đại hội chi bộ trực thuộc nhiệm kỳ 2022 – 2025 trong Đảng bộ cơ quan Tổng cục Hải quan. Theo đó, nội dung đại hội nhằm tổng kết, đánh giá việc thực hiện nghị quyết đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2020 – 2022; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2022 – 2025; kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của chi ủy trong nhiệm kỳ 2020 – 2022; bầu chi ủy, bí thư, phó bí thư chi bộ nhiệm kỳ 2022 – 2025.
Đại hội chi bộ là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng của chi bộ và toàn thể đảng viên, vì vậy được chuẩn bị chu đáo. Trong thời gian từ ngày 02/8/2022 đến ngày 11/10/2022, 52 chi bộ trực thuộc Đảng bộ Cơ quan Tổng cục Hải quan tổ chức đại hội thành công tốt đẹp cả về nội dung, hình thức, cách thức. Báo cáo chính trị của các chi bộ đánh giá đúng thực trạng tình hình thực hiện nghị quyết đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2020 – 2022; làm rõ những ưu điểm, khuyết điểm hạn chế trên các lĩnh vực. Từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp với đặc điểm, tình hình của chi bộ để triển khai thực hiện.
52 cấp ủy chi bộ đã đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình với thái độ nghiêm túc, thẳng thắn; đánh giá đúng kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện trong nhiệm kỳ qua của tập thể chi ủy, bí thư, phó bí thư và chi ủy viên trong nhiệm kỳ; chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan của những hạn chế, yếu kém để đề ra kế hoạch, lộ trình, biện pháp sửa chữa, khắc phục kịp thời.
Qua Đại hội đã lựa chọn, giới thiệu nhân sự chi ủy, bí thư, phó bí thư chi bộ nhiệm kỳ 2022 – 2025 căn cứ vào tiêu chuẩn chung đối với cấp ủy viên được nêu trong Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị, Hướng dẫn số 334 -HD/ĐU về tổ chức đại hội chi bộ trực thuộc nhiệm kỳ 2022 – 2025, các chi ủy đã chú trọng nâng cao chất lượng chi ủy, bí thư chi bộ. Cấp ủy các chi bộ trực thuộc luôn đề cao các tiêu chí về lập trường tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực thực tiễn thể hiện bằng hiệu quả công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có uy tín và khả năng đoàn kết, quy tụ; có sức khoẻ và phong cách làm việc khoa học, dân chủ, sâu sát, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung… Nhân sự bí thư, phó bí thư chi bộ phải tiêu biểu về trí tuệ, đạo đức, lối sống, uy tín, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn, được cán bộ, đảng viên tín nhiệm. Công tác nhân sự được thực hiện đúng quy trình, đảm bảo tiêu chí đề ra và được cấp ủy có thẩm quyền kết luận tiêu chuẩn chính trị.
Kết quả sau Đại hội có 52/52 chi bộ được chuẩn y cấp ủy, bí thư, phó bí thư, trong đó có 49 đồng chí bí thư, 50 đồng chí phó bí thư và 79 đồng chí chi ủy viên vừa hồng vừa chuyên.