Chuyển đổi số logistics là tất yếu
Chiều 28/5, UBND TP Hải Phòng phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Diễn đàn Logistics vùng lần thứ V với chủ đề “Chuyển đổi số – động lực mới thúc đẩy tăng trưởng vùng Đồng bằng sông Hồng – Hải Phòng 2024″.
Dự diễn đàn, có ông Nguyễn Đức Hiển – Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân – Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch VCCI, ông Nguyễn Đức Thọ – Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, cùng đại diện các bộ, ban, ngành, các chuyên gia, doanh nghiệp.
Toàn cảnh diễn đàn Logistics vùng Đồng bằng sông Hồng lần thứ V. |
Phát biểu tại diễn đàn, ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch VCCI – cho biết, khảo sát của Bộ Công thương cho thấy 90,5% doanh nghiệp dịch vụ logistics tham gia khảo sát đang ở giai đoạn số hóa, gồm cấp độ 1 (tin học hóa) và cấp độ 2 (kết nối).
Chỉ có 5% doanh nghiệp dịch vụ logistics đã tiến lên cấp độ 3 (trực quan hóa), 2,2% ở cấp độ 4 (minh bạch hóa). Đặc biệt, chỉ có 1,9% doanh nghiệp đã tiến đến cấp độ 5 là có khả năng dự báo và chỉ 0,4% doanh nghiệp đạt đến cấp độ cao nhất là có khả năng thích ứng.
Theo ông Công, chuyển đổi số đang không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu của ngành logistics trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Sự phát triển của thị trường logistics tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp dịch vụ logistics, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua ứng dụng công nghệ số.
Hải Phòng thu hút đầu tư phát triển 3 trụ cột
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Đức Thọ – Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng – cho biết, địa phương xác định logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu kinh tế do đó thành phố đã triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm thúc đẩy phát triển logistics và đã đạt được nhiều kết quả.
Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải (22.500 ha) và 14 khu công nghiệp (6.000 ha) tạo nên tiềm năng, lợi thế kết nối logistics từ hệ thống cảng biển, hàng không và hệ thống giao thông thuận lợi thu hút các nhà đầu tư trong sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu.
Ông Nguyễn Đức Thọ – Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng.
Thành phố cũng phát triển 5 khu bến với 98 cầu bến các loại, nổi bật là khu bến cảng Lạch Huyện với chức năng cửa ngõ, kết hợp trung chuyển quốc tế, có thể tiếp nhận tàu 200.000 tấn… Đặc biệt, môi trường đầu tư kinh doanh tại Hải Phòng đang tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ, các chỉ số cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh đều lọt top dẫn đầu cả nước.
“Hải Phòng đang tập trung xúc tiến và thu hút đầu tư theo hướng phát triển 3 trụ cột kinh tế, gồm: công nghiệp – công nghệ cao; cảng biển – logistics; du lịch – thương mại”, ông Nguyễn Đức Thọ nhấn mạnh.
Cũng trong diễn đàn, các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp logistics đã thảo luận, nhận diện nhiều điểm nghẽn trong chuyển đổi số logistics. Qua đó, chỉ ra nhiều bài học quốc tế kết hợp thực tiễn tại Việt Nam và đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số ngành theo hướng liên kết vùng, tận dụng lợi thế, cơ hội phát triển đúng tiềm năng.
6 nhiệm vụ phát triển logistics
Ông Nguyễn Đức Hiển – Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương – cho biết, bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics của Ngân hàng thế giới năm 2023 thể hiện Việt Nam tiếp tục đà tăng điểm, xếp hạng thứ 43 nhờ sự cải thiện các yếu tố về hạ tầng, hải quan và gửi hàng quốc tế. Việt Nam cũng lọt top 10 thị trường logistics mới nổi, xếp hạng 4 về chỉ tiêu cơ hội logistics quốc tế, được đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển hàng đầu của khu vực Đông Nam Á.
Theo ông Hiển, ngành logistics của Việt Nam còn nhiều hạn chế như: Vận tải hàng hóa trong nước chủ yếu bằng đường bộ, chi phí cao; năng lực và chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp còn hạn chế. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu còn yếu; chưa hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp logistics có quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt, tiên phong tiến ra thị trường quốc tế.
Ông Nguyễn Đức Hiển – Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương – phát biểu tại diễn đàn. |
Vùng Đồng bằng sông Hồng, quỹ đất để xây dựng hệ thống kho, bãi, trung tâm trung chuyển hàng hóa, trung tâm logistics không nhiều, vốn đầu tư của các doanh nghiệp chưa lớn. Ở một số địa phương, hệ thống kho bãi còn nhỏ lẻ, thiếu liên kết…
Ông Nguyễn Đức Hiển kiến nghị 6 nhiệm vụ trọng tâm triển khai trong thời gian tới để phát triển logistics và thúc đẩy chuyển đổi số ngành logistics. Trong đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thể chế, nhất là việc thể chế hóa kịp thời các quan điểm, đường lối của Đảng trong phát triển logistics và quá trình chuyển đổi số của ngành.
Chú trọng xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng logistics đồng bộ, hiện đại; phát huy vai trò của logistics thúc đẩy liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương nội vùng mạnh mẽ. Tháo gỡ các cơ chế chính sách trong hoạt động đầu tư hạ tầng thúc đẩy liên kết vùng… để quá trình xây dựng hạ tầng cho logistics đi vào thực tiễn.
Khu bến Lạch Huyện, Hải Phòng (ảnh: VnEconomy).
Phát triển logistics thông minh dựa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành logistics, tận dụng và khai thác tối đa hiệu quả của quá trình chuyển đổi số để phát triển ngành logistics. Đặc biệt, cần sớm xây dựng và công bố xây dựng nền tảng số quốc gia về quản trị và kinh doanh vận tải.
Phát triển hệ thống phân phối hàng hóa đủ sức tham gia vào mạng lưới phân phối toàn cầu; phát triển thương mại điện tử, các loại hình thương mại dựa trên nền tảng số hóa. Chú trọng huy động các nguồn lực cho phát triển logistics theo hướng xã hội hóa, tăng cường hợp tác công – tư trong xây dựng và phát triển các trung tâm logistic trong và ngoài nước, đặc biệt đối với các thị trường đối tác chiến lược.