Trong tháng 1/2023, Việt Nam chi gần 911 triệu USD cho nhập khẩu xăng dầu, giá bình quân khoảng 889 USD/m3.

Theo Tổng cục Hải quan trong tháng 1/2023, Việt Nam nhập khẩu hơn 1 triệu m3 xăng dầu, tương đương 911 triệu USD, tăng 9% về lượng và tăng 11% về giá trị so với tháng 12/2022. So với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu xăng dầu giảm 67% về lượng và giảm 2 lần về giá trị.

Trong tháng 1, giá giá xăng dầu nhập khẩu ở mức 889 USD/m3, tăng 17 USD/thùng so với tháng trước và tăng 21% so với tháng 1/2022.

 

Trước đó cả năm 2022, Việt Nam nhập khẩu gần 8,9 triệu m3 xăng dầu các loại, tương đương gần 9 tỷ USD, tăng 28% về lượng và gấp gần 2,2 lần về giá trị so với năm 2021. Bình quân năm 2022, giá xăng dầu nhập khẩu khoảng 1.007 USD/m3, tăng 67% so với năm 2021.

Trong ngày cuối năm 2022, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn gặp sự cố kỹ thuật rò rỉ xúc tác tại khớp nối giãn nở nhiệt thấp tài sinh của phân xưởng RFCC và ngừng tạm thời phân xưởng để khắc phục, dự kiến hoàn thành vào sau ngày 10/1/2023.

Phân xưởng chế biến dầu thô và các phân xưởng công nghệ khác được duy trì hoạt động ở công suất thấp hơn kế hoạch trong thời gian sửa chữa này. Do đó, sản lượng xăng dầu trong 10 ngày đầu tháng 1/2023 sẽ bị giảm khoảng 20-25% so với kế hoạch.

Sau thời gian khắc phục, sửa chữa, nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã khắc phục xong sự cố từ chiều 13/1, đạt 100% công suất từ chiều 15/1.

Ông Lê Nguyễn Quốc Vinh, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn khẳng định nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cam kết bảo đảm cung ứng đủ lượng xăng dầu đáp ứng nhu cầu thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Đồng thời chủ động tăng công suất cao nhất trước kỳ bảo dưỡng định kỳ trong năm để bù đắp sản lượng trong thời gian bảo dưỡng, đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu thị trường và an ninh năng lượng quốc gia. Dự kiến tháng 1/2023, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sản xuất và cung ứng ra thị trường 600.000 m3 xăng đầu.

Để đảm bảo xăng dầu cho thị trường trong nước khi các nhà máy lọc dầu gặp sự cố kỹ thuật hoặc bảo dưỡng định kỳ, Bộ Công Thương đã giao các doanh nghiệp đầu mối tìm kiếm thị trường và tăng nhập khẩu xăng dầu, thực hiện đúng tiến độ tổng nguồn xăng dầu đã được Bộ phân giao năm 2023.

Tại hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014, một số doanh nghiệp phân phối xăng dầu đề xuất đưa kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trở lại chu kỳ 15 ngày/lần.

Cụ thể, ông Hoàng Trung Dũng, Tổng Giám đốc CTCP Phát triển Phụ gia và Sản phẩm Dầu mỏ (APP) đánh giá Nghị định 95/2021 hiện hành cơ bản hoàn chỉnh, giai đoạn 2018 – 2021 chịu ảnh hưởng của dịch COVID nhưng hoạt động của doanh nghiệp vẫn ổn định, chiết khấu tốt.

Tuy nhiên, một điểm chưa hợp lý là điều hành giá xăng dầu 10 ngày/lần thường xuyên trùng vào ngày cuối tuần, ngày lễ, Tết… và phải lùi ngày.

Do đó, ông Dũng đề nghị quay lại điều hành giá xăng dầu 15 ngày/lần do chu kỳ nhập khẩu xăng dầu từ Trung Quốc, Hàn Quốc về Việt Nam cần khoảng 15-20 ngày. Đồng thời nếu giá xăng dầu có biến động từ 5% trở lên, Liên Bộ Công Thương – Tài chính sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh sớm.

Tương tự, ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT CTCP Thương mại Dầu khí Đồng Nai cũng đề xuất quay lại điều chỉnh giá xăng dầu 15 ngày/lần để đảm bảo cân đối giá, sổ sách.

Hoàng Anh – Doanh nghiệp & Kinh doanh