Ngày 4/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên ký công văn hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn trước tình hình ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái và lan sang các cảng khác như Cái Mép, Hải Phòng và có các tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu:

Bộ Công Thương cho hay, theo Báo cáo của Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, sau 3 tuần thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16, sản lượng container xuất nhập tàu, sản lượng container giao nhận bãi, số lượt xe ra, vào cảng giao nhận hàng liên tục giảm so với cùng kỳ trước đó, kéo theo dung lượng tồn bãi cảng Cát Lái tăng cao.

Cụ thể sản lượng container xuất nhập thông qua cảng giảm lần lượt theo các tuần là 0,2%; 18,03% và 5,4%. Sản lượng giao container hàng nhập, nhận container hàng xuất giảm lần lượt 4,78%; 10,48% và 18,13%. Lượt xe ra/vào cảng giảm lần lượt 3,14%; 10,05% và 15,59%. Đến nay, sản lượng tồn bãi tiệm cận mức tối đa cho phép, đặc biệt sản lượng hàng nhập luôn trên 100% công suất.

Hiện nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa phản ánh tình trạng ùn tắc giao thông bên ngoài cảng Cát Lái làm các doanh nghiệp luôn rơi vào tình cảnh giao nhận hàng không đúng thời gian quy định trong hợp đồng.

Trước tình hình ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái còn có thể kéo dài và lan sang các cảng khác như Cái Mép, Hải Phòng, tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương xin kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, làm việc với cảng Cát Lái nói riêng và các cảng biển lớn khác trên cả nước nói chung để khẩn trương đưa ra giải pháp cụ thể.

Cùng đó, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các bên điều tiết lượng hàng nhập về cảng Cát Lái, tạm thời ngưng chuyển container hàng nhập từ các cảng khu vực Cái Mép, Hiệp Phước về Cát Lái mà các chủ hàng cần nhận trực tiếp ở khu vực Cái Mép hoặc Hiệp Phước, các cảng khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nơi gần nhà máy, doanh nghiệp của mình. Các chủ hàng, hãng tàu cần hạn chế số chuyến tàu hoặc giãn tiến độ nhập container với hàng nhập của các doanh nghiệp, nhà máy đang giảm quy mô và sản lượng sản xuất.

Bộ Công Thương cũng đề nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan nghiên cứu cơ chế cho phép cảng Cát Lái vận chuyển container hàng nhập khẩu nói chung, trong đó có cả loại container tồn đọng trên 90 ngày từ cảng Cát Lái về lưu giữ, thông quan, giao cho khách hàng tại các cơ sở của Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn là cảng Tân cảng Hiệp Phước (TPHCM), các ICD Tân cảng Long Bình, ICD Tân cảng Nhơn Trạch (Đồng Nai), ICD Tân cảng Sóng Thần (Bình Dương). Qua đó giảm tải và tăng năng lực chứa tại cảng Cát Lái, giảm tình trạng ùn tắc hiện nay.

Đáng chú ý, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng giao Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn xem xét giảm giá lưu container, lưu bãi cho hàng hóa ở cảng Cát Lái của các doanh nghiệp đang bị dừng sản xuất do tác động của dịch COVID-19.

Bộ Tài chính lên tiếng về thủ tục hải quan để giảm tải cho cảng Cát Lái

Trước tình trạng cảng Cát Lái ùn ứ hàng hoá, quá tải kho bãi, Bộ GTVT đã gửi văn bản đi các bộ ngành liên quan đề nghị tham gia xử lý khó khăn để giải phóng hàng ở cảng Cát Lái.

Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, hiện thủ tục hải quan, kiểm tra chuyên ngành với hàng hoá xuất nhập khẩu, quá cảnh đã theo cơ chế 1 cửa Quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN.

Với hồ sơ hải quan, theo bà Mai, các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan, hồ sơ thuế, tiền phạt, nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O)… các doanh nghiệp nộp bản scan cho cơ quan hải quan qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan. Hồ sơ giấy gửi sau qua đường bưu điện.

Bộ Tài chính cho biết, ngày 2/8, Tổng cục Hải quan cũng có văn bản hướng dẫn Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn triển khai áp dụng thủ tục hải quan tạm thời, để giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái. Trong đó, có giải pháp chuyển hàng nhập khẩu từ cảng Cát Lái về các cảng biển, hoặc cảng cạn khác để lưu giữ.

Tổng cục Hải quan đề nghị Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn có ý kiến gửi các đơn vị kiểm tra chuyên ngành tại cảng biển để đẩy nhanh kiểm tra và trả kết quả để rút ngắn thời gian thông quan, sớm giải phóng hàng.

Do đó, theo Bộ Tài chính, để tiếp tục giảm tải cho cảng Cát Lái, Bộ GTVT cần chỉ đạo Cục Hàng hải có kế hoạch điều tiết tàu chở hàng tới các cảng biển khác trong khu vực.

Từ nửa tháng nay, khi dịch COVID-19 bùng phát tại TPHCM và các địa phương lân cận, hoạt động sản xuất, kinh doanh ngưng trệ, dẫn tới hàng nhập về cảng Cát Lái không được doanh nghiệp tới nhận gây quá tải kho bãi của cảng.

Do đó, cảng Cát Lái đã phải thông báo tạm dừng tiếp nhận một số tàu và loại hàng do không còn kho bãi.