Giá nhiều mặt hàng giảm mạnh, xuất khẩu chỉ đạt tăng trưởng 7,5%

Nhiều loại hàng hóa đang chịu áp lực cạnh tranh gay gắt khiến giá giảm mạnh. Đến thời điểm này, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% vẫn còn ở khoảng cách khá xa.

xuat-khau-gao-1470906866406

Giá xuất khẩu giảm mạnh

Tính đến hết tháng 11, kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt 159,5 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 45,4 tỷ USD, tăng 4,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 114 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, xuất khẩu của nhóm hàng nông sản, thủy sản đã có chuyển biến tích cực, ước tính sau 11 tháng, xuất khẩu của nhóm này thu về 20,2 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoài, trong khi cùng kỳ năm ngoài, xuất khẩu của nhóm giảm 7,6%.

Dù được lợi về lượng nhưng giá giảm nông sản thế giới ở mức thấp đã tác động đến kim ngạch xuất khẩu chung của toàn ngành. Riêng mặt hàng gạo mức giảm lên tới 24,2% so với cùng kỳ và xuất khẩu mặt hàng này dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong tháng tới.

Chưa kể giá xuất khẩu của các mặt hàng thủy sản giảm cũng kéo kim ngạch xuất khẩu chung hụt đi khoảng 452 triệu USD so với cùng kỳ.

Đối với nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản, sau 11 tháng, xuất khẩu ước đạt 3,072 tỷ USD, giảm 32,8% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, giá than đá giảm 41,6% còn dầu thô giá cũng giảm 39,7%.

“Tính chung do giảm giá và lượng khiến kim ngạch xuất khẩu của nhóm nhiên liệu và khoáng sản giảm đến hơn 1,4 tỷ USD so với cùng kỳ,” Bộ Công Thương cho biết.

Kỳ vọng lớn nhất là nhóm hàng công nghiệp chế biến, tuy nhiên do giá giảm mạnh nên sau 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu của nhóm này ước đạt 128 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ (giảm mạnh so với mức tăng trưởng 16,5% của cùng kỳ năm 2015.)

Khó đạt tăng trưởng 10%

Ở chiều ngược lại, báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, sau 11 tháng, cả nước nhập khẩu ước khoảng 157 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 63,8 tỷ USD, tăng 3,4%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 92,8 tỷ USD, tăng 3,6%.
Một số mặt hàng có mức nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ 2015 là than đá tăng 75,3%; lúa mỳ tăng 60,6%; thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh tăng 46,8%; hạt điều tăng 42,4%.
Theo Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), nhóm hàng cần nhập khẩu 11 tháng năm 2016 tăng 3,3% tập trung chủ yếu ở nhóm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.
“Đây là dấu hiệu khả quan cho thấy việc phục hồi sản xuất ở cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài,” đại diện Vụ Kế hoạch đánh giá.
Trong khi đó, nhóm hàng cần kiểm soát và hạn chế nhập khẩu có mức tăng trưởng tương đối cao, lần lượt là 14,6% và 10,2%, trong đó nhóm hàng tiêu dùng rau quả tăng tới 44,7% và xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi tăng 27,2%…
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 28,5% nhưng sau 11 tháng nhập khẩu từ thị trường này giảm 1% so với cùng kỳ. Trong khi Việt Nam nhập từ Hàn Quốc tăng 13,2% và nhập từ thị trường châu Âu tăng 7,6%.
Như vậy, sau 11 tháng, cả nước xuất siêu ước khoảng 2,8 tỷ USD, bằng khoảng 1,8% kim ngạch xuất khẩu.

Mặc dù tăng trưởng xuất khẩu trong 11 tháng là 7,5% cao hơn so với 10 tháng (là 7%), nhưng so với mục tiêu chung mà Quốc hội đề ra là 10% thì kết quả trên vẫn ở khoách cách khá xa.
Trước thực tế trên, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động Xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu cũng như chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu và đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu lớn để từng bước giảm thâm hụt thương mại.
Giải pháp dài hơi là phối hợp với các bộ, ngành, tìm ra những ưu thế của của từng nhóm ngành hàng cụ thể, qua đó có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu, phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành trong thời gian tới./.

Nguồn: Vietnam+