Tại hội thảo “Diễn biến nguồn cung nguyên liệu gỗ” năm 2017 do Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam tổ chức ngày 14-12, nhiều ý kiến cho rằng cần thiết phải tăng thuế xuất khẩu đối với gỗ tròn và gỗ xẻ để bảo vệ ngành chế biến gỗ xuất khẩu trong nước và đảm bảo nguồn gỗ nguyên liệu rừng trồng được cung cấp đầy đủ và bền vững.
Đề xuất trên được đưa ra trong bối cảnh gỗ nguyên liệu trong khu vực và trên toàn cầu diễn biến phức tạp khó lường. Trong đó, các doanh nghiệp Việt Nam đang vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các nhà thương mại và nhà sản xuất Trung Quốc.
Nguy cơ khủng hoảng thiếu gỗ nguyên liệu
Ngành công nghiệp chế biến gỗ đã đóng góp đáng kể vào giá trị kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Cụ thể, năm 2015 giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,9 tỷ USD, tăng 10,7% so với năm 2014, trong đó sản phẩm gỗ đạt 4,8 tỷ USD (tăng gần 8%). Riêng trong 10 tháng năm 2016 giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt 5,6 tỷ USD, trong đó sản phẩm gỗ đạt 4,1 tỷ USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm 2015.
Dự báo ngành chế biến gỗ Việt Nam sẽ còn tiếp tục mở rộng trong những năm tới. Điều này đang đặt ra bài toán cung ứng lượng gỗ nguyên liệu rất lớn từ nguồn nhập khẩu và rừng trồng trong nước. Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores), lượng gỗ sử dụng trong ngành chế biến gỗ không ngừng tăng lên, từ mức 25,7 triệu m3 gỗ quy tròn năm 2013 lên mức 31,3 triệu m3 vào năm 2015. Trong 10 tháng năm 2016, tổng lượng gỗ dùng cho chế biến cũng đã lên tới 26,7 triệu m3.
Trong khi đó, mới đây Trung Quốc đã ban hành chính sách đóng cửa rừng tự nhiên, cấm khai thác và xuất khẩu gỗ nguyên liệu. Để bù đắp cho sự thiếu hụt nguyên liệu gỗ đó, thương nhân Trung Quốc sẽ tràn ra các nước trên thế giới để thu mua nguyên liệu không chỉ ở thị trường Việt Nam mà cả các thị trường thế giới mà Việt Nam đã và đang thu mua. Cùng với đó, các nước Lào và Campuchia cũng đã có chính sách cấm xuất khẩu gỗ tròn và gỗ xẻ từ rừng trồng.
Ngoài ra, gỗ rừng trồng trong nước của Việt Nam hiện có một số hạn chế như chủ yếu có đường kính nhỏ, chất lượng và năng suất thấp… từ đó tác động lớn tới chất lượng, giá thành và sức cạnh tranh của sản phẩm. Hiện gỗ rừng trồng tại Việt Nam mới chỉ có khoảng 200.000 ha được cấp chứng chỉ FSC, tương đương 8% diện tích rừng trồng sản xuất của cả nước. Do đó, yêu cầu trong các năm tới phải có 100% gỗ có chứng chỉ FSC và gỗ hợp pháp là một thách thức lớn đối với doanh nghiệp gỗ Việt Nam.
Ngoài ra, dự kiến đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam sẽ đạt 10 tỷ USD, do đó nhu cầu nguyên liệu gỗ sẽ tăng thêm 4-5 triệu m3/năm. Đây là một thách thức không nhỏ trên con đường thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ và tiêu dùng trong nước.
Kiến nghị 1 mức thuế xuất khẩu gỗ là 20%
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Định cho hay, thời gian qua nổi lên tình trạng một số công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và thương nhân của Trung Quốc đội lốt doanh nghiệp Việt Nam hình thành những hệ thống nhà máy và cơ sở thu mua nguyên liệu gỗ ở hầu khắp các vùng nguyên liệu gỗ cao su và gỗ keo tràm từ miền Nam ra đến khu vực Miền Trung – Tây Nguyên để xuất khẩu sang Trung Quốc. Vấn đề cạnh tranh khống chế thị trường cung cấp gỗ nguyên liệu này đang tạo ra sức ép rất lớn, thậm chí là nguy cơ khủng hoảng gỗ nguyên liệu tại các doanh nghiệp trong nước ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, và Bình Định.
Theo ông Lập, mặc dù Chính phủ đã thể hiện sự quan tâm bảo vệ ngành chế biến gỗ trong nước bằng các giải pháp, trong đó có chính sách thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng gỗ nguyên liệu và sản phẩm gỗ của Việt Nam hiện hành (theo Thông tư 182/2015/TT-BTC). Tuy nhiên, mức thuế suất xuất khẩu hiện tại là chưa đủ sức hạn chế hoạt động xuất khẩu gỗ nguyên liệu sang Trung Quốc một cách ồ ạt như thời gian qua. Đó là chưa kể tới việc các thương nhân này khai báo không đúng quy cách sản phẩm xuất khẩu để được hưởng ưu đãi về thuế như mặt hàng gỗ xẻ.
Các ý kiến tại hội thảo đã chỉ ra rằng, hiện có 2 mức thuế suất xuất khẩu gỗ nguyên liệu cao su: 5% cho gỗ nguyên liệu có quy cách nhỏ hơn hoặc bằng 30x95x1050mm; và 20% cho gỗ nguyên liệu có quy cách khác. Việc phân ra 2 loại thuế suất như trên được nhiều doanh nghiệp cho là không hợp lý vì gỗ nguyên liệu cao su chủ yếu tập trung ở loại quy cách có thuế suất 5%. Các doanh nghiệp cho rằng cần đưa tất cả về chung một khung thuế suất là 20% để hạn chế việc xuất khẩu nguyên liệu và tránh gian lận thương mại.
Ngoài ra, tại hội thảo, các ý kiến cũng cho rằng cần tăng cường các giải pháp về thủ tục hành chính, kiểm tra giám sát của Kiểm lâm, Hải quan sở tại và chính quyền địa phương, để hạn chế việc thương nhân nước ngoài thu gom, khống chế thị trường gỗ nguyên liệu rừng trồng trong nước và lẩn tránh thuế xuất khẩu bằng cách giảm giá bán, kê khai không đúng quy cách gỗ nguyên liệu xuất khẩu.
Nguồn: baohaiquan.vn